Nuông chiều quá mức có thể tạo ra sự vô ơn, vô cảm
Mạng xã hội hàng ngày xuất hiện không ít video về hành xử lệch chuẩn của những đứa trẻ khi đến nơi công cộng. Từ việc trẻ chạy nhảy, phá vỡ đồ của người khác, tự ý đập phá, dịch chuyển đồ đạc nơi công cộng, cho đến những hành vi nghiêm trọng hơn như tự ý động chạm, phá hoại hiện vật khi thăm quan bảo tàng. Có trường hợp, trẻ con giẫm chết vật nuôi nhà hàng xóm. Điều đáng nói là, trong những trường hợp đáng trách ấy đều có sự chứng kiến, dung túng, thậm chí bênh vực của các bậc cha mẹ.
Trẻ gây ra những sự việc bức xúc nơi công cộng chỉ là một phần của câu chuyện nuông chiều, dung dưỡng con cái mà một bộ phận cha mẹ Việt đang mắc phải. Còn rất nhiều hành xử có thể kể đến cho thấy sự chiều chuộng đến mức quá đà của các bậc cha mẹ. Đó là sẵn sàng mắng chửi, lên mạng bôi nhọ nhà trường, hành hung cả thầy, cô giáo chỉ vì con mình mắc lỗi bị phạt, cùng con mình đánh đập trẻ khác chỉ vì con mình xô xát với bạn,...
Trong đời sống hàng ngày, nhiều bậc cha mẹ thường bỏ qua những hành vi “nhỏ nhặt” của trẻ, như nói chuyện trống không, kén ăn, sử dụng thiết bị điện tử thoải mái, quậy phá nơi công cộng, bắt nạt bạn bè hay đòi hỏi những thứ vô lý. Có những bậc cha mẹ chiều chuộng con vô độ, bênh vực con bất chấp và thỏa mãn mọi mong muốn của con từ khi con còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng tính cách và hành vi của trẻ được định hình ngay từ những năm đầu đời, thông qua những thói quen sống và những điều trẻ tiếp nhận hàng ngày. Từ 6 - 10 tuổi chính là độ tuổi định hình nhân cách của một con người, hình thành nên nếp sống và bắt đầu tiếp thu các quy tắc của xã hội. Chính vì thế, những lời nói thô lỗ không được sửa, những hành động sai trái không bị nhắc nhở sẽ dần trở thành thói quen và hình thành nên tính cách lệch lạc, thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn đạo đức...
Giúp con sống có kỷ luật và trách nhiệm
Các bậc cha mẹ thường đổ sự dễ dãi trong cách nuôi dạy con bằng hai lý do phổ biến: Sự bận rộn hoặc tình yêu thương. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều cha mẹ phải “quay cuồng” với guồng quay công việc, không có đủ thời gian quan tâm, dạy dỗ con. Họ chọn cách thỏa hiệp, đáp ứng mọi yêu cầu của con để “bù đắp” cho sự thiếu vắng của mình. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh lầm tưởng rằng yêu thương con là không để con phải chịu bất kỳ khó khăn nào. Nhưng thực tế, sự dung dưỡng ấy chỉ khiến trẻ thêm yếu đuối, ích kỷ và dễ dàng buông bỏ trước những thử thách của cuộc sống.
Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường không có kỷ luật sẽ khó trở thành người có trách nhiệm. Chúng không biết cảm thông, không hiểu giá trị của lao động, không trân trọng những gì mình có. Trong xã hội, những người trẻ lớn lên từ sự giáo dục ấy sẽ dễ dàng buông bỏ mối quan hệ, công việc, hay trách nhiệm gia đình chỉ vì không phù hợp với ý mình. Mà điều dễ dàng nhận thấy hiện nay, là một bộ phận những người trẻ được gọi là “Gen Z”, “Gen Y” không nỗ lực phấn đấu trong công việc, sẵn sàng bỏ việc khi gặp trắc trở.
Đáng nói, chính các bậc cha mẹ là những người phải nhận lấy bi kịch vì sự thiếu giáo dục con cái chuẩn mực. Những hành vi ngỗ ngược, vô tâm, hay thậm chí là bạo lực gia đình của nhiều đứa con dành cho cha mẹ xảy ra trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nét cho hậu quả của hành trình “gieo hạt” sai lầm của phụ huynh.
Nhưng trên hết, những người phải chịu hậu quả nặng nề từ sai lầm trong giáo dục của cha mẹ chính là những đứa trẻ. Sự nuông chiều vô độ, giáo dục lệch lạc tạo ra những con người vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm với cuộc sống, không biết cách ứng xử đúng đắn với người khác và hoang mang, lạc lối trên con đường đi của chính mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, yêu con chưa bao giờ đồng nghĩa với chiều con. Điều quan trọng nhất trong giáo dục trẻ chính sự là nghiêm túc và nhất quán, giúp con phân biệt rõ đúng, sai và hậu quả của hành vi sai trái, giúp con trở thành một người sống có kỷ luật và trách nhiệm. Điều này chỉ có thể thực hiện khi các bậc cha mẹ cũng trang bị cho mình nhân sinh quan đúng đắn, kiến thức và kỹ năng ứng xử trong đời sống xã hội. Chỉ khi có một nền tảng giáo dục đúng đắn từ gia đình, những đứa trẻ mới có thể lớn lên và trở thành những con người biết yêu thương, biết sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.