Trao đổi qua điện thoại với PLVN chiều 16/12, ông Lê Xuân Đạt, Giám đốc nhà máy Granite Trung Đô xác nhận: “Mới đây có xảy ra vụ tai nạn lao động”, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ”. Nhưng tình trạng thực tế của nạn nhân không “nhẹ” như ông Đạt nói.
PV đã có mặt tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An để tìm hiểu tình trạng nạn nhân. Nam công nhân (xin không nêu tên, SN 1971, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển đến viện cấp cứu ngày 14/12 trong tình trạng nguy kịch, sau khi phẫu thuật được chuyển đến khoa Hồi sức Ngoại khoa.
Ba ngày nằm viện, đến ngày 16/12, bệnh nhân vẫn chưa hồi tỉnh. Theo bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại khoa, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, sốc mất máu, đa chấn thương, chấn thương sọ não, máu tụ trong não, chấn thương cột sống, cổ, chấn thương ngực kín, tràn máu, vỡ gan… Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân vẫn “khó khăn”.
Được biết, nam công nhân bị ngã từ trên cao xuống trong quá trình làm việc. Đáng nói, cả phía Nhà máy Granite Trung Đô và người nhà đều giấu tình trạng thật của nạn nhân. Trao đổi với báo chí, người nhà bối rối cho biết nạn nhân chỉ bị… gãy tay và “nhẹ thôi”. Gia đình cũng cho biết nạn nhân đã làm việc tại Nhà máy nhiều năm, có bảo hiểm và khi tai nạn xảy ra gia đình chỉ biết “nhờ công ty”.
Còn phía Nhà máy gạch, trước khi liên lạc được với Giám đốc Nhà máy, PV đã phải qua 2 “vòng” thủ tục vẫn không được xác nhận thông tin về vụ tai nạn.
Một cán bộ được cử làm việc với PV nói: “Muốn tìm hiểu gần đây có vụ tai nạn lao động nào hay không thì phải gặp Giám đốc”. Nhưng người này lại không liên hệ với Giám đốc mà chỉ ra phòng bảo vệ.
Bảo vệ lại hướng dẫn PV gọi điện cho “sếp” nhưng không cung cấp số điện thoại và cũng không đồng ý hẹn lịch làm việc.
Đến khi liên lạc với ông Lê Xuân Đạt, Giám đốc Nhà máy, vị này chỉ trả lời nhanh là tai nạn ở “mức độ nhẹ”. Ông Đạt nói thêm, Nhà máy luôn đề cao vấn đề an toàn lao động cho công nhân như: thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, nhắc nhở công nhân nâng cao ý thức chấp hành các nguyên tắc bảo hộ lao động, còn mời chuyên gia về đào tạo cho các công nhân.
Vậy tại sao Nhà máy liên tục xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng? Tháng 8 vừa qua, Nhà máy vừa nổ lò hơi khiến 2 công nhân bỏng nặng, sau đó tử vong. Vụ việc đã được báo chí đưa tin.
Và ngoài những tai nạn được báo chí biết đến như trên, thực tế có bao nhiêu vụ đã xảy ra tại Nhà máy này?
Có thông tin, ngay trước tai nạn ngày 14/12 đã xảy ra một vụ khác, nạn nhân phải chuyển ra Hà Nội cấp cứu. Và trong mấy năm gần đây, số công nhân tại Nhà máy thiệt mạng do tai nạn lao động đã nhiều hơn 2 người. Những thông tin này còn chờ xác nhận từ phía Nhà máy.
Theo một cán bộ công đoàn, nhiều công nhân tại các khu công nghiệp là người nơi khác đến. Xa gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người cũng rất chật vật mới có được việc làm nên đành chấp nhận điều kiện lao động không an toàn để kiếm sống. Khi tai nạn xảy ra, họ phải gánh chịu hậu quả, nếu may mắn sẽ được công ty hỗ trợ một phần.
Đối với những người lao động đã được đóng bảo hiểm, khi gặp nạn, họ cũng không muốn “ồn ào” để mong công ty hỗ trợ, lo chế độ. “Chỉ biết trông vào công ty” là tâm lý chung của người lao động khi xảy ra tai nạn. Tâm lý này đôi khi khiến họ quên đi quyền lợi chính đáng của mình và không dám đấu tranh để bảo vệ quyền của mình.