Đất nhà thờ bỗng nhiên được cấp cho người ngoài
Trình bày với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Ngô Tuấn Kiệp (tức Ngô Mạnh Thu – người được đại gia đình họ Ngô ủy quyền đứng tên khiếu nại) cho biết, gia đình ông có khuôn viên đất nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng (diện tích 1.880m2) tại thôn Lang Xá Cồn thuộc quyền sử dụng của bố ông là cụ Ngô Mạnh Khảng. Năm 1946 – 1947, thực hiện chủ trương của Chính phủ “tiêu thổ kháng chiến”, ngôi nhà ở và nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng bằng gạch ngói bị đập phá. Bố ông theo cơ quan mặt trận Việt Minh rời ra tỉnh Hà Tĩnh. Bốn anh chị em ông tham gia quân đội nhân dân Việt Nam. Còn anh trai cả của ông là ông Ngô Mạnh Tiên ở lại trông coi đất nhà thờ, sau đó dựng lại nhà thờ bằng tre lợp tôn.
Thực hiện di nguyện của bố ông trước khi mất (tháng 11/1975), ông Tiên và ông Kiệp vẫn đi về nhà thờ Cố Ngô Quý Đồng hương khói thờ phụng. Bên cạnh đó, ông còn vận động người thân tích cực dành dụm tiền đóng góp nên đã xây dựng lại ngôi nhà bằng gạch ngói và trồng lại cây cối hoa quả, tạo lập cảnh quan phù hợp với văn hóa tâm linh nhà thờ.
Vì công tác xa quê nên gia đình ông Kiệp đã thuê ông Ngô Văn Phẩm có nhà ở gần đó trông nom, bảo quản tài sản và đất đai nhà thờ. Ông Phẩm được tạm thời khai thác cây ngắn ngày và hưởng hoa lợi trên khuôn viên đất nhà thờ thay vì được trả tiền công trông nom. Năm 1976, có nhóm người vào chặt phá cây cối trên khuôn viên đất nhà thờ và có ý định chiếm đất nhưng ông Phẩm không ngăn cản được vì không phải đất của mình. Do đó, ông Phẩm đã lên xin ông Ngô Mạnh Tiên ký giấy cho ông Phẩm thay mặt ông Tiên có quyền ngăn cản kẻ xấu vào xâm chiếm đất.
Năm 1993, gia đình ông Kiệp bất ngờ nhận được thông tin là khuôn viên đất nhà thờ của gia đình ông đã được thị xã Hương Thủy cấp GCN số B964025 cho ông Ngô Văn Phẩm. Quá bức xúc trước sự việc trên, gia đình ông Kiệp liên tục có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế, thế nhưng suốt 20 năm qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Dân muốn “sửa sai”, chính quyền không đồng ý
Ngay sau khi biết sự việc, gia đình ông Kiệp đã liên tục có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng không được trả lời bằng văn bản. Mặc dù ngày 20/8/2003, ông Phẩm đã có đơn gửi UBND xã Thủy Thanh, UBND huyện Hương Thủy (cũ) để xin hoàn trả lại đất vườn nhà thờ cho chủ sở hữu.
Trong đơn, ông Phẩm đã trình bày rất rõ: “Trước đây tôi được cấp 3 sào ruộng để làm ra sản phẩm và đóng thuế cho nhà nước. Trong lúc đó dòng họ Ngô của tôi có một khu vườn nhà thờ rộng khoảng 1.880 m2 tại thửa 176. Thấy thế, địa phương đã thu của tôi 3 sào ruộng và đổi lại bằng cách lấy đất vườn nhà thờ của chính họ tôi cấp cho tôi với GCN số B: 964025 do UBND huyện Hương Thủy cấp ngày 30/9/1993. Những năm gần đây, được biết mảnh đất vườn nhà thờ của họ tôi thờ cụ Ngô Quý Đồng đang chờ xếp hạng. Vì vậy, tôi thấy việc tiếp tục đứng tên nghiệp chủ mảnh đất nêu trên không những không thuận tình của họ hàng mà còn có lỗi với văn hóa nước nhà. Tôi viết đơn này kính nhờ Huyện và Xã giải quyết trả lại cho tôi 3 sào ruộng nêu trên và cho phép tôi trả lại nghiệp chủ khu đất cho người thừa kế của cụ Ngô Quý Đồng là ông Ngô Mạnh Tiên để con cháu dòng họ Ngô trùng tu tôn tạo và làm thủ tục xếp hạng di tích danh nhân văn hóa”.
Song, không hiểu lí do gì mà các cơ quan chức năng vẫn “làm ngơ” trước những lá đơn của người dân. Chỉ đến ngày 11/8/2014, gia đình ông Kiệp mới nhận được Văn bản số 1318/UBND-TN&MT của UBND thị xã Hương Thủy về việc trả lời đơn của ông Ngô Mạnh Tiên và Ngô Tuấn Kiệp, khẳng định: “Thửa đất số 176, tờ bản đồ số 01, diện tích 1.880m2 có nguồn gốc do ông Ngô Mạnh Khảng sử dụng. Ông Ngô Mạnh Khảng là bố của các ông Ngô Mạnh Tiên và Ngô Tuấn Kiệp”. Tuy nhiên, cũng tại văn bản này, UBND thị xã Hương Thủy lại mâu thuẫn khi kết luận: “Việc UBND huyện Hương Thủy cấp GCN thửa đất trên cho ông Ngô Văn Phẩm là đúng quy định của pháp luật. Việc các ông Ngô Mạnh Tiên, Ngô Tuấn Kiệt đề nghị thu hồi GCN đã cấp cho ông Phẩm là không có cơ sở để xem xét giải quyết”?
Hơn 20 năm chờ đợi công lý
Cho rằng Văn bản 1318/UBND-TN&MT của UBND thị xã trái với quy định của pháp luật, gia đình ông Kiệp tiếp tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh này liên tiếp có 2 Văn bản số 3432/UBND-KNTP ngày 06/7/2015 và Văn bản số 5946/UBND-KNTP ngày 03/11/2015 yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy khẩn trương xem xét và trả lời ông Ngô Tuấn Kiệt theo quy định, báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết.
Tuy nhiên, không hiểu sao, ngày 30/3/2016 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại bất ngờ có Văn bản số 1628/UBND-KNTP gửi ông Ngô Tuấn Kiệp khẳng định: “Công văn số 1318/UBND-TN&MT trả lời đơn kiến nghị của công dân là đúng quy định của pháp luật”? Đáng lưu ý là, khi đó, ông Phẩm không có giấy tờ gốc, đồng thời đã có đơn xin hoàn trả lại đất cho gia đình ông Kiệp. Vậy, không biết UBND thị xã Hương Thủy và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dựa vào đâu để kết luận sổ đỏ cho ông Phẩm là đúng quy định của pháp luật?!
Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét lại và xử lý dứt điểm để đảm bảo quyền lợi của công dân. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục thông tin về sự việc này.