Cả cơ quan thuế và cơ quan tố tụng đã nhầm lẫn về thu nhập chịu thuế của cá nhân khi lấy tổng thu nhập từ việc cho thuê tài sản của 6 người để bắt một người chịu thuế.
Ông Đỗ Tòng Tuy. |
Chấp nhận cảnh chật hẹp để có nhà cho thuê
Năm 1986, gia đình ông Đỗ Tòng Tuy được Bộ Công nghiệp nặng phân cho 25m2, phòng số 1 khu tập thể 2F Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gia đình 6 nhân khẩu của ông đã sinh sống tại căn hộ này liên tục từ đó đến nay. Năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho 6 thành viên trong gia đình ông.
Căn hộ của gia đình ông Tuy có mặt giáp phố Hai Bà Trưng và nằm ngay giữa trung tâm kinh doanh đồ điện tử lớn ở Hà Nội, nên cũng giống như các hộ gia đình sở hữu tầng 1 nhà tập thể 2F Quang Trung, từ năm 1997, gia đình ông Tuy chấp nhận sống chật chội lấy ra 21m2 nhà cho thuê bán đồ điện tử thu nhập thêm mỗi tháng từ 6 đến 8 triệu đồng.
Năm 2007, giữa gia đình ông Tuy và bên thuê nhà là ông Đào Mạnh Hùng phát sinh tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Ông Tuy gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền nhờ can thiệp chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà với ông Hùng. Ngược lại, ông Hùng có đơn “tố” ông Tuy không kê khai nộp thuế cho thuê nhà với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngày 23/11/2009, Công an quận Hoàn Kiếm có công văn đề nghị Chi Cục thuế quận Hoàn Kiếm truy thu và xử phạt tiền thuế đối với hoạt động cho thuê nhà của ông Tuy.
Cơ quan thuế truy thu, VKS truy tố
Ngày 13/1/2010, Chi cục thuế Hoàn Kiếm ra Quyết định 59 truy thu và xử phạt ông Tuy với số tiền mà ông phải nộp cho các loại thuế là hơn 475 triệu đồng. Không đồng tình, ông Tuy làm đơn đề nghị cơ quan thuế xem xét lại. Theo ông Tuy, ông cần được đối thoại với cơ quan thuế để làm rõ việc truy thu, xử phạt này.
Vì lý do ông Tuy không chấp hành quyết định truy thu và xử phạt, cũng không cần phải xem xét giải quyết khiếu nại, đề nghị của ông Tuy, chỉ hai tháng sau khi ra quyết định xử phạt, Chi Cục thuế Hoàn Kiếm có công văn đề nghị “xử lý” và ngày 24/10/2011, CQĐT quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố ông Tuy với tội danh trốn thuế.
Ngày 5/1/2012, VKSND quận Hoàn Kiếm hoàn tất bản cáo trạng truy tố ông tổ trưởng tổ dân phố vì đã trốn hơn 243 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng.
Nhận được cáo trạng khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Tuy như chết đứng. Ông Tuy cũng khẳng định, ông từng là Tổ trưởng dân phố nên để chấp hành pháp luật thuế ông đã vận động các gia đình có nhà cho thuê tại 2F Quang Trung nộp thuế, đã hỏi và được Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính để được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế. Việc ông bị truy tố về tội trốn thuế không chỉ là cú sốc của riêng ông mà còn khiến nhiều hộ gia đình khác không thể hiểu được.
Việc CQĐT cộng dồn số thuế phải nộp trong gần 12 năm của một gia đình để “buộc” một cá nhân về tội trốn thuế có đúng pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS Hà Nội về vấn đề này: Thưa Luật sư, ông có cho rằng quan điểm truy tố của VKS quận Hoàn Kiếm trong vụ án này là đúng hay không? Có vẻ như với CQĐT, VKS quận Hoàn Kiếm thì đây là vụ án đơn giản vì các cơ quan này căn cứ vào văn bản tính thuế của cơ quan thuế và Kết luận giám định tư pháp của Cục Thuế TP Hà Nội để xác định số thuế mà ông Đỗ Tòng Tuy không kê khai và nộp hơn 243 triệu đồng, đủ căn cứ để xử lý về tội trốn thuế. Song, vụ án này thực chất không dễ như vậy và VKS có thể gây oan sai khi không xem xét đến những yếu tố cốt lõi của sự việc cũng như quy định của pháp luật có liên quan. Ông có thể phân tích rõ hơn những vấn đề pháp luật đó là gì để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn, thưa ông? Tôi chưa bàn đến việc cơ quan thuế xác định loại thuế phải nộp, số thuế phải nộp theo các văn bản pháp luật về thuế đã đúng hay chưa. Nhưng, chỉ cần nhìn vào việc cơ quan thuế, cơ quan điều tra xác định người phải nộp thuế để làm căn cứ xử lý thì đã có sự nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này có thể dẫn đến oan sai trong vụ án này và đối với ông Đỗ Tòng Tuy. Căn nhà mà ông Tuy cho thuê không phải là sở hữu của cá nhân ông Tuy mà là sở hữu chung của 6 người trong gia đình ông Tuy theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Do đó, việc ông Tuy đứng ra cho thuê chỉ là người đại diện ký hợp đồng cho thuê nhà. Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 và 2003, cá nhân có tài sản cho thuê phải kê khai nộp thuế. Như vậy, thu nhập từ việc cho thuê nhà phát sinh đối với những người cùng sở hữu nhà với ông Tuy và bản thân họ cũng phải kê khai thuế. Với số tiền 243 triệu đồng không kê khai nộp thuộc trách nhiệm của 6 người thì mỗi người sẽ phải nộp khoảng 40 triệu đồng. Mức này chưa có căn cứ để truy tố về tội trốn thuế. Việc gộp lại để truy tố riêng với ông Tuy là không đúng. Theo ông, cần phải giải quyết vụ việc này theo hướng nào mới đúng pháp luật? Việc không kê khai nộp thuế kéo dài trong vòng 12 năm. Thời gian này có nhiều sự thay đổi về chính sách thuế, văn bản pháp luật về thuế. Cơ quan điều tra tính cả số tiền không kê khai nộp thuế trong 12 năm để quy trách nhiệm cũng cần phải xem xét lại vì theo thời hiệu, có những vi phạm hết thời hiệu xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần làm rõ thu nhập của từng cá nhân trong việc cho thuê nhà để xem xét trách nhiệm kê khai nộp thuế chứ không thể quy kết riêng cho ông Tuy vì đó không phải là tài sản riêng của ông. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh