Trào lưu “sống trên giường”
Trên Tiktok hiện nay, trào lưu “bed rotting” đang được lan truyền mạnh mẽ bởi người dùng trẻ tuổi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nôm na của “bed rotting” là ca ngợi thú vui “nằm trên giường”. Hàng ngàn clip về thú vui không bước chân xuống giường được đăng tải. Theo đó, nhiều người trẻ cho rằng việc nằm lì trên giường chính là sự nghỉ ngơi và thư giãn tuyệt vời nhất. “Việc gì phải bước chân xuống giường khi chiếc giường làm ta dễ chịu”, đó là luận điểm được nhiều người tham gia trào lưu đưa ra. Một số người chia sẻ niềm vui ngủ li bì suốt hai ngày cuối tuần, thậm chí đưa ra thách thức “ai ngủ nhiều hơn”. Có người khoe mình có thể ngủ suốt 24 tiếng đồng hồ mà không bước chân xuống giường.
Có những clip cho thấy, những người thuộc trào lưu trên đã trang bị cho chiếc giường nhiều công năng và tiện ích bất ngờ, đến nỗi cần gì cứ với tay là có. Tiểu Vi, một tài khoản Tiktok đã có những clip “cuối tuần của tôi” hoặc “kì nghỉ lễ của tôi”, trong đó mô tả nhiều ngày liền nằm lì trên giường, với bình nước để sẵn, các loại thức ăn khô trên kệ ngay đầu giường, thậm chí ấm đun siêu tốc cũng có sẵn. Những thứ trên giúp cô gái trẻ có thể “sống ảo” ngay trên giường với cà phê sớm, mở loa nghe nhạc, nhấm nháp bánh quy mà không cần rời giường, sau khi thưởng thức bữa sáng xong lại… đắp chăn ngủ tiếp.
Dưới các clip của Tiểu Vi, không ít bạn trẻ bày tỏ sự thích thú, hâm mộ. Thậm chí, nhiều người cũng muốn học theo phong cách “không bước chân xuống giường” như trong các clip đã mô tả. Nhiều clip thì cho thấy hình ảnh những người trẻ sử dụng chiếc giường như là một “ốc đảo nhỏ” của bản thân. Ở đó, họ ngủ, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, bấm điện thoại, ăn uống ngay trên giường. Nhiều người khác tập thể dục trên giường, tô màu vẽ hoặc chơi nhạc cụ.
Trong một bài phỏng vấn, một nữ nghệ sĩ trẻ đã tiết lộ sở thích lớn nhất của mình là ngủ. Bài phỏng vấn này được nhiều người trẻ chia sẻ mạnh mẽ trên mạng, kèm theo ý kiến cá nhân bày tỏ thích thú, ủng hộ sở thích nói trên. Một số người trẻ còn đưa ý kiến rằng, ngày nay mọi mối quan hệ đều dễ dẫn đến rạn vỡ và mệt mỏi, chỉ có… ngủ mới là cách giải toả stress, nuôi dưỡng tâm trí tốt nhất.
Nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm
Trái ngược với những bạn trẻ giàu năng lượng, thích hoạt động, thích trải nghiệm, khám phá và dấn thân, một bộ phận giới trẻ ngày nay bày tỏ việc yêu thích cuộc sống an ổn hoặc thậm chí là “sống lười”. Họ quay lưng lại với sự phấn đấu trong sự nghiệp, không thích việc nỗ lực học hỏi nâng cao kiến thức, kĩ năng.
"Lazy-girl job" - làm việc "lười biếng" đang được nhiều người trẻ lựa chọn. Đó là xu hướng chọn những công việc nhẹ nhàng, ít căng thẳng, thậm chí không phải làm việc theo giờ hành chính, không gắn bó với một công ty cụ thể nào. Ở những lựa chọn này, người trẻ chấp nhất mức lương thất thường, cuộc sống bấp bênh, nhưng đổi lại là sự tự do, thoải mái, không áp lực.
Những người thuộc xu thế “sống lười” còn đề cao tinh thần hướng nội và thường bày tỏ mình ngại giao tiếp. Họ thích hưởng thụ cuộc sống một mình, không thích giao lưu, mở rộng mối quan hệ, không thích kết nối với người khác. Thậm chí không ít người trẻ hiện nay khi đi du lịch cũng chọn “du lịch lười”, với việc coi du lịch như là “đổi nơi ăn, chốn ngủ”, không cần thiết phải khám phá, trải nghiệm.
Những trào lưu “sống trên giường” hoặc “sống lười” nói trên đã gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Có người cho rằng, lối sống như trên là tiêu cực, đi ngược lại sự phát triển xã hội, nhưng cũng không ít người cho rằng, giữa một xã hội đầy áp lực, những người “lười” là những người chối bỏ sự căng thẳng, họ chỉ đang đưa ra lựa chọn tốt nhất cho chính mình.
Xã hội vốn muôn màu, mỗi người, trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức, được quyền làm những điều mình muốn. Nhưng ở khía cạnh tâm lý, các chuyên gia cho rằng, việc ngủ li bì hay lười vận động, lười giao tiếp, khép kín bản thân sẽ dễ dẫn đến nhiều triệu chứng tâm lý như chứng chán ăn, rối loạn lo âu, đôi khi khiến stress càng trở nên nặng nề hơn.
Theo tờ Daily Mail, nhà tâm lý học, Tiến sĩ Katrina Ostmeyer phân tích, việc dành cả ngày trên giường, không bước chân ra thế giới bên ngoài, lười kết nối không chỉ là biểu hiện của sự “lười” mà sâu xa hơn còn là sự tránh né những áp lực, không dám nhìn nhận vào nhiều thực tế đang diễn ra trong đời sống. Lựa chọn này dễ dẫn đến sự trì trệ, nuôi dưỡng các cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, làm tiền đề cho chứng rối loạn âu lo và trầm cảm. Việc “lười” và náu mình trong thế giới riêng sẽ khiến người ta bỏ lỡ nhiều mối quan hệ tốt đẹp, nhiều điều thú vị của cuộc sống này.