Thực ra, câu chuyện này chẳng có gì mà ầm ỹ, chỉ là cách thưởng lãm nghệ thuật (ở đây là điêu khắc) mỗi người có cảm nhận khác nhau. Người chê xấu, kẻ bảo đẹp, nói là thô tục, phản cảm hoặc là truyền cảm hứng, thăng hoa, ca ngợi cái đẹp cơ thể,... đều xuất phát từ cảm nhận của mỗi con người. Tuy nhiên, đã là tác phẩm nghệ thuật, nhất là các tác phẩm trưng bày đại chúng thì phải mang đến cho đông đảo người xem những xúc động thẩm mỹ, cho dù phần đông người xem đó không có kiến thức chuyên môn về cái thứ mà họ đang thưởng thức.
Cái để đáng quan tâm lại là vấn đề của những người làm công tác quản lý văn hóa. Họ đã tỏ ra bị động và lúng túng trước những phản ứng trái chiều của dư luận. Thế là tượng đá được mặc váy tắm và quần bơi, nếu là phản cảm thứ thực sự động thái ứng phó này mới gây phản cảm. dư luận lại phản bác và họ thay váy bằng chùm nho. Có lẽ, cách làm tốt nhất là lắng nghe một cách thận trọng, tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến của các nhà chuyên môn chứ chẳng nên chạy theo dư luận ở trong cái tình trạng “chín người, mười ý”. Rồi ra, sẽ có một quyết định sáng suốt, hợp lòng người, còn “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” và đến “đá kia còn biết xuân già dặn” chẳng có chuyện phản lại thuần phong, mỹ tục đâu. So ra, với việc cho nhập và phát hành các tác phẩm văn hóa phản cảm, kích động bạo lực hoặc tình dục thì chuyện này có thấm vào đâu.
Ở một lĩnh vực khác nhưng thuộc trách nhiệm của người “gác cổng văn hóa”, gần đây liên tiếp các vụ xâm phạm đến cảnh quan, môi trường của các khu di tích thiên nhiên, lịch sử đã được bảo tồn. Thậm chí, có những công trình xây dựng nguy nga, đồ sộ giữa vùng lõi của di sản Tràng An, Ninh Bình hoặc nhỏ hơn, nhưng là sự xâm hại không nhỏ là việc đào bới, lấy đất các quả đồi trong quần thể di tích Đền Hùng, Phú Thọ. Những hành vi xâm hại này diễn ra công khai, trong một thời gian dài mà không hề có một động thái nào của chính quyền sở tại cũng như các cơ quan chức năng ngăn chặn. Chỉ đến khi báo chí phát hiện, dư luận phản ứng thì mới nghe thấy những tiếng hô “kiên quyết xử lý”, “không để tình trạng này tái diễn”,... vang lên từ những người có trách nhiệm.
Tiếp sau vụ “cấp phép cho Quốc ca” ồn ỹ dư luận, lần này, với các sự việc vừa diễn ra thuộc lĩnh vực quản lý văn hóa, sóng dư luận lại cồn lên, buộc những người có trách nhiệm “gác cổng văn hóa” có trách nhiệm hơn với công việc của mình, thể hiện thứ văn hóa cầu thị, biết sai lầm mà sửa chữa, đóng góp cho sự gìn giữ và phát triển văn hóa nước nhà, “dệt gấm, thêu hoa” tư tưởng chứ không phải khâu vá nhì nhằng!