Tôi đã có dịp cùng anh nâng chén rượu trong một căn phòng chỉ toàn sách với sách. Được nghe anh nói về báo chí, về thơ ca, thậm chí có những lúc cảm xúc dâng trào, Hồng Thanh Quang đọc thơ, những câu thơ đau đáu tượng hình vút bay vào thăm thẳm…
Vậy là ước mơ được làm một tờ nhật báo của anh đã thành hiện thực. Tôi nhớ có lần anh đã nói, anh muốn làm một tờ nhật báo mang đậm tính tả khuynh nhưng nhạy bén về thời cuộc?
- Đúng là bây giờ tôi đang được giao cơ hội ấy. Và cũng đang có nhiều việc cần xử lí để biến ước mơ ấy thành sự thực. Nhưng như một câu nói của Maxim Gorky: “Từ vú mẹ tới vú người yêu là một quãng đường dài”. Từ ước mơ của tôi tới hiện thực cũng là quãng đường dài như thế. May mắn cho tôi là đã có những căn bản khi Đại đoàn kết vốn là tờ báo có truyền thống, có bề dày.
Vậy nên khi bắt tay vào công việc, tôi muốn không chỉ tờ nhật báo Đại đoàn kết mà các ấn phẩm khác của báo như Tinh hoa Việt cũng sẽ có sự chuyển mình và thu hút được nhiều độc giả hơn. Nhưng đôi khi, mình nâng niu một ước mơ quá lâu, khi cần phải biến nó thành hiện thực thì mình cũng có đôi chút run rẩy.
Có rất nhiều khó khăn đòi hỏi mình phải vượt qua. Nhưng tôi là người lạc quan, tôi nghĩ mình sẽ phần nào thực hiện được ước mơ, ở một mức độ nào đấy.
Sáu tháng làm Tổng biên tập của tờ báo mặt trận, cảm giác của anh như thế nào? Nó có khác nhiều so với thời anh làm Công an nhân dân không?
- Thực ra trước khi về Đại đoàn kết tôi chưa bao giờ hình dung tôi sẽ làm Tổng Biên tập cả. Tôi đón nhận công việc này như một công việc bình thường, có rất nhiều mới mẻ, nhiều thách thức phải xử lí. Nhưng bước đầu tôi thấy ổn.
Nhìn chung đây là một môi trường thuần hậu, cơ quan cũng có những vấn đề như mọi cơ quan, mọi tòa soạn khác, cũng có đủ mọi thành phần nhưng cơ bản là một môi trường tốt.
Chúng tôi đã cam kết với nhau biến Đại đoàn kết thành một ngôi nhà thực sự, cùng nhau hiện thực hóa ước mơ chung. Còn tất nhiên làm Đại đoàn kết sẽ có rất nhiều cái khác so với thời tôi làm bên Công an nhân dân bởi nhiệm vụ của mỗi đơn vị là khác nhau.
Làm báo mặt trận mình phải tư duy theo kiểu mặt trận, tất nhiên vẫn trên cái nền, cái phong cách của cá nhân mình. Chính những điều đó lại đem đến cho mình những trải nghiệm thú vị.
Nhưng nói gì thì nói, một thời gian rất dài, tên của anh, dấu ấn của anh đã gắn với những ấn phẩm báo Công an nhân dân và An ninh thế giới cuối tháng. Xin được hỏi, khi bước sang một con đường rất mới này, anh có khi nào thấy đôi lúc hụt hẫng không?
- Làm báo bao nhiêu năm, tôi may mắn đã được trải qua tất cả các vị trí của một người làm nghề. Từ anh Trung úy quân đội làm cộng tác viên cho tờ Quân đội nhân dân rồi tới phóng viên, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. Chỉ duy nhất một công việc tôi chưa được làm là Tổng Biên tập. Và trong cuộc thi tuyển vị trí Tổng Biên tập cho Đại đoàn kết, tôi cũng chia sẻ điều này rất rõ ràng.
