Và ý nghĩa hơn cả, những việc làm ý nghĩa đó góp phần xóa bỏ những hủ tục trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số để mọi người sống với nhau bằng sự san sẻ yêu thương, làm tỏa sáng thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Đẩy đuổi “con ma rừng”
Chiếc xe U oát ì ạch, xóc nảy leo ngược con đường nhựa đầy “ổ voi” đưa chúng tôi đến với Cu Vơ - bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Không còn những ánh mắt dò xét, đồng bào Vân Kiều giờ đây thấy bộ đội tay bắt, mặt mừng. Lũ trẻ háo hức đón nhận sách vở, quần áo mới…
Ngồi trên bậc tam cấp, mệ Hồ Mụ Theo (70 tuổi) chào chúng tôi bằng mấy câu tiếng Vân Kiều. Đại úy Trần Mạnh Danh - Đội trưởng Đội sản xuất 2 (Trung đoàn 52, Đoàn KT- QP 337) phải dịch lại thì chúng tôi mới hiểu bà nói: “Bộ đội “Năm hai” về đấy à. Mấy đứa không được giành quà kẻo bộ đội đánh đòn nghen…”.
Trong ngôi nhà ấm áp nghĩa tình, thật khó để diễn tả niềm vui của Hồ A Ran, Hồ A Nhàn, Hồ Thị Han khi các em được mặc áo mới, được các anh bộ đội, các chị trí thức trẻ tình nguyện dạy viết chữ, đọc vần. Trưởng thôn Cu Vơ Hồ Văn Tèng kể: “Con trai mệ Theo là Hồ Ơ bị phát bệnh lạ, buồn chán bỏ đi biệt tích, vợ bỏ về bên ngoại, để lại ba đứa trẻ bơ vơ sống lay lắt cùng bà nội. Bà con dân bản ai cũng thương nhưng không giúp được nhiều vì hộ nào cũng khó khăn”.
Đại úy Trần Mạnh Danh tiếp lời: “Sau lần đi bám bản, nắm địa bàn, được bà con kể lại, chúng tôi thấu hiểu với hoàn cảnh côi cút, neo đơn của ba bà cháu nên báo cáo với chỉ huy Đoàn. Để ổn định cuộc sống cho ba bà cháu, Đoàn quyết định sửa lại ngôi nhà và nhận đỡ đầu ba cháu với số tiền 1,3 triệu đồng/tháng”.
Giấu vội giọt nước mắt sau vạt tay áo, lơ lớ tiếng Kinh, mệ Theo xúc động: “Mệ tuổi già, sức yếu, không nuôi được các cháu, may có bộ đội nói với dân làng nên các cháu không bị xa lánh, hắt hủi như trước đây, nay còn cho ăn, cho học, nên mệ đỡ vất vả hơn. Tết vừa rồi, bộ đội cho gạo, cho thịt, được mặc quần áo mới, đắp chăn ấm, mấy đứa trẻ vui lắm. Mệ cảm ơn bộ đội “Ba ba bảy” nhiều lắm”.
Bí thư Đảng ủy xã Hướng Linh Hồ Văn Thắng ngậm ngùi chia sẻ: “Đẩy đuổi “con ma rừng” khỏi nhận thức của đồng bào là cái công lớn nhất mà Đoàn KT- QP 337 làm được cho người dân vùng rẻo cao này. Những đứa trẻ mất đi cha mẹ vì bạo bệnh đã là bất hạnh nhưng bất hạnh hơn khi các cháu bị dân làng ruồng bỏ, hắt hủi bởi suy nghĩ chúng là những “con ma rừng”, là nguồn cơn gieo rắc cái chết cho dân làng.
Nhưng chuyện những người lính “Ba ba bảy” đỡ đầu 3 chị em không nơi nương tựa nên người ở thôn Cợp (xã Hướng Lập) khi ông nội, bố, mẹ, chú, bác ruột đều lần lượt mắc bạo bệnh và qua đời chỉ trong một thời gian ngắn đã làm lay động, thức tỉnh bà con. Giờ đây, người dân không những thấu hiểu và cảm thông mà họ còn chung tay, góp sức cùng cán bộ, chiến sĩ đỡ đầu 8 cháu mồ côi trên địa bàn xã chúng tôi”.
Nhân lên những việc làm nghĩa tình
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Đỗ Xuân Hiệp - Chính ủy Đoàn KT- QP 337 cho biết: “Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đoàn khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo động lực xây dựng các mô hình thiết thực, nhân lên những việc làm nghĩa tình để những đứa trẻ bất hạnh được sống trong yêu thương, sự đùm bọc của cộng đồng”.
Theo Đại tá Hiệp, trong 3 năm thực hiện Cuộc vận động, Đoàn đã có nhiều mô hình ý nghĩa, tiêu biểu như: “Hũ gạo tình thương” của toàn Đoàn; “Đỡ đầu các cháu mồ côi” của các cơ quan, đơn vị; “Tiết kiệm bản thân để phần người khó” của Phòng Chính trị; “Đội xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” của Trung đoàn 52...
Trở lại thôn Cợp, xã Hướng Lập, câu chuyện nghĩa tình “Năm cha, ba con” ở Đội 3, Trung đoàn 52 vẫn được người dân nơi đây kể lại với lòng tin yêu, mến phục. Chị cả Hồ Thị Huê nay đã ra dáng thiếu nữ, đang theo học lớp 11 Trường THPT Hướng Phùng; Hồ Hưng, Hồ Dưng ngoài giờ lên lớp đã biết làm việc nhà, cùng các chú ở Đội 3 trồng rau, chăn nuôi.
Huê nói: “Đã quen sống trong sự đùm bọc của các chú, thời gian đầu lên cấp ba, cháu không khỏi bỡ ngỡ do phải xa nhà, xa các em. Có các chú chăm sóc hai em nên cháu yên tâm đến lớp. Ước mơ của cháu là trở thành cô giáo, được đi khắp các bản làng dạy học cho các em nhỏ. Các bác ở Đoàn rất ủng hộ, tạo điều kiện và cháu sẽ cố gắng học thật tốt để biến ước mơ thành hiện thực”.
Với 123 triệu đồng bằng chính đồng lương hàng tháng tự nguyện quyên góp, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 337 đã giúp 11 mảnh đời côi cút vơi đi phần nào nỗi bất hạnh. Ngoài ra, việc quyên góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, xây 3 nhà đồng đội, 2 nhà tình nghĩa; hỗ trợ 47 cháu học sinh nghèo hiếu học, tặng quà các đối tượng chính sách trị giá hơn 400 triệu đồng… đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc trong lòng dân bản.
Bên cạnh đó, họ còn là những chiếc cầu nối, nối dài hành trình yêu thương đến các tổ chức cơ quan, đoàn thể, những “mạnh thường quân” có tấm lòng thiện nguyện muốn đến với đồng bào… Trong tiềm thức của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 337 hiểu rằng, mảnh đất vốn chịu nhiều đau thương vì chiến tranh này vẫn cần nhiều hơn nữa những việc làm như thế. Và tấm lòng tri ân đất và người nơi đây của họ vẫn chưa dừng lại…