Đây là năm đầu tiên môn học này xuất hiện trong kỳ thi THPT quốc gia …
Thầy trò xoay xở
Trước khi đưa ra đột phá trong đổi mới cách thi, ngành giáo dục đã chỉ ra rất nhiều lý do chính đáng khi bỏ thi tự luận chuyển sang thi trắc nghiệm. Đó là mỗi thí sinh có một đề thi riêng, chống được tình trạng quay cóp, gian lận trong thi cử, nhất là chống được “bệnh” học lệch, học tủ. Đặc biệt, chất lượng thi tự luận phụ thuộc vào trình độ, sự công tâm và khách quan của người chấm.
Không thể phủ nhận những ưu điểm nổi trội của phương thức thi trắc nghiệm, song đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng như các chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng, đề thi trắc nghiệm không thể hiểu một cách khô cứng theo kiểu “yes” (có) hay “no” (không) như lâu nay mọi người vẫn nghĩ. Bởi kết quả thi trắc nghiệm dựa trên một nền tảng dạy và học để đo lường và đánh giá chất lượng giáo dục. Các câu hỏi đã được thử nghiệm trên chính học sinh dựa trên độ khó, dễ.
Lãnh đạo một số trường THPT bày tỏ lo ngại, nếu chỉ dạy học sinh “mẹo” thế nào để giành được điểm cao mà không trang bị cho học sinh phương pháp để giải quyết vấn đề thì nhà trường không khác gì cách dạy lấy tiền của các lò luyện thi.
Theo ông Lê Vinh - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, mặc dù mục tiêu giáo dục đúng ra là học để biết, để làm việc, nhưng trong thực tế giáo dục Việt Nam và áp lực công việc sau này thì học sinh học để thi. Điều này buộc nhà trường phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy làm sao các em vừa học để biết vừa học để thi.
Tại trường THPT chuyên Thái Nguyên, công tác chuẩn bị cho phương thức thi mới đã được trường tiến hành ngay từ đầu tháng 9, khi Bộ công bố dự thảo.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tuấn, việc đầu tiên của trường là thực hiện công tác phổ biến để thầy cô giáo nắm rõ chủ trương, sau đó là tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh. Kỳ thi có thay đổi khá nhiều với cấu trúc bài thi mới, hình thức thi mới, đặc biệt là môn Toán thi trắc nghiệm, phụ huynh và học sinh rất lo lắng.
Bên cạnh việc ổn định tinh thần cho học sinh, các giáo viên trong trường cũng bắt đầu có điều chỉnh trong cách dạy và học. Cụ thể, ở môn toán, thầy cô phải làm thêm các câu hỏi trắc nghiệm bên cạnh các bài giải toán như truyền thống. “Thầy cô giáo cũng phải ra câu hỏi đề dẫn với bốn đáp án, thực hành nhiều hơn trong các buổi học để học sinh làm quen với kỹ thuật thi trắc nghiệm. Với các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân cũng tương tự, phải đổi sang trắc nghiệm thay vì hình thức tự luận quen thuộc,” ông Tuấn chia sẻ.
Có đáng sợ?
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng việc đưa môn học này vào thi là hợp lý, để đánh giá toàn diện học sinh, vì thực ra nếu không thi thì các em cũng không chú trọng. Tuy nhiên, trong các trường hiện nay, việc quan tâm đến môn này, cả việc dạy và việc học chưa đúng mức. Trường sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu chống điểm liệt. Ngay sau khi Bộ công bố đề thi mẫu, trường sẽ có những bước đi hợp lý, có thể là tăng tiết, ông Tuấn nói.
Cùng nỗi lo này, ông Lê Vinh bày tỏ, trong những thay đổi của Bộ thì trường quan tâm nhiều hơn đến việc đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi. Bởi việc thi trắc nghiệm thực ra học sinh cũng đã làm quen với các môn lý, hóa, sinh, nhưng giáo dục công dân là môn thi chính thức của kỳ thi thì khá mới vì đây vốn không phải là môn học được các em chú trọng. Do đó, ngay sau khi Bộ công bố dự thảo phương án thi, trường đã tổ chức họp đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Lãnh đạo trường chỉ đạo giáo viên viết lại khung chương trình, trên cơ sở đó tích hợp các nội dung theo chủ đề. Giáo viên phải vừa dạy như truyền thống, vừa đưa ra hướng xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm để học sinh trả lời.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đưa môn GDCD vào là môn thi chính rất cần thiết. Nhất là trong bối cảnh việc giáo dục ý thức đạo đức cho học sinh càng ngày càng phải tăng cường hơn như hiện nay: “Tôi cho rằng, học sinh không cần quá lo lắng về môn thi này. Những kiến thức cần học và ôn tập sẽ sớm được Bộ GD -ĐT khoanh vùng, định hướng. Sau khi có đề minh họa, sẽ có nhiều tài liệu từ các giáo viên, nhà trường, các Sở để các em tham khảo và học tập. Đây cũng là một môn thi khá nhẹ nhàng và các kiến thức gần gũi với cuộc sống nên học sinh sẽ không phải mất nhiều thời gian để ôn tập”.
Thầy Vũ Đình Thuận Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, việc có nhà trường, giáo viên còn lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia 2017 là do tâm lý ứng thí.Tâm lý ứng thí, tức nghe ngóng thi thế nào để dạy như vậy. Còn nếu dạy theo chương trình từ đầu và hoàn toàn chủ động chương trình của mình thì điều đó không còn là vấn đề nữa.
Bởi Giáo dục công dân, theo thầy Vũ Đình Thuận, lâu nay các trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan đến chuyện trắc nghiệm Giáo dục công dân rồi, như thi tìm hiểu an toàn giao thông, thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, những điều đó các trường đã làm từ lâu.
“Có thể có người nghĩ rằng, thi Giáo dục công dân là những kiến thức hàn lâm như triết học chẳng hạn nên họ sợ thôi. Tôi cho rằng, việc sống còn là dạy trên lớp, dạy chính khóa là chính. Dạy tốt ở trên lớp đã rồi mới là phụ đạo, dạy thêm, còn cứ đổ theo thi như thế nào rồi ôn tập thế, nếu sang năm có thay đổi lại phải làm lại từ đầu.
Chỉ cần gạt bỏ được tâm lý ứng thí, chúng ta sẽ làm được hết. Nếu cứ hay lo sợ thi như thế nào để dạy theo thế ấy thì chỉ được năm nay, sang năm lại phải làm lại. Sống còn nhất giáo viên phải xác định được cách dạy của mình là dạy học sinh cách làm chứ không được dạy học sinh bài này làm thế này, bài kia làm thế kia… Như thế bài khác không được chỉ dạy học sinh sẽ lúng túng.
Kiểu lò luyện thi của ta là mắc cái đó, chỉ dạy mẹo mực để giải từng bài cụ thể. Tôi nghĩ đề thi sẽ đáp ứng được học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp, tức học lực trung bình, học tập chăm chỉ sẽ đạt yêu cầu tốt nghiệp; phân hóa để phân biệt được học sinh khá cứng, học sinh giỏi; em khá cứng chỉ được 8 nhưng em giỏi phải được 9, 10. Tôi hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ làm được điều đó".