Tôi muốn mình lại có thêm những trải nghiệm. Hoàn toàn không phải ham quyền, ham chức gì, vì chỉ ở vị trí này mình mới tập trung được cao nhất sự vui thú và trách nhiệm của người làm báo.
Tôi rất tâm đắc một câu hát của nhà thơ Nga Vladimir Vysotsky: “Tuyệt hơn núi chỉ là những đỉnh núi ta từng chưa hề lên”. Tôi rời báo Công an nhân dân không phải vì ở đó không tốt, không cuốn hút tôi mà chỉ duy nhất một lí do đó là tôi muốn được thử sức với những thử thách mới.
Và chắc chắn một điều rằng, tôi ở đâu thì “chất” Hồng Thanh Quang vẫn sẽ xuất hiện ở đó. Nó không mất đi mà chỉ đơn giản chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Cuộc sống với tôi là luôn muốn được trải nghiệm.
Thế hệ đi sau như chúng tôi đã từng rất mê đắm cách thể hiện các bài phỏng vấn của anh. Một thời nó gần như tạo được thương hiệu “phỏng vấn kiểu Hồng Thanh Quang”. Phỏng vấn rất dài, thậm chí người hỏi còn nói nhiều hơn người trả lời. Thời đó (và bây giờ cũng vậy), anh suy nghĩ sao khi làm những bài phỏng vấn dạng đó?
- Nhiều việc trong quá trình làm báo của mình tôi thường bị những phản lực rất lớn. Đặc biệt là những cách làm, những sự thể hiện không theo lối cũ. Cách phỏng vấn ấy tôi đã từng manh nha, từng trăn trở từ những năm chín mươi. Nhưng thời đó có nhiều người phản đối, thậm chí là những người nhiều tuổi hơn tôi rất nhiều. Phỏng vấn là dạng dễ làm nhưng làm hay lại rất khó.
Tôi muốn mỗi cuộc phỏng vấn là làm cho người được hỏi nói những điều mà khi ngồi với ai khác họ không nói được và họ giúp mình nghĩ được những câu hỏi mà ngồi với người khác mình không nghĩ ra được.
Mỗi cuộc phỏng vấn phải là một cuộc chiến đấu vô tiền khoáng hậu không ai có thể tạo ra được ngoài mình. Chính vì vậy, cuộc phỏng vấn thành công nó phụ thuộc vào tâm tính, kiến thức, kỹ năng của người đi phỏng vấn.
- Vâng. Là cuộc chiến đấu nhưng không phải để giành chiến thắng. Khi gặp được một người hay, tôi như bị lên đồng vậy. Tất nhiên khách quan mà nói thì có những bài thành công cũng có những bài không thành công. Cái quan trọng, theo tôi, mình phải tạo được không khí cuộc nói chuyện, sự hiểu biết, quan điểm của mình bên cạnh sự tin cậy lẫn nhau.
Tinh hoa Việt vừa ra được vài số nhưng hiệu ứng từ độc giả là rất tích cực. Xin được hỏi, khi bắt tay vào làm, anh suy nghĩ như thế nào? Anh nói gì với anh em vì hơn ai hết, anh hiểu rằng để một tờ báo ra được sạp thời buổi này là rất khó?
- Chúng tôi là tờ báo của mặt trận. Mà công tác mặt trận thì bạn biết rồi. Khi người ta nói không đâu nghe thì mặt trận phải nghe, phải truyền tải. Nguyên tắc biên tập của tôi rất đơn giản, đó là không đăng những bài dở. Thêm nữa, người phụ trách nội dung, mỗi số báo đều phải có chủ kiến. Mỗi bài viết, mỗi nhân vật, mỗi đề tài trong cùng một số phải có điểm gì đó chung
Nhưng phảng phất vẫn thấy có không khí của tờ An ninh thế giới cuối tháng?
