Báo chí là lĩnh vực tạo nên tên tuổi cho họ Lương, là lĩnh vực ông gắn bó ngay từ buổi ban đầu. Nhưng hẳn ít ai biết rằng, ký giả họ Lương, ông chủ bút của những Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn… lại còn là người yêu thích ngón hát bội, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc đầu thế kỷ XX.
Ông chủ gánh hát bội
Trong “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” cho hay “Ông Lương Khắc Ninh, cốt cán một người vẫn có nền tảng văn hóa nho học, ông yêu thích hát bội”. Không dừng ở việc thích, mà còn để cho thỏa cái đam mê ấy, ông đã soạn cả tuồng hát bội, như bản tuồng Gia Trường (Le bonze amoureux) “và lập ra gánh hát bội Châu Luân Ban vào năm 1905 ở Saigon”.
Đoàn Châu Luân Ban của ông không chỉ diễn ở trong nước, mà thú vị hơn, còn lưu diễn cả ở trời Âu nơi Pháp quốc, góp phần quảng bá một nét văn hóa Việt bấy giờ, dẫu lúc ấy, phương Tây còn xa lạ với “văn hóa Annam”, và dân Tây thực dân, vẫn coi phương Đông là món mồi béo bở cho họ.
Số là giữa năm 1922, tại Marseille là nơi tổ chức Hội chợ Thuộc địa. Lúc này, họ Lương là người có tiếng tăm, địa vị, quan hệ rộng, lại là chủ gánh hát bội, nên ông tham gia hội chợ năm ấy, dẫn theo đoàn hát bội Châu Luân Ban sang Marseille biểu diễn ở khu triển lãm Nam Kỳ.
Năm này, “đoàn Annam” còn có một số trí thức tên tuổi ngoài Bắc Kỳ tham gia và tương kiến với họ Lương như ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn… Việc này, bạn đọc có thể xem thêm “Pháp du hành trình nhật ký” của Phạm Quỳnh, phần ghi thứ Bảy, ngày 10/6/1922 về việc quan lại Nam Kỳ mở tiệc đãi Thượng thư Sarraut và nghị viên Nam Kỳ Outrey.
Bút tích của Lương Khắc Ninh |
Hoạt động với nghệ thuật hát bội của Lương Khắc Ninh, được cả người Pháp biết tới và nhận xét tốt. Cứ xem lời của nhà văn, nhà báo Henri Danguy khi viết quyển Le Nouveau visage de la Cochinchine đã ngưỡng mộ họ Lương ta cũng đủ thấy:
“Ông Lương Khắc Ninh chính là một hiền nhân. Ông biết kết hợp giữa sự tiến hóa và bảo tồn. Người ta trình diễn những tuồng truyền thuyết cổ xưa trong những rạp hát mà ông điều hành; nhưng cảnh trí được thắp sáng bởi đèn điện”. Ý ông Henri Danguy khen ở đây là, đầu thế kỷ XX ở Sài Gòn mới có điện, việc ông Ninh dùng điện trên sân khấu hát bội là tân tiến so với trước kia rất nhiều.
Riêng đối với bản thân họ Lương, ông thể hiện rõ quan điểm bảo tồn, chấn hưng văn hóa Việt qua nghệ thuật truyền thống khi năm 1917, ông diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn, được Sơn Nam ghi lại trong biên khảo “Lịch sử đất An Giang”:
“Người An Nam ta thuở nay vẫn cho nghề hát là nghê hạ tiện, nên người có học thức một ít thì không làm… Muốn cải lương phải làm sao?... Chuyện nói đây không phải khó. Có học trò trường Taberd đến lúc phát phần thưởng, nó ra hát theo Lang Sa, bộ tịch như Lang Sa. Rất đỗi là hát theo ngoại quốc, trẻ em còn làm được, huống hồ người An Nam mà hát An Nam không được sao?”.
Khuyên vua vì nước
Cũng trong năm 1922, như chúng ta lâu nay đều biết, vua Khải Định đã có chuyến công du sang Pháp. Nhân dịp này, vị vua ưa diêm dúa của nước Nam đã nhận biết bao búa rìu dư luận từ chính đồng bào mình.
Nguyễn Ái Quốc thì viết vở kịch “Con rồng tre” để đả kích, cụ Phan Châu Trinh thì viết “Thư thất điều” vạch ra bảy tội của vua với quốc dân. Riêng ông Ninh, khi ấy đang ở Pháp, cũng đóng góp ý kiến của bản thân đối với Khải Định.
Sách “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” có ghi “Trong một bức thơ gởi vua Khải Định (khi họ cùng ở Pháp năm 1922) Lương Khắc Ninh chính thức khuyên Khải Định nên tiếp thu ý kiến và thực thi chủ trương của Phan Châu Trinh mới mong cứu nước vào giai đoạn đó.
