Dự án đường quốc lộ Thái Hà dài 26km (nối Thái Bình sang Hà Nam) đi qua công trình Trường tiểu học và Trạm y tế xã Thái Phương. Từ năm 2010 đã có quy hoạch di dời trường và trạm y tế sang vị trí mới, dự kiến cụm công trình được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2. Ba hộ dân bị thu hồi đất để phục vụ công trình này.
Hàng tỉ đồng “đổ sông”
Ba hộ dân khốn khổ nêu trên gồm các gia đình anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1976), ông Nguyễn Thế Chi (SN 1967) và bà Nguyễn Thị Thiên (SN 1962, đều ngụ xã Thái Phương). Năm 2001, địa phương này có chủ trương xây dựng mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng trọt.
Theo ba hộ trên, cả xã Thái Phương chỉ có họ theo lời kêu gọi vì theo quy định, các hộ muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất xây dựng kinh tế VAC phải đảm bảo diện tích tối thiểu 1000m2. Do đó, ngoài diện tích ruộng trũng, họ phải đổi đất ruộng cho các hộ dân khác, mua thêm đất gom lại mới đủ diện tích chuyển đổi theo yêu cầu.
Sau khi đăng kí, ba hộ gia đình được nhận tiền hỗ trợ 250 ngàn đồng/sào (tương đương 360m2). Ngay sau khi nhận đất, các hộ gia đình đầu tư cải tạo những ô ruộng cấy lúa kém hiệu quả, san lấp ao và nâng nền đất ngang bằng với mặt đường liên huyện. Họ phải mua thêm đất từ nơi khác về nâng nền để dựng nhà tạm, trồng cây ăn trái. Điển hình như hộ ông Chi có tới 1/3 diện tích khu chuyển đổi là ruộng sâu. Ngoài lượng đất tận dụng từ đào ao, ông Chi phải mua tới 700m3 đất với giá 50 ngàn đồng/m3 về san lấp.
“Khó mà tính hết chi phí bỏ ra, chúng tôi tự bỏ công cải tạo dần dần, nhờ họ hàng, bạn bè giúp sức. Tôi phải bán mảnh đất trong làng được 45 triệu đồng đem ra đầu tư giữa đồng này. Số tiền này chỉ đủ xây chiếc cầu bê tông bắc qua con sông nhỏ đi từ đường liên huyện vào nhà. Mất gần bốn năm mới cải tạo thành khu trang trại nhìn vuông vắn như hiện nay. Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đã bỏ ra”, ông Chi nhìn trang trại thở dài.
Đầu tư xây dựng xong hệ thống chuồng trại chăn nuôi, ông Chi thả nuôi 30 con lợn. Nhưng chỉ khai thác được hai năm thì gặp trận bão quật ngã hết chuồng trại. Gia đình ông vay ngân hàng 20 triệu đồng dự định sửa lại chuồng trại, xây thêm chuồng nuôi gà. Nhưng chưa kịp xây, đầu năm 2010, ông Chi và hai hộ dân liền kề nhận được thông báo của UBND huyện với nội dung sẽ ban hành thu hồi đất xây dựng trường học, trạm y tế xã.
Tương tự nhà ông Chi, nhà bà Thiên có gần 3.000m2 đất chuyển đổi. Đứng nhìn dãy nhà cấp bốn tường sập nham nhở, mái ngói trống hoác nhiều chỗ, bà Thiên bức xúc không kém. Bà nhẩm tính đầu tư gần nửa tỉ đồng đào ao cá, xây chuồng trại nuôi lợn, gà. Từ khi có thông báo sẽ thu hồi đất, bà bỏ hoang trang trại tới nay vì không dám đầu tư sửa chữa.
Nhìn trang trại bỏ hoang, bà ngậm ngùi: “Trong đó có hơn 400m2 là đất do gia đình san lấp vượt sông, lấp ao bơm nước tưới lúa mà có. Nhà tôi ruộng ít nên hai vợ chồng dắt theo ba con ra khu cánh đồng xây dựng trang trại với hy vọng đổi đời, có tiền nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng mọi kế hoạch tan vỡ, sáu năm chờ đợi là sáu năm bỏ hoang đất lãng phí”.
Đến năm 2014, sau bốn năm mỏi mòn bỏ hoang đất mà không nhận được thông tin mới về việc triển khai dự án xây trường và trạm y tế xã, ba hộ gia đình đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng từ cấp xã đến cấp tỉnh. Theo lời người dân, chỉ có UBND tỉnh Thái Bình thông báo đã chuyển đơn cho UBND huyện Hưng Hà giải quyết. Còn huyện và xã đều im lặng.
“Chết đói” còn gánh nợ
Hoàn cảnh khó khăn nhất trong ba hộ dân trên là gia đình anh Bình. Người đàn ông phải bỏ ruộng làm phụ hồ sống qua ngày thở dài: “Tưởng ra đồng xây dựng kinh tế mới khấm khá hơn, ai ngờ vẫn nghèo”.
Vườn nhà anh Bình xơ xác, ngoài hàng bạch đàn xanh tốt sát mép sông không có loại cây trái gì khác. Ngay đến ao cá cũng bỏ hoang phủ đầy cỏ dại. Nhà anh Bình 5 người đều “chui” trong căn nhà tạm trên mảnh đất sẽ bị thu hồi.
Anh Bình kể, vợ chồng anh trước sống cùng bố mẹ trong làng. Vì không có đất canh tác nên anh chỉ biết làm thuê làm mướn. Ròng rã mấy năm liền nhưng cái nghèo vẫn đeo bám khiến anh bế tắc. Bởi vậy từ năm 2001, khi địa phương thông báo chủ trường chung của nhà nước về chương trình phát triển kinh tế mới, xây dựng mô hình VAC trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả, anh Bình đăng kí liền với hy vọng sẽ bớt khổ.
