Từ đây, nhân dân các tỉnh nam miền Trung phải đối mặt với những “con thú mặt người” xứ Kim Chi.
Vài nét về “đồ tể” xứ Kim chi
Sư đoàn "Mãnh hổ" thành lập ngày 20/6/1949 và được coi là một trong những sư đoàn thiện chiến nhất trong chiến tranh Triều Tiên. Khi tới Việt Nam, Sư đoàn này có 18.111 quân (nhiều hơn các sư đoàn khác gần 5.000 quân) với 2 trung đoàn bộ binh số 1 và 26; 1 trung đoàn kỵ binh thiết giáp; 3 tiểu đoàn pháo 105mm; 1 tiểu đoàn pháo 155mm; 1 tiểu đoàn công binh; 7 đại đội yểm trợ gồm:
Đại đội quân y, trinh sát, thông tin, quân cảnh, hậu cần, thiết giáp, dự bị, ngoài ra còn có một phi đội không quân. Sở chỉ huy đóng tại thung lũng Vân Canh, tỉnh Bình Định, do Thiếu tướng Lee Hyung Hyun làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lee Pong Joon làm Phó tư lệnh.
Theo thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng CH Triều Tiên và Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV), Sư đoàn "Mãnh hổ" có nhiệm vụ trấn giữ toàn bộ khu vực phía bắc Vùng II chiến thuật, là vùng mà phía Mỹ coi là địa bàn chiến lược quan trọng.
Vùng đất này chạy dài từ biển Đông đến giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Nếu làm chủ được khu vực này không những tạo được thế chia cắt, cô lập chiến trường miền Nam Việt Nam với miền Bắc Việt Nam mà còn làm chủ được trục đường 19, bắt đầu từ Quy Nhơn (Bình Định) qua An Khê lên Plâycu (Gia Lai), kéo dài đến biên giới Campuchia.
Con đường này không chỉ đóng vai trò như tuyến vận tải huyết mạch nuôi sống toàn bộ tập đoàn phòng ngự của Mỹ - quân đội Sài Gòn ở bắc Tây Nguyên, mà còn là con đường cơ động chiến lược quan trọng bậc nhất ở trung tâm Đông Dương.
Lữ đoàn thủy quân lục chiến "Rồng xanh" thành lập ngày 14/2/1951 và khi sang Nam Việt Nam có hơn 5.000 quân, gồm 4 tiểu đoàn bộ binh (1, 2, 3 và 5), do Thiếu tướng Lee Bong Chool làm Lữ đoàn trưởng và Đại tá Zeung The Sop làm Tham mưu trưởng.
Tại Việt Nam, lữ đoàn này được coi là lực lượng "đặc biệt" trong quân đội Nam Triều Tiên bởi tính thiện chiến, sự tàn ác và hung bạo. Tháng 10/1965, Lữ đoàn "Rồng xanh" có mặt tại Cam Ranh.
Tháng 12/1965, sau khi phát hiện Trung đoàn 95, Quân khu 5 hoạt động tại khu vực Tuy Hòa (Phú Yên), Bộ tư lệnh quân Mỹ tại Vùng II chiến thuật và Bộ tư lệnh lâm thời quân đội Nam Triều Tiên tại Nam Việt Nam quyết định điều Lữ đoàn đến để "khống chế", tiến tới bao vây, tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn 95.
Ngoài mục đích trên, việc Lữ đoàn "Rồng xanh" được điều về Tuy Hòa còn nhằm kiểm soát một vùng đất đai rộng lớn. Tại Tuy Hòa, lực lượng của Lữ đoàn "Rồng xanh" được triển khai trong 12 đồn bốt; mỗi đồn thường là một đại đội, chỉ có vài đồn biên chế 1 hoặc 2 trung đội.
Dưới sức ép của Mỹ, tháng 9/1966, Cộng hòa Triều Tiên đưa thêm Sư đoàn “Bạch mã" sang Việt Nam. Sư đoàn này có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ dân cư dọc các tuyến quốc lộ 1, từ Phan Rang đến Quy Nhơn và cả khu vực miền núi phía nam tỉnh Bình Định.
Sư đoàn này có 3 trung đoàn bộ binh; 4 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 7 đại đội độc lập (thiết giáp, trinh sát, thông tin, quân cảnh, quân y, hậu cần, đại đội dự bị và 1 phi đội không quân). Toàn bộ lực lượng của sư đoàn đóng rải rác trên 50 đồn bốt thuộc 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Tính đến cuối năm 1966, tổng số quân Nam Triều Tiên có mặt tại Việt Nam đã lên tới hơn 45.000 quân, vượt xa quân số của các nước đồng minh khác có mặt trên chiến trường miền Nam Việt Nam.
Hơn nữa, việc Mỹ quyết định tập trung toàn bộ lực lượng chiến đấu của quân Nam Triều Tiên vào chiến trường Khu 5 không chỉ đơn thuần xuất phát từ lý do quân Nam Triều Tiên có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, hay nhằm giành lại thế chủ động, tiến tới làm chủ địa bàn chiến lược Khu 5.
Phía sau quyết định này là cả một ý đồ vừa có tính chiến thuật, vừa có tính chiến lược. Ngay sau khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, đã có nhiều phương án được Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tính toán và đưa ra quyết định này.
