Nghề đi sớm, về muộn
Sáng sớm, miền biên giới lạnh buốt. Những đợt gió thổi vào người lạnh dựng cả tóc gáy. 4 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ say, chị em đã “cơm đùm cơm nắm” tất bật chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới nhộn nhịp, tấp nập nơi cửa khẩu Lao Bảo. Họ chỉ khoác một chiếc áo mỏng manh, vẫn miệt mài theo những “vòng quay bánh xe” để nuôi “vòng quay cuộc đời” đang ngóng chờ… ở nhà.
Những lúc thảnh thơi, các chị lại tụm ba, tụm bảy trò chuyện bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi. Một chị năm nay trạc 35 tuổi, đã có gần 20 năm trong nghề, bập bẹ nói: “Nghề này hả? Nhọc lắm! Mong có bát cơm đủ ăn qua ngày là may rồi. Có vất vả, đổ mồ hôi nhiều nhưng kiếm được bữa cơm qua ngày cũng là mừng rồi, chẳng mong gì hơn”. Hỏi về nghề, nhiều chị chỉ biết cười: “Thời cha, thời mẹ làm thì mình theo nghề đến tận bây giờ thôi”.
Em Nguyễn Thị Thảo năm nay mới 17 tuổi nhưng đã có 5 năm trong nghề, ngậm ngùi kể: “Ngày nắng cũng như ngày mưa, đúng 7 giờ sáng cho đến 19 giờ, có ngày muộn hơn, là phải có mặt ở đây cùng với hai chị gái ngồi chờ, ai gọi kéo hàng là lên đường. Vất vả lắm ạ! Không phải ngày nào cũng có hàng để kéo, nhiều lúc phải nhịn đói vì chẳng kiếm được đồng nào. Ngày nhiều khách thuê thì kiếm được 40 - 50 nghìn đồng, còn rủi ro như làm mất và đổ vỡ hàng của chủ là phải góp tiền công để mua hàng đền lại, vậy là về không”.
Nghề kéo xe nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất không như vậy. Đẩy xe nhiều sẽ làm bàn tay sưng vù vì chiếc xe kéo hàng quá nặng. Chuyện tai nạn như bị càng xe vồng lên đập vào đầu xảy ra thường xuyên. Hồi trước khi mới mon men hình thành nghề kéo xe, các chị em phụ nữ nơi đây hoạt động theo hình thức tự do, mạnh ai nấy làm.
Nhận thấy mối quan hệ giữa những chị em kéo xe với nhau ngày càng phức tạp, với nhiều phe phái, một đội phu xe hay còn gọi “đội xe kéo tóc dài” đã ra đời, có quy chế, hình thức hoạt động đàng hoàng. Đội được chia làm 4 tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng. Giá cả mỗi chuyến được phân định cụ thể cho từng loại hàng, tránh trường hợp ép giá của khách và nâng giá của phu xe.
Cửa khẩu Lao Bảo. |
Đồng tiền xương máu
Nghề cửu vạn ở cửa khẩu vất vả hơn nhiều lần so với đi nương, đi rẫy. Ngoài sự nặng nhọc thường thấy, còn phải đối mặt với nguy hiểm, cám dỗ, nếu không kiên định có thể trở thành kẻ phạm tội bất cứ lúc nào, bởi nhiều chủ hàng lợi dụng giấu hàng quốc cấm trong những thùng hàng và thuê kéo. Nếu đi lọt hàng cấm thì vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, bị phát hiện là trở thành phạm pháp.
Như lúc trước, khi chưa hình thành đội kéo xe, các chị em ở đây còn hoạt động theo hình thức tự do nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhiều người thấy chủ hàng thuê với giá kéo cao, cứ nghĩ là món hàng béo bở nên đồng ý đi, rồi bị lừa kéo vào trong rừng, qua những đoạn đường hiểm trở. Lúc đó mới phát hiện ra là hàng cấm. Nhưng không ai dám nói ra lời nào cả, vì nếu lúc đó nói ra có khi bị giết chết giữa rừng không ai biết. Đành ngậm ngùi mà tiếp tay cho bọn buôn gian bán lậu.
Đang ngồi tranh thủ ăn ổ bánh mỳ lót dạ, chị Hoa góp chuyện, cách đây mấy năm rồi, khi chưa thành lập đội kéo xe, chị có nhận kéo một chuyến hàng tiền công 200.000 đồng. Đó là số tiền lớn. Thế rồi kéo trúng phải hàng cấm, nhưng mãi tới khi kéo xa khuất núi rồi mới biết nhưng đành im lặng.
“Đội quân tóc dài” đại đa phần là những nữ phu cửu vạn người Pa Cô – Vân Kiều địa phương. |
Chưa kể, những chị em phụ nữ nơi đây, nhất là những trẻ em ở tuổi chưa thành niên, khi mưu sinh bằng nghề này rất dễ gặp những nguy cơ như bạo hành, lạm dụng, bóc lột sức lao động, thậm chí cả bị hãm hiếp, là đối tượng của nạn bắt cóc, buôn người qua biên giới. Trên thực tế, nhiều vụ mang thai ngoài ý muốn của những cô bé nơi đây cuối cùng phải chịu hình phạt của buôn làng và cuộc đời hiu quạnh.
Cùng với đó là cảnh trẻ em chịu chung một số phận là thất học. Nhiều em cả đời không biết đến con chữ, trường lớp là gì. Đối với các em, ước vọng đến trường là điều quá xa xôi. Cả đời, từ đời ông bà tổ tiên để lại, gắn “sống chết” với cái nghề mưu sinh vùng biên thì không thể nào bỏ được, nếu chúng có bỏ thì lấy cái gì “bỏ miệng” sống qua ngày. Chính vì vậy, tình trạng mù chữ, thất học và trình độ dân trí là “bài toán” hóc búa đối với những người làm công tác giáo dục tại vùng biên giới nghèo khó này.
Giáo viên không mấy mặn mà, phần vì xa xôi, cách trở, khí hậu khắc nghiệt, phần vì thiếu trò thường xuyên diễn ra. Đó là niềm trăn trở lớn không chỉ cho địa phương mà cả ngành giáo dục. Rồi số phận, cuộc đời của những nữ phu cửu vạn “tí hon” vùng biên sẽ đi về đâu khi trước mắt họ là con số 0: không nghề, không chữ nghĩa, không chồng, đói kém, bệnh tật…
Rời cửa khẩu Lao Bảo ra về khi mặt trời đã khuất núi, những bóng người liêu xiêu vẫn miệt mài bên những chiếc xe đẩy đang tất bật hoàn thành nốt công việc mưu sinh của một ngày. Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt hốc hác, khô gầy của các chị mà không khỏi chạnh lòng. Và tôi vẫn ám ảnh mãi câu nói của một chị trước khi chia tay: “Phải cố làm thôi mấy chú à! Không làm lấy gì về nuôi con cái…!!”.