Lời thơ ngay thẳng, chân thành không bợ đỡ, xu phụ kẻ có quyền lực”. Thơ này, Lương Khắc Ninh ghi tên mình là “Đông Dương Dị Sử Thị”. Xem lời thơ, quả đúng rằng họ Lương rất trực ngôn, không vì quyền thế mà e ngại, nhún mình.
Sao ông Ninh to gan dám khuyên vua vậy? Bởi lúc ấy, nước Việt chia làm ba kỳ, mà vua thì chỉ có thực quyền (dưới bàn tay người Pháp) ở Trung Kỳ mà thôi, còn đất Nam Kỳ, đã là đất thuộc địa rồi. Dù vậy, trước hết phải nói thêm rằng, tuy tham gia bộ máy chính quyền, nhưng Lương Khắc Ninh là người tiến bộ, ủng hộ một xã hội dân chủ, ủng hộ dân quyền mà cụ Phan Tây Hồ đã khởi xướng.
Khu triển lãm của người Việt tại Hội chợ Thuộc địa Marseille 1922 |
Thế nên, trong thơ gửi cho vua Khải Định, họ Lương nhiều lần ca ngợi chí sĩ họ Phan đất Quảng rằng “Lời Phan Thị có nhiều lời đáng dụng”. Toàn văn thơ này, độc giả có thể xem trong “Nhưng hoạt động của Phan Châu Trinh ở Pháp” của Thu Trang, hoặc “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” của Nguyễn Q.Thắng có chép.
Tâu bày với “thiên tử” nước Nam, họ Lương chỉ rõ đạo lý ở đời:
Theo thời thế, như nước nguồn thông thoát,
Nghịch ý dân, chẳng khác nào như phong với thủy.
Ông cũng tỏ bày rõ, dù lời họ Phan “tiếng xẵng” không xuôi tai, nhưng “dầu xúc phạm, mà hữu ích chung xin bớt giận”… “Hậu thế xưng Phan Thị chánh ngôn”. Lại khuyên vua Khải Định “Cần hộ bang, dùng Phan Thị vì quân sư” bởi những lời họ Phan là lời vì dân, vì nước. Ông cũng khẳng định rằng:
Lập quốc dân, xã hội nghị cộng đồng,
Vạn bang đã rõ thông chánh trị.
Phương viên nghĩa, lập chiến bang hữu vị,
Dân chọn người thông đạt trị giùm dân.
Hễ mà người ta tham loại bỏ dần dần,
Quyền thay mặt vì dân quyền đều rộng.
Chẳng rõ sau này, thư có đến tay vua Khải Định, và vua có đọc, có suy nghĩ hay trả lời lại gì chăng? Nhưng cứ xem nội dung ấy, thơ ấy, thấy thêm trách nhiệm của họ Lương với quốc dân ra sao, vì lợi quyền đất nước ra sao. Đáng để cảm phục lắm lắm.
Vài mảnh vụn riêng
Thêm đôi chút lượm lặt về đời riêng của ông, ta biết, qua sách “Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ 1757 đến 1945)” cho hay, họ Lương có hai người vợ, là bà Hồ Thị Định, cùng bà thứ Võ Thị Đề. Bà chính thất sinh cho ông được 5 người con gái, còn bà thứ thì sinh cho ông một ái nữ.
Trong nghiệp báo chí, với tự hiệu là Dũ Thúc, khi viết báo, ông Ninh thường dùng bút hiệu là Dị Sử Thị, hoặc Lương Dủ (Dũ) Thúc. Tỉ như đoạn kết bài viết “Nông Cổ nhựt báo tự sự” số 1 của báo “Nông cổ mín đàm”, ngày 1/8/1901 dưới đây:
“Kính lời gởi với bạn đồng bạn
Tiếng kịch câu quê một ít hàng
Miệng tổ ý người làm nhựt báo
Nguyệt dam thương cổ sánh nông tang
Lương Dủ Thúc, Bến Tre”.
Cha ông, cụ Lương Khắc Huệ, vốn là một đông y sĩ nổi danh, được dân trong vùng biết tiếng bởi bốc thuốc chữa bệnh cao tay. Ấy nhưng họ Lương lại không theo nghề cha chữa bệnh thể xác cho thiên hạ, mà ông theo nghiệp báo chí, cũng là góp phần nâng cao vốn văn hóa, thông tin cho dân vậy, tức là chữa cái bệnh về mặt tâm hồn đó. Mà vốn kiến thức của ông, một phần cũng được kế thừa từ cụ thân sinh, bởi cụ Lương Khắc Huệ, theo “Bến Tre trong lịch sử (từ 1757 đến 1945)” có cho biết, cụ cũng là một người thâm nho.
Vua Khải Định công du Pháp quốc năm 1922 |
Một đời hoạt động, tham gia nhiều lĩnh vực, ngày 22 /11/1943, nhà báo, nhà văn, ông hội đồng, ông bầu hát Lương Khắc Ninh trút hơi thở cuối cùng, thọ 81 tuổi. Tên tuổi của ông, nay vẫn còn vang…/.