Tướng Westmoreland, người có quyền chỉ huy quân đội Nam Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam. |
Tranh cãi về quyền chỉ huy
Khi đưa quân đội sang Việt Nam, Hàn Quốc rất muốn độc lập chỉ huy lực lượng này mà không phụ thuộc vào Mỹ. Bởi chỉ có như vậy họ mới khẳng định, chứng minh được tinh thần thượng võ của dân tộc Đại Hàn đang phát triển lớn mạnh ở châu Á với thế giới. Và cũng qua đó để “trả ơn” sự giúp đỡ, viện trợ của Mỹ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giúp sức xây dựng quân đội.
Nói cách khác, đây chính là cơ hội để Nam Triều Tiên khoe sức mạnh với Mỹ. Còn lý do quan trọng hơn là, nếu có bộ chỉ huy riêng đặt ở Nam Việt Nam, Hàn Quốc sẽ không bị mang tiếng là đội quân “đánh thuê”
Theo điều khoản thứ 4 và 5 của Hiệp định Tháng 8 giữa Mỹ và Cộng hòa Triều Tiên quy định: Mỹ phải thông báo trước cho phía Cộng hòa Triều Tiên về nhiệm vụ, khu vực đảm trách, nguyên tắc đảm bảo hậu cần cho các đơn vị quân Cộng hòa Triều Tiên khi sang Việt Nam; Thành lập tổ công tác Hàn - Mỹ để xem xét vấn đề tổ chức các đơn vị quân Cộng hòa Triều Tiên tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nội dung này chỉ mang tính đại cương, vấn đề là tổ chức nào sẽ đứng ra điều hành quân đội Hàn Quốc ở Nam Việt Nam thực hiện ý đồ tác chiến.
Trong cuốn Allied Participation in Vietnam, tác giả Larsen S.R. và Collins J.L đã kể: Khi các đơn vị đầu tiên tới Nam Việt Nam, Thiếu tướng Chae Myung Shin, Tư lệnh lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tại Việt Nam đã khẳng định với tướng Oétmolen, Tư lệnh lực lượng quân Mỹ tại Việt Nam, rằng:
"Trong thời gian chỉ huy lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tại Việt Nam, ông không chỉ có trách nhiệm giành thắng lợi trong cuộc chiến đầy cam go với cộng sản, mà còn có nghĩa vụ phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cấp trên".
Với cách nói mập mờ nước đôi, Chae Myung Shin khiến Oétmolen ngầm hiểu, Cộng hòa Triều Tiên đồng ý để Mỹ điều hành toàn bộ lực lượng tham chiến tại Việt Nam cả về mặt tác chiến và hành chính.
Ngày 2/7/1965, trong một điện văn gửi Đô đốc U. G Sáp, Tổng tư lệnh lực lượng quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương (CINCPAC), Oétmolen khẳng định cách thức tổ chức, chỉ huy và kiểm soát các đơn vị quân Nam Triều Tiên.
Theo đó thì trước khi thành lập Bộ chỉ huy lực lượng dã chiến I của Mỹ tại Việt Nam (Field Force I Vietnam - FFVI), Cộng hòa Triều Tiên chỉ mới triển khai một trung đoàn, thì MACV có quyền điều hành toàn bộ lực lượng này; còn khi lực lượng Nam Triều Tiên tại Việt Nam lên tới cấp sư đoàn, thì quyền chỉ huy các trung đoàn sẽ được giao cho các sư đoàn Nam Triều Tiên, nhưng các sư đoàn này vẫn phải chịu sự điều hành trực tiếp của FFVI.
Theo Oétmolen, với cách tổ chức và điều hành như vậy, Mỹ sẽ có toàn quyền điều động các sư đoàn Nam Triều Tiên, hoặc bất kỳ một đơn vị trực thuộc nào mà không cần phải cho ý kiến hoặc quyết định của phía Cộng hòa Triều Tiên. Như vậy, sẽ đảm bảo được tính chính xác và kịp thời trong chiến đấu.
Cuối tháng 10/1965, Hội đồng chính sách viện trợ quân sự "thế giới tự do" (cơ quan hành chính lâm thời quân đội các nước đồng minh Mỹ tham chiến tại Việt Nam) đã đưa ra một bản dự thảo quy chế điều hành chung, trong đó nói rõ tướng Oétrnolen sẽ nắm quyền điều hành tác chiến đối với tất cả các lượng đồng minh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tướng Chae Myung Shin lại tuyên bố không thể ký vào bản dự thảo ấy vì chưa được ủy thác và chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng Cộng hòa Triều Tiên. Ông ta cam kết, trong khi chờ thông qua sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của dự thảo.
Ngày 16/11/1965, Cộng hòa Triều Tiên đưa yêu cầu thành lập "Bộ tư lệnh độc lập quân đội Cộng hòa Triều Tiên tại Việt Nam" nhưng bị Oétmolen bác bỏ. Sau nhiều lần tranh luận, cuối cùng hai bên thỏa thuận, FFV1 có quyền chỉ huy và điều hành tác chiến lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tại Việt Nam.
Có điều, trong những trường hợp cụ thể, phía Nam Triều Tiên có quyền được đưa ra và thực hiện các quyết định riêng. Tướng Chae đề nghị Mỹ không nên chuẩn hóa vấn đề trên thành các hiệp định, hiệp ước vì dư luận dễ hiểu rằng Nam Triều Tiên là "nước chư hầu", còn quân đội của họ chỉ là "đội quân đi đánh thuê" cho Mỹ...