Cánh hồng phiêu bạt
Sương sinh ra và lớn lên tại một miệt quê nghèo kiệt thuộc tỉnh Long An, vì không chịu nổi cảnh sống tù túng, kham khổ nên mẹ Sương bỏ đi từ khi cô bé mới đầy tuổi. Cha Sương chờ đợi được vài năm thì cưới vợ mới để có người lo toan chăm sóc gia đình.
Dì hai sinh ra một đàn con lóc nhóc cả thảy 5 đứa, biến Sương thành một “bảo mẫu” tí hon bận tối tăm mặt mũi với việc chăm nuôi lũ em cùng cha khác mẹ.
Khi 14 tuổi, Sương bắt đầu ra dáng một thiếu nữ xuân thì. Dì hai dần nhận thấy vai trò của Sương bắt đầu “thừa” trong ngôi nhà chật hẹp nên đánh tiếng kén chồng cho con gái lớn. Sương nghe phong thanh người ta bàn nhau định kiếm cho Sương một tấm chồng ngoại bên Campuchia, hay mai mối lấy chồng Hàn Quốc gì đó nên cô đã chống lệnh cha và mẹ kế bằng cách trốn nhà lên Sài Gòn kiếm việc làm.
Ý định ban đầu của Sương là xin làm công nhân, chấp nhận công việc vất vả, đồng lương thấp nhưng trong sạch. Có điều, thấy Sương còn nhỏ tuổi, lại không có đầy đủ giấy tờ nên không nơi nào dám nhận.
Sau một hồi rạc cẳng xin việc, cuối cùng Sương được một quán cà phê nhận làm tiếp viên. Bà chủ quán thoả thuận rõ, tất cả tiếp viên vào làm ở đây đều thí công, nghĩa là chủ quán bao ăn ở nhưng không trả lương, bù lại quán cho cơ chế tiếp viên được quyền nhận tiền bo của khách. Bà chủ còn động viên Sương, bảo người đẹp mà hiền như cô thì khách bo bạc triệu không tiếc tay, làm ở đây chẳng mấy chốc mà tậu nhà lầu ở quê cho cha mẹ.
Tuy nhiên, đi làm rồi mới biết mang tiếng là được bà chủ bao tiền ăn ở, tiền bo của khách được bỏ túi nhưng thực tế, tiền bo cũng phải trích lại “hoa hồng” cho quán, rồi tiền quần áo, tiền son phấn đầu tư ban đầu bà chủ ứng trước cho vay đều tính lãi “cắt cổ”, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con. Thấy bị bóc lột ghê gớm, Sương xin nghỉ việc nhưng bà chủ bảo cứ thanh toán sạch nợ nần rồi thì đi đâu thoải mái. Nhưng Sương cứ mãi ngụp lặn trong nợ nần không có đường ra.
Rồi Sương chấp nhận bán thân như một tất yếu. Tuổi trẻ, ít kinh nghiệm nên sau đó cô chẳng may dính bầu mà không biết, đến khi phát hiện ra thì cái thai đã hơn 6 tháng. Không thể phá bỏ, Sương chấp nhận sinh con.
Bắt cóc con cho thỏa nỗi nhớ
Nhờ được giúp đỡ, Sương sinh một bé gái kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông. Sau đó, vì không có khả năng nuôi con nên theo sự tư vấn, cô chấp nhận cho đứa trẻ làm con nuôi của một cặp vợ chồng hiếm muộn.
Ảnh minh họa từ Interrnet |
Người ta đưa mẹ con Sương đi trong đêm, khi thoả thuận xong, gia đình “bên ấy” buộc Sương phải cam kết không được quay lại dù chỉ để thăm con. “Bà ấy bảo em phải cứng rắn lên vì tương lai của con và của chính em nữa. Em không nên xuất hiện để quấy quả cuộc sống của con em, của những người ân nhân đã nuôi con thay em. Con em sẽ đau khổ khi biết về lai lịch thật của mình, chắc chắn cháu không muốn có một người mẹ như vậy”- Sương tâm sự.
Sau khi nhận 10 triệu đồng gọi là tiền bồi dưỡng, Sương chỉ biết gật đầu hứa vô điều kiện. Rời khỏi ngôi nhà đó, Sương cảm thấy mình như đã bỏ quên con tim. Dù chỉ đến nhà cha mẹ nuôi của con duy nhất một lần, lại đi trong đêm vậy mà nỗi nhớ con khiến con tim Sương vẫn nhớ đường tìm về đó trong nỗi nhớ con đến phát rồ dại.
Một lần biết chắc vợ chồng cha mẹ nuôi của con mình đi vắng, lợi dụng người giúp việc sơ hở, Sương liều lĩnh vào nhà bế trộm đứa trẻ mang đi. Dù biết gia đình bên ấy phát hiện mất con đã trình báo công an và cơ quan công an đang ráo riết truy tìm mình nhưng cô vẫn cố tình lẩn trốn. Sương định rằng dù có chết cũng phải giữ lại con để nuôi nấng, quyết không bỏ con lần nữa...
Nhưng rồi, phần vì không thể nuôi nổi đứa trẻ, phần vì biết sớm muộn công an cũng tìm ra kẻ bắt cóc trẻ em nên Sương đã bế con đem trả và xin lỗi gia đình ân nhân của mình. Thương cảm với hoàn cảnh của Sương, gia đình họ cũng tha thứ. Tuy nhiên, dù chuyện của hai bên đã được giải quyết ổn thoả bằng tình cảm thì Sương vẫn nơm nớp lo lắng. “Hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn nhưng tôi không biết hành động của mình có phạm tội không? Tôi có thể bị bắt tù hay không? Thời điểm bắt cóc đứa trẻ tôi mới qua 16 tuổi được ít hôm.”-lá thư của Út Sương kết thúc trong nỗi thấp thỏm băn khoăn./.