Không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, vợ chồng anh Bình phải vay mượn khắp nơi mới có hơn trăm triệu để cải tạo trang trại. Số tiền này đến nay anh chị vẫn chưa trả hết. “Lúc trước ở đây là khu đồng ruộng chiêm trũng, hoang vắng nhất làng. Nền ruộng thấp hơn mặt đường cả mét, chưa kể các ao nước dày đặc nên phải đổ rất nhiều đất mới có mặt bằng như thế này. Tôi đã mua hơn 300m3 đất từ nơi khác về nâng nền, chưa kể tận dụng đất đào ao đắp bờ tại chỗ. Tiền bạc, công sức bỏ ra không biết tính thế nào mới đủ. Nhà người ta còn có đất thế chấp vay ngân hàng. Còn vợ chồng tôi không có đất phải đi vay mượn bên ngoài nên chịu lãi suất lớn”, anh Bình kể.
Mất vài năm, vợ chồng anh Bình mới cải tạo xong khu trang trại rộng hơn 1000m2 và bắt đầu thả cá, nuôi lợn, trồng mía. Canh tác được hai năm, chưa kịp vui mừng thì anh Bình nhận được thông báo sẽ thu hồi đất của UBND huyện Hưng Hà.
“Tờ thông báo ghi rõ huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất nhưng không nói rõ năm nào sẽ thu hồi. Trong khi đó cán bộ xã thông báo các hộ dân không được xây dựng công trình kiên cố bởi nếu thu hồi sẽ không được đền bù. Nghe vậy, chúng tôi đâu dám đầu tư vốn liếng cải tạo ao hồ thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn nữa”, anh Bình bức xúc. “Nông dân mất hết ruộng đất lấy gì mà làm ăn? Cả nhà chúng tôi sắp chết đói, còn gánh nợ chồng chất”, anh bất bình.
Thông báo chuyển đơn của UBND tỉnh Thái Bình |
Anh nói tiếp: “Chủ trương nhà nước cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tạo điều kiện để chúng tôi phát triển kinh tế VAC. Vậy mà mất bao nhiêu công sức cải tạo đất hoang hóa thành trang trại, mới bắt đầu đầu tư nuôi trồng thì lại thu hồi. Có khác gì chính quyền đánh đố chúng tôi?”.
Trang trại bỏ hoang, trong khi các khoản nợ vẫn sinh lãi từng ngày, vợ anh Bình phải đi dệt khăn thuê kiếm tiền ăn, còn anh đi phụ hồ, bốc vác kiếm tiền trả nợ dần.
Ăn bớt, “ép giá” đền bù?
Theo các hộ dân, bỏ bẵng đi một thời gian dài từ khi có thông báo thu hồi đất, đến cuối năm 2014, có nhiều cán bộ xã, huyện liên tục về nhà họ đo đạc đất, thống kê tài sản. Sau đó, họ nhận được một bảng giá đền bù chỏng chơ chỉ là tờ giấy A4 liệt kê các hạng mục, không đóng dấu, không có cơ quan ban hành, không có căn cứ áp giá. “Không biết thật giả thế nào”, một người dân ngờ vực.
Đến nay, người dân đã ba lần nhận được dự thảo phương án đền bù. Nhưng gây khó hiểu là mức đền bù lần sau lại giảm dần so với lần trước. Có nhà còn bị hụt gần 200 triệu đồng. Sau sáu năm đằng đẵng, đã bỏ hoang trang trại không làm ăn được, lại bị “trừ” tiền đền bù, các hộ dân cho rằng đang bị chính quyền “xử ép”.
Anh Bình dẫn chứng: cây cầu bê tông dài hơn 10m bắc từ đường liên xã vào nhà được anh xây tổng chi phí 40 triệu đồng. Nhưng trong văn bản được coi là dự thảo phương án đền bù, cây cầu chỉ được đền 30 triệu đồng. Hay bỏ hoang trang trại sáu năm, nhưng anh chỉ được hỗ trợ 2 ngàn đồng/m2. Theo anh, mức hỗ trợ này là quá thấp. Ngoài ra, anh còn cho rằng: “Phương án đền bù chỉ hỗ trợ bảy vụ là chưa đúng vì bảy vụ chỉ tương đương với 3,5 năm. Trong khi đất bỏ hoang tới nay đã sáu năm”.
Trước những thắc mắc khác của người dân, chính quyền địa phương trả lời như thế nào? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Cho rằng mức đền bù thu hồi đất “không thỏa đáng”, từ cuối năm 2014, ba hộ dân đã gửi đơn đến các cấp chính quyền. Tuy nhiên, chỉ có UBND tỉnh Thái Bình trả lời bằng tờ “phiếu chuyển đơn” số 407/PC-UBND ngày 6/11/2014 do Phó chánh văn phòng Phạm Ngọc Chính thay chủ tịch tỉnh kí tên. Trong phiếu nêu rõ, UBND tỉnh nhận được ba lá đơn của ba công dân ở xã Thái Phương và đã chuyển đến UBND huyện Hưng Hà xem xét giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả theo quy định.
Qua hơn một năm, đến tận tháng 4/2016, khi người dân gửi đơn kêu cứu đến XLPL, PV về địa phương làm việc, xã, huyện còn thản nhiên nói chưa hề nhận được đơn thư của người dân.
Khi PV đưa ra bản thông báo tỉnh đã chuyển đơn cho huyện, đại diện huyện cười xòa: “Lâu quá, không nhớ rõ”.