Không địch được các “ông lớn”
Những ngày này, thị trường bánh trung thu nhộn nhịp hẳn lên khi dọc các con phố Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Vạn Phúc, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Thái Hà, Thụy Khuê… và nhiều tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội đồng loạt xuất hiện các cửa hàng “dã chiến” của các thương hiệu bánh trung thu nổi tiếng như Kinh Đô, Bảo Phương, Brodard, Như Lan, Đồng Khánh…
Các cửa hàng bánh này chỉ “mọc” lên vào gần dịp Rằm tháng tám và sẽ “lặn” sau khi hết dịp; vì thế, đây được xem là giai đoạn nước rút để các cửa hàng bánh trung thu đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo quan sát, hầu hết các cửa hàng năm nay đều bày bán các sản phẩm bánh hiện đại. Chị Lê Hương (sinh viên một trường đại học) kiếm thêm bằng công việc bán bánh tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Dù chưa đến dịp Trung thu nhưng những ngày này đã có khá nhiều khách hàng mua bánh trung thu, những người mua chủ yếu lựa chọn các loại bánh có mẫu mã đẹp, hương vị mới, lạ để làm quà biếu hoặc về dùng cho gia đình”.
Đối lập với các cửa hàng bánh trung thu hiện đại và đa dạng về chủng loại ở Hà Nội, cũng có làng nghề làm bánh trung thu nổi tiếng như làng Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm). Vào dịp này, khi đến Xuân Đỉnh thấy không khí chuẩn bị các loại bánh trung thu của các cơ sở sản xuất bánh đang rất nhộn nhịp. Nhiều cơ sở đã tập kết khá nhiều nguyên liệu làm, bố trí nhân công để tăng cường cho “vụ” bánh năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lan (chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu tại làng nghề Xuân Đỉnh) nói: “Gia đình tôi đã có 4 đời làm nghề bánh trung thu, nhưng những năm gần đây chúng tôi không thể cạnh tranh nổi với thị trường bánh trung thu mới do kém về khâu marketing, giới thiệu bán hàng hàng. Sản phẩm bánh trung thu ở Xuân Đỉnh năm nào cũng có người mua nhưng qua mỗi năm số người mua lại ít dần do thị trường bánh trung thu mới đã ra đời và lấy đi một phần thị trường không hề nhỏ của bánh trung thu truyền thống”.
Ở Làng nghề Xuân Đỉnh, hiện có mấy chục cơ sở sản xuất bánh trung thu hoạt động theo hình thức “cha truyền con nối” nên chất lượng ngày càng được người tiêu dùng thừa nhận, đánh giá cao, nhất là những người thích “hoài cổ” muốn giữ lại nét Hà Nội xưa qua từng chiếc bánh.
Còn trên thực tế, đa phần vẫn tin dùng những sản phẩm bánh “dây chuyền” vì hình dáng, kiểu cách, mẫu mã đa dạng lại đảm bảo yếu tộ vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, rất dễ hiểu dịp này thương hiệu của các “ông lớn” trong lĩnh vực thực phẩm như Kinh Đô, Bibica, Bánh mức kẹo Hà Nội xuất hiện khắp nơi…
Làm bánh để giữ “hồn phách cha ông”
Cơ sở vật chất hợp quy cách, kỹ thuật, máy móc hiện đại và chuyên môn hóa cao… là những lợi thế giúp các nhãn hiệu bánh trung thu nổi tiếng như Kinh Đô, Bibica, Brodard dễ dàng lấn lướt các cơ sở bánh làng nghề.
Trong khi các cơ sở truyền thống, như ở Xuân Đỉnh lại thiếu thốn nhiều thứ nhất là tiếp thị. Tuy xuất hiện đã khá lâu nhưng các dòng bánh trung thu truyền thống ở Hà Nội không thể “địch” nổi các dòng bánh trung thu hiện đại của các thương hiệu mới nổi.
Một trong số những dòng họ làm bánh lâu đời ở Xuân Đỉnh - dòng họ Đỗ chia sẻ: “Bây giờ làm bánh để giữ nghề, giữ cái hồn phách của cha ông, tổ tiên để lại là chính chứ chẳng mong đối đấu được với các thương hiệu bánh trung thu mới xuất hiện sau này. Vì mình chẳng có đủ nguồn lực, mấy cái bánh của mình bàn rẻ bèo thì lấy đâu ra tiền để mà cạnh tranh với họ”.
Hụt hẫng, thất vọng, buồn rầu... trước sự thay đổi của thị trường bánh trung thu là tâm lý chung của những người “tâm huyết” với nghề làm bánh tại làng bánh Xuân Đỉnh nổi tiếng một thời. Tuy biết không thể cạnh tranh được với thị trường bánh của các thương hiệu thực phẩm nổi tiếng nhưng bánh trung thu truyền thống vẫn là món quá đặc biệt và nó vẫn tồn tại, hiện diện trên một góc nhỏ của phố phường Hà Nội như là một quy luật cung - cầu của thị trường, dù cầu đang rất nhỏ.