Bởi cái nghèo đeo bám
Chúng tôi tìm đến xã Trung Giang để “mục sở thị” công việc của các chị, các mẹ đang hàng ngày kiếm từng đồng, từng cắc bằng nghề bốc vác vật liệu xây dựng thuê. Mới hơn 8h nhưng nắng đã chang chang như đổ lửa. Trong cái nóng bỏng rát của vùng biển bãi ngang này, ai nấy đều hạn chế ra đường vì nhiệt độ ngoài trời từ 35 - 37 độ C. Thế nhưng, ở ngoài trảng cát tận bìa rừng, các chị vẫn đang hối hả xúc từng xẻng cát, vác từng bao xi măng cho đầy xe, đủ khối để chủ xe chở cho khách hàng.
Trong lúc nghỉ tay, chị Cự (50 tuổi, công nhân bốc vác) quay sang nói với tôi: “Chú thấy rồi đó, làm nghề này mệt nhọc lắm, ai sức khỏe yếu thì đảm bảo hai ngày là đau nhừ người. Chúng tôi phải đứng xúc cát sạn, bốc vác xi măng giữa trưa nắng là chuyện bình thường. Lúc đầu thì cũng uể oải, làm riết nên quen rồi chú à!”.
Mỗi sáng sớm, các chị phải dậy lo việc cơm nước cho chồng con rồi lại phải đi bộ tới chỗ làm cách nhà vài ki lô mét, đến tối mịt mới về. Công việc của các chị là một vòng tròn khép kín. Bắt đầu, các chị xúc cát sạn từ bãi cát, bãi sạn lên xe tải, sau đó về kho chứa vật liệu của chủ xưởng bốc vác xi măng, sắt thép... từ kho lên xe. Cuối cùng, các nữ cửu vạn lại đi theo xe đến địa điểm của khách hàng để bốc vác vật liệu xây dựng từ xe xuống điểm tập kết.
Tính chất công việc nặng nhọc nhưng các chị chỉ kiếm được khoảng 80-100 ngàn đồng/ngày. Tiền công được chủ trả theo sản phẩm, làm bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu. Nếu xúc cát sạn thì mỗi người được trả 15 ngàn đồng/m3, bốc vác xi măng thì mỗi người được 40 ngàn đồng/tấn. Để kiếm được một đồng của nghề này không hề đơn giản.
Chị Cự tháo khẩu trang, quệt vội mồ hôi trên trán, tâm sự: “Vì làm việc nặng cả ngày nên đến tối về nhà là cả người tôi đau ê ẩm. Nhiều khi làm việc quá sức, có chị em còn ngất xỉu ngay trên đống cát. Tuy thế, mệt đến mấy cũng phải gắng mà làm. Nghỉ ở nhà một ngày thôi là con tôi nhịn đói một ngày, chú à”.
Hầu hết các chị đến với nghề vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, túng thiếu. Chị Nguyễn Thị Dưỡng hành nghề đã hơn 5 năm, tâm sự: “Nhà tôi có 3 đứa con đang đi học, chồng tôi là ngư dân nhưng dạo này biển mất mùa, thất thường “bữa đực, bữa cái” nên cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Giờ cả nhà chỉ trông cậy vào mấy đồng bạc mà tôi đem về hàng ngày để sống. Dù cực khổ đến mấy tôi cũng phải cố gắng làm để phụ chồng nuôi con”.
Đồng cảnh ngộ nên các chị luôn giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Mỗi khi có ai đau ốm, các chị tranh thủ lúc nghỉ trưa để đến tận nhà thăm hỏi và động viên nhau cùng cố gắng làm việc.
Gian truân với… nghề
Người viết bài thử sức với một bao xi măng có trọng lượng 50kg. Vừa đặt bao xi măng lên vai, người viết đã loạng choạng chân, vác đến bao thứ ba ra xe thì mệt lử, phải ngồi thở dốc. Một chị đứng từ xa nhìn rồi cười: “Không quen không làm nổi nghề này đâu, không cẩn thận là bị chấn thương đấy”. Tôi thầm nể phục các chị phận “liễu yếu đào tơ” nhưng lại làm công việc nặng nhọc của cánh đàn ông, đến sức thanh niên nhiều khi cũng phải chịu thua.
