Những “bóng hồng” mưu sinh bên cảng cá

Những “bóng hồng”  mưu sinh bên cảng cá
(PLO) -  Buổi trưa trong cảng cá Âu thuyền Thọ Quang, mùi cống rãnh, mùi cá lưu cữu đặc quánh, nồng nặc dưới cái nắng gắt. Ai đó, thi thoảng mới tạt qua chợ cá cũng có thể cảm thấy “xây xẩm” bởi hỗn tạp thứ mùi và âm thanh. Ấy vậy mà có rất nhiều "bóng hồng" vật lộn trong không khí hỗn tạp này để mưu sinh
Mỗi ngày vỏn vẹn 3 tiếng nghỉ ngơi 
“Lắm khi mệt tưởng chết đi sống lại”, bà Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) hàng chục năm làm trong cảng cá đúc kết về sự vất vả của công việc bằng câu nói như vậy. Bà Hồng cho biết, mỗi ngày phải thức giấc từ 1h sáng để mua, bán, chế biến cá và các loại hải sản ở Âu thuyền Thọ Quang (nơi tập kết cá của khu vực bãi biển Thọ Quang và cảng cá Thuận Phước, TP.Đà Nẵng), đến tận 18h tối. 
Về tới nhà lại còn phải lao vào đánh vật với mớ công việc giặt giũ, cơm nước, chồng con. Tính ra mỗi ngày các bà, các chị làm việc ở cảng cá chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ. Bà ví von: “Nhiều khi đồng hồ reng lên mới biết mình ngủ chứ không phải…chết. Mệt quá, lăn xuống giường đã không biết chi nữa hết”.
Ngồi bên bà Hồng, cô gái trẻ tên Phương (ngụ phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) nói thêm: “Công việc nhìn chung tạm đủ nuôi sống gia đình nhưng cực nhọc quá. Phức tạp. Ồn ào”. Tắm vội, ăn nhanh, tranh thủ ngủ. Mẹ của Phương cũng vậy, tuổi đã ngoài 50, đều đặn 1h sáng mỗi ngày đã tranh thủ chuẩn bị thúng, ki (thùng nhựa đựng cá) , nước đá để ướp hải sản rồi lần mò ra cảng cá. Tàu vừa cập cảng là phải tất tả lo chạy đi cân ngay, đưa về chế biến gấp cho “bạn hàng” tới lấy sớm. 
Dẫu vậy, những người như bà Hồng, mẹ con chị Phương vẫn “sướng” hơn nhiều người không có “cơ ngơi” (một sạp cá hoặc một kiốt nhỏ được thuê chứa cá và đồ dùng). Để mưu sinh, những người này rủ nhau dậy thật sớm, tranh thủ cân cá rồi chở lên “chợ chạy” trên đường Nguyễn Tất Thành cách đó không xa ngồi bán. Gọi “chợ chạy” bởi vỉa hè không được phép kinh doanh, nhưng người bán, người mua cứ “tìm về”.
Mỗi ngày chợ bị lực lượng chức năng dẹp tới cả chục lần là bình thường. “Vừa bán, vừa canh, hễ thấy bóng mấy ông áo xanh (quy tắc đô thị), lập tức tụi tui gọi nhau gánh hàng bỏ chạy. Bởi rứa, bán buôn cả ngày mà lúc mô cũng ở tư thế ngồi xổm, để “lẩn” cho nhanh. Khoảng mươi phút, áng chừng mấy ổng đã đi, tụi tui gánh hàng về chỗ cũ. Còn nếu gặp những lúc “mấy ổng” làm “căng quá”, tụi tui lại dắt nhau về cảng cá” - một người kể. 
“Biết sai sao vẫn cứ họp chợ?”. Người phụ nữ này thành thật: “Biết chớ. Bị nhắc nhở, chạnh lòng lắm. Nhưng chỉ có ra đây bán, may ra gánh hàng tụi tui mới hết được, mới có tiền trang trải cuộc sống”.
