Hoạt động thâm canh nông nghiệp khiến đất có xu thế bị chua hóa
Theo báo cáo, năm 2023, có khoảng 62,1 triệu người dân sống ở vùng nông thôn, chiếm 61,9% dân số toàn quốc. Ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hoạt động làng nghề…
Năm 2023, tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ hoạt động trồng trọt là 94,42 triệu tấn; 72 nghìn tấn chất thải nhựa từ vỏ bao bì thức ăn chăn nuôi và có xu hướng tăng. Năm 2023 chỉ 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT); 20,9% làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn (CTR) công nghiệp. Phần lớn nước thải, CTR từ làng nghề bị thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, gây tác động xấu tới cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường.
Mức phát sinh CTR sinh hoạt nông thôn năm 2023 khoảng 29.734 tấn/ngày; tỷ lệ được thu gom, xử lý khoảng 77,69%, số còn lại bị xả thải trực tiếp ra môi trường. Một số khu vực có tỷ lệ CTR sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý còn thấp như Trung du và miền núi phía Bắc (dưới 50%), Tây Nguyên (dưới 30%).
Báo cáo cho biết, hầu hết khu vực quan trắc chất lượng đất chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp. Ở miền Bắc là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của Nhà máy hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), miền Trung là khu công nghiệp Phú Bài (Bình Định), Liên Chiểu (Đà Nẵng), miền Nam là các khu công nghiệp dọc sông Sài Gòn, Vàm Thuật, Nam Tân Uyên, Long Thành.
Kết quả quan trắc ghi nhận đất nông nghiệp gần các khu vực trên có nguy cơ cao bị ô nhiễm kim loại nặng Cu, Pb, Zn, Cd, Hg. Một số vị trí có thông số kim loại nặng vượt giới hạn 1,1 - 1,8 lần.
Báo cáo cũng đánh giá các hoạt động thâm canh nông nghiệp cũng khiến đất có xu thế bị chua hóa, hàm lượng hữu cơ giảm dần, có hiện tượng phú dưỡng lân (sử dụng quá nhiều phân bón vượt quá khả năng tự điều hòa của đất - NV), ô nhiễm nitrat, nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng và đã ghi nhận tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong đất. Tình trạng ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật có thể tích lũy vào nông sản, thực phẩm, gây ngộ độc thực phẩm và những tác động lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, hoạt động của các làng nghề cũng như từ nguồn rác thải nhựa được đánh giá là nguy cơ gây ô nhiễm đất. Còn nguy cơ khác được cảnh báo là ô nhiễm nhựa với 257.000 tấn màng phủ dùng trong nhà màng, màng lưới và nhựa trong hệ thống tưới tiêu thải ra môi trường mỗi năm.
Chất lượng nước mặt có dấu hiệu bị suy giảm
Báo cáo đánh giá chất lượng nước mặt ở hầu hết vùng nông thôn có thể sử dụng được cho mục đích nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu, nhiều nơi đạt yêu cầu cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, ở một vài nơi, chất lượng nước mặt có dấu hiệu bị suy giảm, thậm chí ghi nhận ô nhiễm.
Vấn đề nổi cộm, ghi nhận ở hầu hết địa phương từ Bắc vào Nam, là tình trạng ô nhiễm nước mặt tại các kênh, mương nội đồng do tiếp nhận nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi.
Kết quả quan trắc 387 mẫu trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội năm 2023 thì 180 điểm ô nhiễm BOD5, 229 điểm ô nhiễm COD, 125 điểm ô nhiễm TSS, 288 điểm ô nhiễm nitrit, 174 điểm ô nhiễm phốt phát, 109 điểm ô nhiễm amoni. Các sông cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm. Như tại điểm Đào Xá, sông Ngũ Huyện Khê và điểm trên sông Nhuệ chảy qua ngoại thành Hà Nội chất lượng nước ở mức xấu đến rất xấu (mức C-D).
Ô nhiễm môi trường tại một làng nghề thu gom tái chế nhựa (Ảnh: Xuân Hợp) |
Môi trường nước mặt nông thôn vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động bởi nước thải từ hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản. Hàm lượng các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh cao do thức ăn dư thừa, xác thủy sản, chất thải vượt khả năng tự làm sạch của nguồn nước.
Về chất lượng không khí, báo cáo đánh giá chất lượng không khí ở vùng nông thôn thường xuyên ở mức tốt, nhưng đã ghi nhận ô nhiễm cục bộ. Vùng nông thôn miền Bắc có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, bụi mịn PM 2,5 tăng cao, có trạm vượt 3,5 lần quy chuẩn. Khu vực ô nhiễm nhất là các làng nghề, khu vực gần khu công nghiệp, khu vực khai thác và vận chuyển khoáng sản.
Báo cáo đưa ra một số đề xuất, giải pháp như đẩy mạnh công tác BVMT nông thôn gắn với việc triển khai tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nông thôn. Huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư cho hoạt động BVMT nông thôn; tiếp tục xây dựng, thí điểm, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng tham gia công tác BVMT…
Báo cáo đề xuất triển khai các giải pháp ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với BVMT và phát triển bền vững. Tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn, chất thải nông nghiệp và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng. Kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề…
Theo báo cáo, lượng nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phát sinh trong trồng trọt là gần 624.000 tấn năm 2023. Tính trên mỗi ha, nông dân thải ra môi trường 1 - 1,5kg bao bì BVTV với trồng lúa; còn hoa màu và cây công nghiệp thải gấp 2 - 3 lần.
Tuy nhiên, chỉ 40% bao bì thuốc BVTV được thu gom xử lý. Trong đó, gần 18% đem đốt, còn lại xử lý như chất thải thông thường. Dù bao bì này thuộc nhóm chất thải nguy hại, thường bị vứt ngay tại bờ ruộng, góc vườn, có khi vứt xuống ao, hồ, đầu nguồn nước sinh hoạt.
Theo quy định, tối thiểu 3ha trồng cây lâu năm phải có 1 bể thu gom để xử lý loại chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hiện có 42 tỉnh, thành bố trí gần 58.000 bể thu gom, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.