Bạo lực giới trên mạng: Vấn nạn cần ngăn chặn!

Bạo lực giới trên mạng trở nên tràn lan và đem lại nhiều hậu quả khôn lường. (Ảnh: Internet)
Bạo lực giới trên mạng trở nên tràn lan và đem lại nhiều hậu quả khôn lường. (Ảnh: Internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi mở ra cánh cửa cho sự kết nối toàn cầu và trao đổi thông tin, mạng xã hội cũng đi kèm nhiều thách thức, trong đó có vấn nạn bạo lực giới trên mạng.

Bạo lực giới tràn lan trên mạng

Trong đời sống thông thường, người ta có thể bắt gặp bạo lực giới dưới nhiều hình thức: Sự nhục mạ, chửi bới, xúc phạm thân thể, phân biệt nam nữ, bủa vây về tinh thần, phong tỏa về kinh tế... đối với người khác giới yếu thế hơn mình. Còn trên internet, bạo lực giới thể hiện dưới nhiều hình thức như tung tin đồn, kỳ thị đến quấy rối trực tuyến và xâm phạm quyền riêng tư, phân biệt đối xử hướng đến những khác biệt về giới tính. Những hành động này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của nạn nhân mà còn góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến độc hại và không an toàn.

Đáng nói là những năm qua, bạo lực giới đang xuất hiện nhan nhản, tràn lan trên mạng xã hội, phổ biến đến mức đôi khi người ta khó lòng nhận diện được nó. Như vừa qua, một cô gái trẻ đã bức xúc lên tiếng trước một thực trạng không hay thường diễn ra trên mạng xã hội, đó là trên các hội, nhóm trực tuyến, khi có những cô gái Việt công khai khoe bạn trai hoặc chồng nước ngoài, lập tức liên tục có những bình luận rất khiếm nhã xoay quanh chuyện tình dục nhằm hướng đến chỉ trích người phụ nữ Việt “sính ngoại”. Bài viết này đã nhận được sự đồng tình của không ít cư dân mạng.

Sự tấn công giới tính trên mạng thường hướng đến những đối tượng yếu thế, như phụ nữ, trẻ em, người đồng tính. Đã không ít lần, người ta bắt gặp những bình luận cực kì thô tục, bậy bạ khi một cô gái đăng ảnh có chút gợi cảm lên mạng. Chủ nhân những tấm ảnh ấy không chỉ bị gạ gẫm mà còn bị phân tích chê bai các bộ phận cơ thể, nói xấu về nhân phẩm, hình ảnh được chia sẻ tràn lan với những lời nói thiếu tôn trọng.

Ngay cả đối với những nạn nhân của các vụ việc bị xâm hại, khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, cũng là lúc những cuộc tấn công nhằm vào giới tính bắt đầu. Không ít lời ác ý cho rằng, nạn nhân bị xâm hại là bởi ăn mặc thiếu đứng đắn, hoặc cố tình “câu dẫn” hung thủ, hoặc không chịu phản kháng đúng mực...

Trong khi đó, đối với những người thuộc “giới tính thứ ba”, cho dù giờ đây xã hội đã có những suy nghĩ cởi mở và tiếp nhận sự khác biệt về giới, thế nhưng trên mạng xã hội, nạn bắt nạt giới vẫn không hề suy giảm. Những người công khai giới tính thật của mình, cho dù là người nổi tiếng hay không, vẫn đứng trước những lời xúc phạm, đe dọa của một bộ phận cư dân mạng. K.T., một người mẫu chuyển giới cho biết, cho dù nhận được nhiều thông cảm và sự hâm mộ từ phía khán giả, nhưng cạnh đó, cô vẫn bị tấn công bởi những bình luận đầy ác ý như “thằng pe-de làm nhục gia đình dòng họ” hoặc “trai biến thành gái không biết xấu hổ à”... Nhiều người cố ý gọi bằng cái tên nam lúc chưa chuyển giới, đổi tên hoặc gửi hình ảnh cũ của cô vào bình luận để bêu riếu. Một số người còn gửi những tin nhắn hăm dọa, sỉ vả khiến người mẫu chuyển giới “mất ăn mất ngủ”.

Mặc dù được coi là giới tính mạnh mẽ, ít phải chịu những hậu quả do bất bình đẳng giới gây ra, nhưng không phải vì thế mà nam giới không bị bạo lực giới trên mạng. Bạo lực giới trên mạng dành cho nam giới có rất nhiều hình thức, đó là việc người nam bị “ném đá” khi không có được sự “chuẩn men” như quan niệm của số đông, hoặc không thể hiện được bản lĩnh đàn ông ở những tình huống nhất định, hay lựa chọn phong cách thời trang phi giới tính... Cách đây không lâu, một chàng trai trẻ đã bị “ném đá” thậm tệ khi không đứng dậy nhường chỗ cho một cô gái trên xe bus. Mặc dù sau đó, chàng trai này đã lên mạng để giải thích tình huống rằng hôm đó anh bị mệt và cần ngồi để nghỉ ngơi, nhưng một bộ phận dư luận vẫn không chịu buông tha.