Nhiều lần các chị bị chấn thương về xương khớp vì mang vác quá nặng. |
“Chúng tôi làm việc này để kiếm gạo nuôi con chứ có chi mà chú viết báo. Ở đây, nhiều phụ nữ như chúng tôi làm nghề này lắm. Hễ chú đi ra đường là sẽ thấy các chị em ngồi sau thùng mấy chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng. Vì vô nghề, vô nghiệp mới phải làm cái nghề đến đàn ông cũng ngán ngẩm này, chứ thật tình chúng tôi cũng không muốn làm nghề này đâu” - chị Hồ Thị Ném (thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang) hành nghề cửu vạn đã hơn 10 năm bộc bạch.
Theo lời các chị, rất nhiều người làm nghề này thường xuyên bị chấn thương về xương khớp. Như chị Nguyễn Thị Dưỡng (thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang) đã từng bị gãy xương cánh tay, chị Thơm bị chấn thương dây chằng, chị Thu bị bong tróc da hai lòng bàn tay vì cầm nắm cuốc xẻng và còn nhiều trường hợp khác. Không thể kể hết được những vất vả, mối nguy hại của nghề này đối với sức khỏe các chị.
Chị Nguyễn Thị Lệ, chủ một doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho biết: “Các công nhân làm nghề bốc vác vật liệu xây dựng ở đây chủ yếu là phụ nữ. Các chị làm việc rất siêng năng, chịu khó, mặc dù là phái nữ nhưng hiệu quả công việc của các chị chẳng thua kém gì đàn ông. Lúc trước, cũng có vài anh tới làm nhưng được vài tháng là họ bỏ đi, chỉ có chị em phụ nữ bám trụ với nghề này. Có chị đã làm nghề này từ khi tôi mới mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, tính đến nay cũng hơn 10 năm rồi”.
Chúng tôi quan sát thấy trong số các công nhân đang xúc cát lên xe ở ngoài bãi có một nam thanh niên khá trẻ với khuôn mặt đen nhẻm, vóc dáng thư sinh. Tôi mời em uống ly nước rồi bắt chuyện. Em tên là Nguyễn Văn Thắng (17 tuổi, thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang) đang học Trường THPT Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Em tranh thủ thời gian nghỉ hè xin làm thêm nghề cửu vạn để có tiền mua sách vở học tập trong năm học mới.
Kéo vạt áo lau dòng mồ hôi đang lăn dài trên gò má, vừa thở hổn hển, em tâm sự: “Em mới làm được một tháng thôi. Vì nhà em nghèo, bố mẹ lại hay đau ốm nên em xin các cô chú cho em đi theo làm nghề bốc vác này. Những ngày đầu mới làm, em gần như kiệt sức anh ạ. Họ nói “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” chứ em thấy các cô ở đây còn khỏe hơn cả em nữa. Các cô không cho em làm những việc nặng quá sức sợ em ốm thì không làm được. Em chỉ làm vài tháng hè để kiếm tiền mua sách vở học thôi, sắp vào năm học mới rồi đó anh. Vào học là em phải nghỉ làm để tập trung học hành”. Câu chuyện bị cắt ngang khi chủ xe gọi Thắng lên xe để đi bốc vác vật liệu xây dựng cho khách.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Tưởng, Chủ tịch UBND xã Trung Giang cho biết: “Địa bàn xã có trên 30 lao động nữ làm nghề bốc vác vật liệu xây dựng, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Thủy Bạn và Bắc Sơn. Vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động chính trong gia đình nên các chị mới làm nghề nặng nhọc này. Đa số gia đình các chị là hộ nghèo và cận nghèo của địa phương”.
Chúng tôi chia tay các chị khi ánh mặt trời chỉ còn những tia yếu ớt, vàng vọt sau những đám mây lơ lửng cuối chiều. Chị Ném nở nụ cười thật tươi rồi leo vội lên thùng xe tải đã chất đầy vật liệu xây dựng. Chị cố gắng nói với về phía chúng tôi trong sự ồn ào của tiếng động cơ máy nổ của xe: “Tạm biệt nhé! Chúng tôi còn phải làm thêm vài chuyến nữa để về kịp nấu cơm tối cho chồng con ở nhà”.