Chị Mai vác dù thuê tại cảng cá Thuận Phước
 Chị Mai vác dù thuê tại cảng cá Thuận Phước
Ăn nhanh, ngủ vùi bên sàn cá 
Cực nhất vẫn phải kể đến những người chỉ hoàn toàn dựa vào sức lao động để kiếm sống ở cảng cá. Công việc của họ tạm gọi “kêu đâu, chạy đó”. Từ bưng dù (ô che nắng loại có chân), gánh mướn đến rửa cá, việc gì họ cũng gật đầu, miễn có thêm thu nhập. 
Đơn cử như chị Lê Thị Mai (35 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam), chỉ đi bưng, bê dù thuê ở cảng cá khi người thuê cần di chuyển, nhận tiền công 1.000 đồng mỗi lần. Rảnh tay, chị lại chạy ù đi tìm “mối” rửa cá hay xem có ai sai làm thêm mấy việc lặt vặt để mong “kiếm chút đỉnh”. Ngày “vô mánh”, chị Mai thu được 100 ngàn đồng, ít hơn thì 20-30 ngàn đồng. 
Những người như chị Mai vốn là nông dân “thứ thiệt”, sau mùa lúa, mùa đậu… rủ nhau ra Đà Nẵng tìm nhà trọ ở chung rồi tới cảng cá làm thêm. Mấy chị em góp lại, mỗi người 100 ngàn đồng/tháng trả chi phí tiền nhà ở. Ăn uống tạm bợ, hộp cơm bình dân rẻ cho người lao động thuê, mấy chị chắt chiu từng đồng để gửi về cho gia đình, nuôi con ăn học. Hết năm này qua năm khác, những phụ nữ này phải lao động  quần quật và thực sự chỉ được biết đến nghỉ ngơi đúng 3 ngày Tết.
Cũng vì thế, trong cảng cá mỗi ngày có tới hàng trăm phụ nữ ra vào buôn bán, làm thuê, ăn uống, sinh hoạt tại chỗ. Ghé qua cảng vào giờ đứng bóng, không khó bắt gặp hình ảnh các chị ngủ vùi, có khi bên thùng cá làm dở, có khi bên cây dù, có khi lăn đại xuống sàn ẩm ướt, mặc tiếng bước chân, tiếng xe cộ, tiếng người qua lại.
Chị Lê Thị Hạnh (40 tuổi, quê Quế Sơn, Quảng Nam), tâm sự: “Thuê trọ để khuya về có chỗ ngả lưng thôi, chứ ở nhà trọ chật chội mà lại mất công”. Chị Hạnh tính, nếu trưa mà về đó phải cuốc bộ gần 2km, tắm xong, nằm nghỉ chỉ được một lát rồi quay lại làm, như thế mất hết thời gian. Nếu lỡ ai gọi việc, các chị không có mặt sẽ “mất mối”, lại “tiếc hùi hụi” vì không biết lấy tiền đâu mà dành dụm. 
Chưa kể khi về nhà trọ, các chị phải tốn thêm khoản tiền điện quạt máy, tiền vài xô nước máy rửa ráy. Họ thắt chặt đến mức tối thiểu mọi sinh hoạt cá nhân. Ăn nhanh hộp cơm, nếu không có việc lại ngủ vùi ngay tại sàn cá, tranh thủ lấy lại sức.  
Ngay cả các chị có chồng, con, có nhà cửa ở Đà Nẵng vẫn cứ phải nghỉ ngơi tại chỗ và ăn uống rất tạm bợ. Họ lúc nào cũng luôn tay luôn chân, tàu cập cảng phải có mặt, còn khách đến lấy cá thì không giờ giấc nhất định. Một người phụ nữ thở dài: “Biết răng được chừ, cả ngày ngoài ni, ai làm cho mà bỏ đi”./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.