T.H.Q. (25 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh) một nạn nhân của bạo lực giới đã chia sẻ câu chuyện của mình: “Lần đó tôi bị bạn gái nói lời chia tay trong một quán cà phê, vì xúc động, không cam lòng tôi khóc và quỳ xuống níu kéo bạn gái. Tình cờ khách trong quán cà phê quay được cảnh ấy, đăng lên mạng với lời lẽ ác ý. Thế là tôi bị cộng đồng mạng tấn công, họ chỉ trích tôi hèn, yếu đuối, làm nhục cho cánh đàn ông... Một thời gian tôi trở thành miếng mồi cho dư luận, bị sang chấn tâm lý và phải đi gặp bác sĩ tâm lý để điều trị”.

Bạo lực giới trên mạng biến đổi không ngừng

Giờ đây, bạo lực giới trên mạng cũng trở nên hết sức tinh vi, lắt léo khi không còn giới hạn trong những cuộc tấn công, những lời chửi bới, bình luận khiếm nhã hay xâm phạm đời tư cá nhân mà “ẩn nấp” trong những nội dung khác, tưởng chừng “vô hại”.

Có thể dễ dàng bắt gặp những video clip hài hước trong đó nhân vật nam giả gái một cách lố lăng, hay các video có nội dung phóng đại những tính cách không hay của phụ nữ, đem thân thể phụ nữ ra để cợt nhả. Cạnh đó là các tiểu phẩm hài tình huống thường cho các nhân vật đóng vai giới tính thứ ba, mô phỏng cách ăn nói, đi đứng của họ qua lăng kính giễu nhại, lố lăng. Những trường hợp này không chỉ xuất hiện trên các clip đùa cợt trên mạng mà xuất hiện hẳn trên những gameshow truyền hình danh tiếng với hàng triệu khán giả xem. Cần khẳng định là, đó cũng là “bạo lực giới” một cách hết sức tinh vi, khó nhận thấy rõ.

Còn có những cách bạo lực khó nhận biết khác “núp bóng” các chuẩn mực xã hội như chuẩn mực về đạo đức, ngoại hình, hành xử... Những cách thức tinh vi này dần dà “thao túng tâm lý” người dùng mạng, khiến cho họ chấp nhận nó như một điều bình thường, khiến cho nạn nhân của bạo lực giới trên mạng cũng không nhận ra rằng mình đang bị xâm hại đến nhân phẩm, quyền lợi. Chính bản thân người yếu thế, là nạn nhân đôi khi cũng tham gia vào những cuộc bắt nạt giới tính trên mạng hướng đến các nạn nhân khác. Chính vì thế, bạo lực giới trên mạng cũng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, biến ảo khôn lường và đe dọa đến an nguy của mọi người, mọi giới.

“Bạo lực kỹ thuật số cũng là bạo lực. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, phải an toàn và không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cùng nhau, chúng ta có thể khẳng định quyền cơ thể của mình và chấm dứt tình trạng xâm hại trực tuyến”, ông Matt Jackson nhấn mạnh. Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã phát ngôn tại Khoá tập huấn nâng cao về Quản lý ca hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới diễn ra vào tháng 10 vừa qua.

Bạo lực giới không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân mà còn tạo nền tảng cho sự phân biệt đối xử và bất công trong xã hội, và nền tảng trực tuyến càng giúp cho phạm vi của bạo lực giới trở nên mênh mông hơn, hậu quả cũng nặng nề hơn. Bạo lực giới trực tuyến có thể kéo ghì những thành tựu của đấu tranh cho bình đẳng giới, tác động tiêu cực đến đời sống. Nó có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, tăng tỷ lệ tự tử và ảnh hưởng đến sự nghiệp và mối quan hệ xã hội của nạn nhân.

Chính vì thế, đấu tranh chống bất bình đẳng giới, ngăn chặn bạo lực giới không thể bỏ qua việc đấu tranh trên không gian mạng. Điều này cần đến nhiều chiến lược cần và đủ, như là sự tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, nâng cao giáo dục nhận thức, và cả chế tài pháp luật cho hành vi vi phạm. Cạnh đó, rất cần đến sự nỗ lực của các bên như các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp chung tay đóng góp vào việc xây dựng môi trường an toàn trực tuyến. Điều này bao gồm việc thiết lập các chính sách an toàn, công nghệ lọc và giám sát để ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực giới trực tuyến.

Theo báo cáo năm 2023 của Trung tâm Đổi mới Quản trị quốc tế (CIGI), trong hơn 18.000 người trên toàn cầu, gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 25% trong số họ bị nhắm đến vì bản dạng giới của mình.

Trong số những người được hỏi đã trải qua bạo lực trên không gian mạng và là người chuyển giới hoặc đa dạng giới, có 30% báo cáo những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm cả mong muốn sống.

Trong khi đó, gần 30% phụ nữ báo cáo gặp những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. 23% cảm thấy không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng. Nghiên cứu của UNFPA cho thấy, ngôn ngữ bạo lực và kỳ thị phụ nữ ngày càng tăng trên mạng xã hội trên khắp thế giới.

Đọc thêm

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024
(PLVN) -  Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Công đoàn Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 95 năm thành lập và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn. Các hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn đã không chỉ củng cố niềm tin của người lao động, mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi
(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

(PLVN) - Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..