Trung Quốc ra luật dẹp nạn du lịch chụp giật

Người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài ngày càng nhiều
Người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài ngày càng nhiều
(PLO) - Ngày 1/10/2013 luật Du lịch đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Ngành du lịch của Trung Quốc bắt đầu thích nghi với luật mới, chấn chỉnh các hoạt động, loại bỏ các cách làm ăn chụp giật, "lươn lẹo", hướng đến tương lai phát triển “bài bản”.
Điều tiếng không hay thời chưa có luật mới
Trong những năm gần đây, số người Trung Quốc du lịch  trong nước cũng như ngoài nước phát triển nhanh đến chóng  mặt. Theo con số chính thức do Chính phủ Trung Quốc công bố, năm 2012, du lịch Trung Quốc tăng 18% so với năm 2011 và trị giá tới 2,3 ngàn tỷ nhân dân tệ (376 tỷ USD) với 3 tỷ lượt người du lịch trong nước và hơn 83 triệu người du lịch ra nước ngoài.
Tổ chức du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc dự đoán đến năm 2015, sẽ có tới 100 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài.
Phát triển quá nhanh trong khi chưa có luật lệ để quản lý chặt chẽ, một số công ty du lịch và khách du lịch Trung Quốc đã để lại những điều tiếng không hay.
Khách Trung Quốc đi tour Hong Kong phàn nàn về chuyện bị bắt buộc mua sắm trong các cửa hàng. Ở đó khách du lịch có thể bị nhốt, bị bắt nạt nếu không mua đủ số hàng mà cửa hàng mong muốn.
Khách du lịch Trung Quốc bị mang tiếng hành xử không đúng mực, như viết bậy, bôi bẩn các di tích lịch sử, văn hóa.
Vài tháng trước, một bức ảnh được đưa lên các báo như là một bằng chứng. Bức ảnh chụp dòng chữ Trung Quốc “Ding Jinhao đã ở đây” viết lên tượng đắp nổi ở đền Luxor 3.500 năm tuổi của Ai Cập.
Ding Jinhao là một cậu bé 15 tuổi ở Nam Kinh. Cha mẹ của cậu bé phải lên tiếng xin lỗi.
Một số cử chỉ, hành động khác của khách du lịch Trung Quốc cũng bị phê phán như khạc nhổ, xả rác, cho trẻ em tiểu tiện nơi công cộng, không tuân thủ luật giao thông, nói cười to tiếng và ăn thịt động vật  quý hiếm...
Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Uông Dương (Wang Yang) vào tháng 5/2013 đã lên tiếng kêu gọi khách du lịch Trung Quốc cải thiện cách cư xử và nhấn mạnh sự quan trọng của giới thiệu “hình ảnh tốt của khách du lịch Trung Quốc”.
Luật du lịch ra đời nhằm mục đích “bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích của du khách và các nhà điều hành tour, chỉnh đốn quy củ thị trường du lịch, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch, và đẩy mạnh sự phát triển du lịch lành mạnh và bền vững” (theo Điều 1 của Luật du lịch Trung Quốc).
Luật gồm 10 chương với 112 điều khoản. Mười chương của luật, trừ chương I về các điều khoản tổng quát và chương X về các điều khoản bổ sung, tám chương còn lại đề ra các quy định về:
Khách du lịch, kế hoạch và quảng bá du lịch, hoạt động du lịch, hợp đồng phục vụ du lịch, an ninh du lịch, quản lý và giám sát du lịch, dàn xếp tranh cãi du lịch, trách nhiệm pháp lý.
Nặng tay quy định phạt tiền tỉ
Một số nội dung của luật được nhiều người quan tâm như:
Về quyền và nghĩa vụ của du khách, luật quy định du khách có quyền được biết thông tin thật về sản phẩm du lịch mà họ mua, đòi công ty du lịch cung cấp sản phẩm và dịch vụ đúng theo hợp đồng. Phẩm giá con người, phong tục và đức tin tôn giáo của du khách được tôn trọng.
Du khách được bồi thường theo quy định của luật pháp trong trường hợp sự an toàn và tài sản cá nhân bị vi phạm. Du khách có nghĩa vụ tuân thủ trật tự công cộng, tôn trọng đạo đức xã hội, phong tục, truyền thống văn hóa, đức tin tôn giáo địa phương, quan tâm đến tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái và  tuân thủ các chuẩn mực về cách cư xử văn minh.
Tấm hình du khách Trung Quốc vẽ bậy lên di tích 3.500 tuổi.
 Tấm hình du khách Trung Quốc vẽ bậy lên di tích 3.500 tuổi.
Các công ty du lịch phải hội đủ điều kiện luật định mới được cấp phép hoạt động. Cấm các công ty du lịch cạnh tranh bất hợp pháp chào giá thấp bất hợp lý, dụ dỗ khách hàng, rồi bù lại bằng cách đưa khách tới mua sắm tại các cửa hàng đã có hợp đồng ăn chia trước.
Các công ty du lịch không được chỉ định những nơi mua sắm cụ thể hay cung cấp các dịch vụ du lịch đòi trả thêm, trừ trường hợp hai bên đồng ý hoặc đã thỏa thuận trước.
Hướng dẫn viên du lịch phải  theo lộ trình đã định một cách nghiêm chỉnh, không được thay đổi hay ngừng dịch vụ mà không được phép, không được đòi du khách tiền “tip” hay dụ dỗ, gạ gẫm, thúc ép, bắt buộc du khách mua hàng hay tham gia các hoạt đông du lịch đòi trả thêm tiền..
Chính quyền trên cấp hạt chịu trách nhiệm an toàn du lịch. Các cơ quan liên quan thuộc chính quyền trên cấp hạt thể hiện trách nhiệm an toàn du lịch theo luật và các quy định.
Trong trường hợp khẩn cấp, chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và các tổ chức sẽ thực hiện các biện pháp cứu nguy và giúp du khách trở về nơi xuất phát hay bất cứ nơi nào hợp lý được lựa chọn cho du khách. Khi bị kẹt trong một tình huống khốn khó khi ra nước ngoài, khách du lịch Trung Quốc có quyền yêu cầu cơ quan chính quyền Trung Quốc tại địa phương giúp đỡ và bảo vệ trong phạm vi trách nhiệm.
Vi phạm luật sẽ bị phạt nặng.Ví dụ công ty và hướng dẫn viên du lịch vi phạm luật có thể bị phạt tới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 49.000 USD, hơn 1 tỉ VNĐ). Trường hợp nghiêm trọng có thể bị tịch thu giấy phép hoạt động.
Luật du lịch có hiệu lực từ 1/10 nhưng các công ty du lịch đã rục rịch tăng giá tour ra nước ngoài từ tháng 9. Giá tour đưa khách Trung Quốc tới Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á tăng 80% trong Tuần lễ vàng từ 1- 7/10 so với năm trước.
Phải tăng giá vì các công ty du  lịch không còn kiếm tiền bù lỗ cho tour giá rẻ bất hợp lý bằng cách nhận tiền “lại quả” của các cửa hàng mà công ty du lịch sắp xếp cho khách mua sắm. Nhận định về giá tour tăng, các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu các công ty du lịch trở  lại cạnh tranh lành mạnh  Dự đoán số khách Trung Quốc mua tour du lịch sẽ giảm đi, đồng thời khách du lịch độc lập sẽ tăng.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.