Nơi rũ bỏ "bụi trần"
Quần đảo Nam Du thuộc địa phận huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Nam Du, cái tên gọi vừa cổ kính vừa phiêu lãng chứa trong nó bao nhiêu thắc mắc về nguồn gốc. Có truyền thuyết cho rằng tên gọi này đã có từ thời vua Gia Long, cũng có người bảo, tên "Nam Du" xuất phát từ tên "Nam Dự" (nghĩa là "đảo phía Nam") do người Pháp ghi theo cách gọi của các cụ đồ nho thời xưa.
Gọi là quần đảo vì nó được hội tụ bởi 21 hòn đảo lớn nhỏ. Người dân Nam Du có một bài vè để giới thiệu về những hòn đảo ở quê hương mình: “Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai, Đô Nai quay sang Bờ Đập, Bờ Đập tấp lại Hòn Lò, Hòn Lò mò đến Hòn Ngang, Hòn Ngang tạt sang Hòn Đụng, Hòn Đụng cụng vào Hòn Dầu, Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo, Bỏ Áo tháo ngược Hòn Ông, Hòn Ông dông đến Hòn Dâm, Hòn Dâm đâm thẳng Hòn Tre, Hòn Tre te đến Hòn Mốc, Hòn Mốc xốc lại Hòn Nhàn, Hòn Nhàn tràn thẳng Hòn Hàn...”. Nơi chúng tôi đặt chân khám phá là hòn Lớn – vùng có nhiều người dân sinh sống.
Hành trình từ TP.HCM đến Kiên Giang rồi phải vật vờ ở cảng Rạch Giá để mua vé tàu cao tốc đi ra đảo mất khoảng 3h đồng hồ. Cả đoàn ai cũng rã rời vì cảm giác chống chếnh trên biển, vì phải đi gần cả ngày trời mới tới được điểm dừng chân. Bù lại, chúng tôi đã được thiên nhiên “chiêu đãi” những cảnh sắc tựa thiên đường.
Ở Nam Du, hai khoảnh khắc đẹp nhất mà mỗi người đặt chân đến đều không thể bỏ qua, đó là chạy xe máy trong ánh hoàng hôn, phóng tầm mắt nhìn hòn đảo đang được bao quanh bởi thứ ánh sáng tím nhạt tuyệt đẹp, cực kì lãng mạn. Và buổi tinh sương trong trẻo đến mức muốn tan ra trước những bãi cát trắng phơi mình trong nắng sớm tuyệt đẹp.
Nỗi lo "vết xe đổ"
Biển xanh trong vắt, không khí trong lành và xung quanh bao bọc bởi những hòn đảo mini dễ thương khiến người ta mê tít. Nhìn cảnh đẹp mê hồn mà trong lòng chúng tôi boăn khoăn, liệu mai mốt, khi du khách đổ xô về nhiều hơn thì những cảnh sắc nơi đây có còn là thiên đường nữa không?. Câu hỏi chưa kịp trả lời thì đã thấy nhiều trăn trở với vấn đề môi trường đặt ra tại những vùng đất sắp trở thành địa điểm du lịch.
Rác tràn ngập hòn Mấu |
Khi đặt chân từ con tàu cao tốc xuống cảng hòn Lớn, bạn sẽ thấy có rất nhiều rác sinh hoạt trôi lềnh bềnh sát bờ. Vùng nước xanh trong tựa hồ ngọc bích tới gần chân bờ thì hóa đen, nó chỉ được rửa sạch sáng hôm sau, khi thủy triều mang rác ra khơi, để rồi chiều tối rác trở về “thăm nhà”. Một vòng tuần hoàn mà chính cả người bản địa vẫn còn thờ ơ lắm tới câu chuyện bảo vệ môi trường. Không chỉ có hòn Lớn mà những hòn đảo nhỏ khác, nơi có con người sinh sống thì đều có rác.
Ngày hôm sau, chúng tôi được ghé thăm hòn Mấu, một hòn đảo ít cư dân sinh sống hơn, bãi biển cũng hoang sơ và xinh đẹp như bãi Mến, đặc biệt cát ở đây trắng phau và mịn màng. Thế nhưng, đẹp là thế mà không mấy người dám xuống tắm biển, bởi bao phủ xung quanh là rác.
Đặc điểm dân cư trên đảo sống ven biển, thuận lợi để tàu thuyền cập bến và …thuận lợi để bỏ rác nữa. Suốt chiều dài cả cây số hòn Mấu, dọc bờ biển thoai thoải xinh đẹp là rác sinh hoạt của cư dân thải ra. Mặc dù nơi đây chưa có du khách tới nhiều nhưng trong tương lai, nếu du lịch của cả quần đảo Nam Du phát triển thì vấn đề môi trường sẽ càng báo động.
Nhưng đó là những lo lắng cho tương lai. Tạm gạt qua câu chuyện môi trường thì chuyến khám phá Nam Du sẽ vẫn luôn có nhiều kỷ niệm đẹp bởi cảnh sắc hoang sơ, bởi cuộc sống bình yên và sự cởi mở hòa đồng của cư dân bản địa. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm người ta trở nên bao dung hơn, yêu thương cuộc sống hơn khi quay trở về guồng quay hối hả chốn thành thị.