- Bạn nhầm rồi. Đó là không khí của tôi chứ không phải không khí của An ninh thế giới cuối tháng. Trước tôi làm ở An ninh thế giới cuối tháng, cái không khí đó xuất hiện thì giờ tôi sang Đại đoàn kết, “cái chất” đó cũng sang theo thôi. Điều này là rất đáng mừng. Bởi ở tờ báo cũ, sẽ có những đội ngũ mới lên làm, dần dần cái không khí cũ sẽ mất đi để nhường cho những không khí mới, dấu ấn mới. Điều đó là rất bình thường mà.
Làm quản lí rồi sẽ phải khác, anh phải làm trăm công việc không tên không liên quan đến chuyên môn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới niềm yêu thích “đếm chữ” của anh, đến công việc viết lách anh hằng yêu thích. Bản thân anh nghĩ như thế nào về nghề Tổng Biên tập, một nghề mà các anh từng tổ chức hẳn một chuyên đề để thảo luận về nó?
- Ở mỗi một giai đoạn người ta thèm một cảm giác mới. Làm gì và ở cương vị nào thì tôi vẫn là người viết báo. Làm Tổng Biên tập tôi sẽ có cách viết riêng của mình, thỏa sức sáng tạo những ý tưởng vì mình là người chịu trách nhiệm cao nhất ở tờ báo.
Đừng ai nghĩ rằng một nhà thơ thì sẽ không làm được một Tổng Biên tập giỏi. Đúng là có bước vào việc mới biết, công việc đứng đầu một tờ báo đưa lại cho mình nhiều khó khăn nhưng khó khăn đi cùng với sự thích thú.
Mỗi lần một tờ báo được phát hành là tôi lại một lần khoái cảm. Đó là khoái cảm cùng con chữ, khoái cảm được giao lưu cùng độc giả. Tôi không cầu lợi danh. Tôi cũng quan niệm rằng lợi danh không bao giờ cưỡng cầu, cứ đam mê hết mình đôi khi điều đó lại đến. Đến thời điểm này, tôi vẫn còn đầy hào hứng và sự say nghề. Say như một cậu trai trẻ mới chập chững vào nghề vậy.
Xin phép anh được chuyển đề tài một chút. “Nghe trái tim mình duyên đã cai…” tôi hiểu ý anh giờ mình sẽ “cai duyên”. Nhưng vẫn còn rất nhiều cắc cớ…? Vì tôi nghĩ rằng cảm xúc đôi khi như nhựa sống, là chất xúc tác để mình sáng tạo?
- Đó là phương châm của tôi. Mà cuộc sống thì phương châm phấn đấu đôi khi không trùng với hiện tại. Tôi nghĩ rằng một người đàn ông đúng nghĩa phải là một người đàn ông có trách nhiệm. Đó là trách nhiệm với xã hội, đã đành, nhưng còn là trách nhiệm với vợ con và gia đình. Ví như anh có lỗi chẳng hạn, thì anh phải là người nhận ra lỗi đó và có ý thức để sửa nó.
Tác giả của hàng trăm bài thơ tình, thơ tình cũng chiếm tới chín mươi phần trăm trong các sáng tác của anh. Nhưng anh nhớ không, có lần bắt anh chọn một câu thơ về phụ nữ hay nhất của mình, anh lại chọn một câu thơ về mẹ: “Mẹ ơi đã cuối con đường/Làm gì để mẹ bớt buồn vì con…?”?
- Hạt kim cương thì nhỏ nhưng là hạt lấp lánh nhất. Còn pha lê, cát quý khác thì cũng lấp lánh, cũng quý đấy nhưng không thể bằng kim cương. Mẹ như kim cương, người tình như pha lê. Và hai thứ này không mâu thuẫn, đều cùng tồn tại trong tôi.
Xin cảm ơn nhà báo về cuộc nói chuyện ngày hôm nay!