Hồ sơ đầy rẫy sai phạm, lập không đúng quy trình nhưng cả hai cấp tòa đều đồng ý “đẩy” trẻ vào trường giáo dưỡng.
Không có giám hộ là sai…
Như PLVN từng thông tin, sau khi bị Công an (CA) xã Tây Ninh (huyện Tiền Hải, Thái Bình) “áp tải” đến trụ sở để làm việc vào ban đêm và không có người giám hộ, cháu Đặng Văn Hạnh (sinh ngày 14/4/2001, học sinh lớp 9, trú tại xã Tây Ninh) đã bị rách sống mũi, được bệnh viện xác định là “sai khớp sụn vách mũi”.
Trong khi nạn nhân khẳng định đã bị CA xã đánh, đấm vào mặt thì Trưởng CA xã Tây Ninh lại phủ nhận và cho rằng có đối tượng Tô Hải Nam đã xông vào trụ sở CA đánh cháu Hạnh.
Vụ việc có dấu hiệu hình sự vì nạn nhân là trẻ em và hành vi đánh người có tính chất côn đồ nhưng CA xã Tây Ninh lại vội vàng “hành chính hóa” khi ra quyết định xử phạt Nam 500.000 đồng, không đề cập đến đơn tố cáo của gia đình nạn nhân.
Sau khi báo đăng, CA huyện Tiền Hải có công văn trả lời báo PLVN cho biết: 19h ngày 22/10/1015, Phó trưởng CA xã Tây Ninh và một CA viên đã chở cháu Hạnh về trụ sở UBND xã Tây Ninh để làm việc nhưng cháu Hạnh không khai nhận gì.
Đến khoảng hơn 20h, cháu Hạnh được CA dẫn xuống tầng 1 để ký biên bản làm việc thì gặp Lương Tuấn Anh và Tô Hải Nam (trú cùng xã). Sau khi hỏi Hạnh có lấy điện thoại di động nhà anh Luyện không, Tuấn Anh và Hải Nam đã tát cháu Hạnh 2-3 cái làm cháu đập mặt vào tường, bị chảy máu mũi và có vết xước ở mũi dài 2cm…
Ngày 24/1/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) CA huyện Tiền Hải đã có quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với cháu Hạnh nhưng cháu Hạnh và gia đình từ chối giám định thương tích, xin rút đơn tố cáo nên Cơ quan CSĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
CA huyện Tiền Hải nhận thấy việc CA xã đưa cháu Hạnh lên làm việc buổi tối, khi làm việc lại không có người giám hộ là sai; trong quá trình làm việc tại trụ sở CA để Tô Hải Nam vào đánh cháu Hạnh mà không bảo vệ là sai…
CA huyện Tiền Hải yêu cầu Chủ tịch UBND xã Tây Ninh chỉ đạo, xử lý hành chính đối với Tô Hải Nam và kiểm điểm nghiêm túc đối với các đồng chí CA xã trực tiếp giải quyết vụ việc cháu Hạnh tối 22/10/2015 thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình công tác.
Hồ sơ vẫn được coi là “đúng pháp luật”
Về việc đưa cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng, CA huyện Tiền Hải cho biết: đã phối hợp với Phòng Tư pháp, TAND huyện cùng UBND xã Tây Ninh kiểm tra và xác định đảm bảo đúng quy trình và pháp luật.
Nhưng có thể thấy nhận định này của CA huyện Tiền Hải đã hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm trước đó của chính mình. Nếu cơ quan này đã cho rằng việc CA xã làm việc với cháu Hạnh tối 22/10/2015 không có người giám hộ là sai thì cũng phải thừa nhận tất cả những lần lấy lời khai không có giám hộ (hoặc giám hộ ký khống) trước đó cũng là sai. Khi những biên bản làm việc này đã sai, không có giá trị pháp lý thì làm sao có đủ căn cứ “kết tội” cháu Hạnh “trộm cắp vặt” để đưa cháu vào trường giáo dưỡng được?
Ngoài ra, CA huyện Tiền Hải cũng không lý giải cụ thể về “6 không” trong hồ sơ như PLVN đã phản ánh: Đó là, cháu Hạnh không bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) sau mỗi lẫn bị quy là “trộm cắp vặt”; chính quyền không thông báo cho gia đình về việc lập hồ sơ giáo dục tại xã, hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng đối với cháu Hạnh; cháu và bố mẹ cháu không được biết, dự hoặc phát biểu ý kiến tại cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; gia đình không được nhận quyết định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với cháu cũng như không được khiếu nại quyết định này…
Tất cả những việc làm này đều trái với quy định tại Điều 16 Nghị định 81/2013/NĐ-CP (hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Điều 2, Điều 16, Điều 18… Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Tòa có thiếu trách nhiệm?
Trong khi cháu Hạnh không hề được giáo dục theo quyết định của địa phương thì TAND huyện Tiền Hải vẫn cho rằng cháu Hạnh “đã được giáo dục” nhưng “tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản”. Cũng không hề đề cập đến các quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Tòa này còn vội vàng nhận định: hồ sơ đề nghị đưa cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng đã tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục quy định tại Điều 99 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Trao đổi với phóng viên, bà Chu Thị Tuyết (Thẩm phán TAND huyện Tiền Hải, Chủ trì phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng với cháu Hạnh) cho biết, tại phiên họp, cháu Hạnh thừa nhận chỉ có 2 lần ăn trộm vài con gà, con vịt chứ không phải 5 lần như hồ sơ thể hiện. Ngoài ra, bà ngoại cháu Hạnh cũng khẳng định gia đình không nhận được quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với cháu.
Còn ông Phạm Quốc Bảo (nguyên Thẩm phán TAND tỉnh Thái Bình, người Chủ trì phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, hiện đã nghỉ hưu) cũng thừa nhận: “Mẹ cháu Hạnh có khiếu nại về việc CA lập hồ sơ, việc cháu bị đánh đập… Nhưng việc lập hồ sơ này là của CA, chúng tôi có lập hồ sơ đâu”.
Với trả lời trên của những người “cầm cân nẩy mực” thì không hiểu vai trò của Tòa án trong vụ việc này như thế nào? Chẳng lẽ, Tòa không xác minh, không xem xét lời khai của đương sự, không làm rõ các mâu thuẫn, không kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ…, rồi chỉ tin tưởng vào hồ sơ do CA huyện để đẩy cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng?.
Đã vậy, cả hai cấp tòa còn không yêu cầu Đoàn Luật sư (LS) phân công LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Hạnh (người chưa thành niên) tại hai phiên họp.
Thừa nhận cháu Hạnh không hề có LS bảo vệ tại phiên họp giải quyết khiếu nại nhưng ông Phạm Quốc Bảo lại cho rằng: “Cái đó (tức cử LS - PV) thì ở sơ thẩm phải làm. Họ không khiếu nại nên chúng tôi không xem xét”.
Trả lời như vậy, có lẽ ông Bảo quên mất rằng, khoản 6, Điều 2 Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND” không loại trừ trách nhiệm của Tòa cấp tỉnh và quy định rõ: “Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn LS phân công Văn phòng LS cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ”.