Tự phát theo phong trào
Đến Quảng Phú Cầu ngày nay, có thể thấy sự sầm uất của một làng nghề “ăn nên làm ra”. Toàn xã có hơn 3.500 hộ dân, trong đó có tới 70% số hộ làm nghề tăm hương. Nhờ làm nghề mà hàng nghìn lao động địa phương có mức thu nhập ổn định, trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Không ai biết nghề chẻ tăm hương có tự bao giờ nhưng theo bà Nguyễn Thị Luyến (69 tuổi), từ thời cụ ông, cụ bà của bà đã truyền tay nhau nghề làm tăm hương. “Nói là nghề phụ, nhưng làm tăm hương lại là nghề cho thu nhập tương đối khá, chỉ dăm năm trở lại đây thôi, số hộ đầu tư mua máy chẻ tự động, thu mua vàu sơ chế về làm tăm hương đã lên tới hàng trăm. Những người không có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất, có tuổi như tôi thì đi làm công khoán”, bà Luyến cho hay.
Có lẽ chưa bao giờ nghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu lại phát triển như bây giờ, khi gần như nhà nào cũng đua nhau làm. Lợi nhuận từ công việc làm tăm đã thôi thúc người dân phát triển và mở rộng quy mô sản xuất đến chóng mặt. Nhiều gia đình, ban đầu chỉ sản xuất làm nhỏ lẻ, đầu tư mua máy chẻ khoảng chục triệu đồng. Nhưng sau 5 năm đầu ra ổn định, họ đã mở xưởng sản xuất, đầu tư thiết bị cả chục tỷ đồng, thường xuyên thuê nhiều nhân công.
Mặc dù phát triển khá nhanh nhưng hàng trăm cơ sở sản xuất tại xã Quảng Phú Cầu đều làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không có sự quy hoạch bài bản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy ngày càng rõ nét. Ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có duy nhất lò sấy hơi nước của hộ gia đình anh Lê Văn Biểu tại thôn Phú Lương Thượng là đảm bảo. Còn lại, hàng chục lò sấy thủ công vẫn đang nhả khói ngày đêm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
Sự bền vững bị đe dọa
Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 tấn vầu, tre, nứa từ các nơi được chuyển về Quảng Phú Cầu để sản xuất tăm hương. Theo kinh nghiệm của người làm nghề, cứ 100kg nguyên liệu thì thu được 25kg tăm hương thành phẩm, còn lại là phế liệu. Trung bình mỗi ngày, các xưởng sản xuất tăm hương thải ra hàng trăm tấn mùn vầu, tre, nứa. Nếu trước đây, lượng chất thải này được chủ sản xuất bán lại với mục đích đốt lò, làm vật liệu đun bếp thì nay nhu cầu tái sử dụng đã không còn giá trị. Dù trên địa bàn xã có gần 50 gia đình lắp đặt lò sấy nguyên liệu, song hoạt động của các lò này lại xuất hiện những vấn đề không ổn. Những lò sấy thủ công thường có ống khói thấp, nằm xen lẫn khu dân cư nên hơi nóng, khói và tro bụi vẫn xả ra không khí ngùn ngụt mỗi khi hoạt động. Do đó, người dân nơi đây đang phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Tại các xưởng tăm, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là bụi mùn gỗ rất đậm đặc, trong khi các cơ sở này không có máy hút xử lý bụi mùn gỗ. Người lao động gần như không có thiết bị bảo hộ, không có chuyên môn, kiến thức về vận hành máy móc, tiềm ẩn nguy xảy ra tai nạn lao động. Chưa kể, hàng nghìn lao động từ nhiều nơi đổ về Quảng Phú Cầu làm nghề, nhưng việc quản lý lao động ở các cơ sở sản xuất chưa đồng bộ, khiến cho quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Đặc biệt, làng nghề sản xuất tăm với nguyên liệu vàu thô rất dễ gây cháy nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy ở đây rất hạn chế, nhiều cơ sở chỉ trang bị phương tiện phòng, chữa cháy theo kiểu tùy hứng của các ông chủ. Theo người dân địa phương, hầu như năm nào cũng có hỏa hoạn xảy ra, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Theo các hộ dân nơi đây, nếu sấy nguyên liệu tăm hương bằng công nghệ hơi nước sẽ ít gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chi phí để xây dựng một lò sấy hơi nước lên tới 400 triệu đồng khiến người dân e dè quyết định đầu tư. Mới đây, Quảng Phú Cầu được huyện Ứng Hòa phê duyệt quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề tập trung, diện tích 10ha để di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Song, đến nay, xã mới huy động được một vài hộ đến cụm công nghiệp làng nghề tập trung hoạt động. Cùng với đó, huyện Ứng Hòa đã triển khai dự án “Xây dựng lò đốt rác thải làng nghề” với công suất 5 tấn/ngày tại Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, dự án vẫn đang trong giai đoạn thí điểm nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý rác thải của làng nghề. Do đó, để cải thiện môi trường ở Quảng Phú Cầu, người dân mong được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xây dựng và chuyển giao công nghệ lò sấy hơi nước cho các hộ làm nghề. Chỉ khi công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất, làng nghề mới phát triển bền vững với môi trường trong lành.