“Sợ con không có tương lai”?
Theo trình bày của chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1982, tạm trú phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), do hoàn cảnh quá khó khăn nên vào tháng 11/2016, khi hạ sinh được một bé gái, vợ chồng chị đã đem cho người khác vì sợ không nuôi nổi.
“Khi tôi đang nằm trong bệnh viện chờ sinh thì có một người phụ nữ lạ mặt tìm tới nói chuyện, xin con. Lúc đó tôi không đồng ý vì con mình dứt ruột đẻ ra, chẳng đành đoạn nào rời xa. Thế nhưng, sau một thời gian suy nghĩ, tôi nhận thấy cuộc sống của mình quá khốn khó, sợ sau này con không có tương lai nên đành chấp nhận”, chị Hiền trình bày.
Cũng theo lời chị Hiền, sau khi cho con, chị được người phụ nữ lạ nói trên trả thay viện phí và đưa thêm 20 triệu để bồi dưỡng. Trong quá trình cho nhận con, hai bên đã “làm giấy tờ”. Dù vậy, vẫn có người xì xào rằng vợ chồng chị bán con chứ không phải cho.
Bên cạnh đó, dư luận còn bày tỏ thái độ không đồng tình với cách cho con của vợ chồng chị Hiền. Bởi lẽ vợ chồng chị còn trẻ, khỏe, đủ sức để kiếm các công việc vừa phù hợp với trình độ, vừa có đủ tiền để nuôi nấng các con như phụ quán cơm, phụ hồ…
Chị Hiền thì phân trần cho rằng: “Bà con nói vậy oan cho tôi lắm, vợ chồng tôi nghèo, lại nuôi 3 con thơ nheo nhóc, bữa no bữa đói. Bởi vậy, khi sinh đứa thứ tư, tôi lo sợ con không có tương lai nên mới cho người khác chứ ai đành đoạn mà bán con được. Về công việc, tôi chẳng có người thân thích nên không có ai trông các con thơ giùm. Bởi vậy mấy năm trước, tôi không thể đi làm mà phải đưa các con ra chợ xin tiền để trang trải cuộc sống. Cuối năm 2016, tôi đi lượm ve chai. Đến nay, tôi đã chuyển sang bán vé số mưu sinh rồi”.
Người phụ nữ này cho biết thêm, bản thân chị và chồng mình - anh Nguyễn Hoàng Tú (SN 1980) đều không biết chữ. Khi cho con, cả hai đều điểm chỉ vào một tờ giấy mà người lạ kia bảo là “giấy xác nhận cho -nhận con”.
Tuy nhiên, họ không biết được nội dung cụ thể bên trong như thế nào. Bên cạnh đó, vợ chồng anh chị cũng chẳng biết được người nhận con mình là ai, ở đâu, làm gì, chỉ nghe loáng thoáng là đôi vợ chồng hiếm muộn ở TP HCM.
“Đôi lúc nhớ con, tôi muốn gặp mặt, muốn biết con sống ra sao, có được người ta thương yêu hay không nhưng chẳng biết đâu mà tìm. Người trực tiếp đến giao tiền và nhận con chỉ là người môi giới. Có lẽ họ sợ khi con lớn lên, chúng tôi nói ra sự thật rồi đưa con về nên mới giấu địa chỉ”, chị Hiền tâm sự.
Trao đổi với PV về vụ việc, bà Bùi Thị Nguyên Thủy, Chủ tịch UBND phường An Bình cho biết, gia đình chị Hiền thuộc diện khó khăn. Hộ gia đình này không có địa chỉ tạm trú ổn định, thường xuyên di chuyển chỗ ở nên địa phương không thể hỗ trợ được.
“Phía địa phương mới nghe thông tin về việc chị Hiền đem con cho người khác sau khi sinh. Tuy nhiên địa phương chưa xác minh, làm rõ vấn đề này. Hoàn cảnh chị Hiền rất nghèo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này nhưng một phần cũng do họ không thực sự chú tâm lao động khi tuổi đời còn đang trẻ. Nếu hai vợ chồng chăm chỉ làm việc, nếu không dư giả thì cũng chẳng đến nỗi phải lâm vào hoàn cảnh quá túng thiếu”, bà Thủy trao đổi.
Vợ chồng anh Tú chị Hiền cho hay mình cùng cảnh không cha mẹ, sống bụi đời, mù chữ |
Cứ thấy người lạ là… xin tiền
Cũng theo lời bà Thủy, vào giữa năm 2016, UBND phường An Lạc tiếp nhận thông tin về việc có 3 đứa trẻ còn rất ít tuổi, ngồi xin tiền ở chợ thị xã Buôn Hồ. Sau đó, chính quyền địa phương đã cử cán bộ đi xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của các cháu nhỏ để có biện pháp can thiệp.
Theo kết quả xác minh, cả 3 cháu nhỏ thường ngồi xin tiền giữa chợ gồm Nguyễn Văn Tuấn (khoảng 6 tuổi), Nguyễn Thị Phượng (khoảng 3 tuổi) và Nguyễn Văn Đạt (khoảng 1 tuổi), các cháu đều là con của vợ chồng anh Tú - chị Hiền.
Công an phường An Bình đã mời hai vợ chồng này đến trụ sở để làm bản cam kết, không để tình trạng trên tiếp tục xảy ra, làm ảnh hưởng tới sức khỏe của các cháu. “Từ khi làm bản cam kết đến nay, gia đình chị Hiền không để các con ra chợ ăn xin nữa”, Thượng úy Hồ Vĩnh Tùng, Trưởng công an phường thông tin.
Khi PV trở lại căn nhà nơi vợ chồng chị Hiền tá túc để hỏi thêm một số vấn đề cũng là lúc anh Tú dẫn các con đi chơi về. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt PV chính là hình ảnh 3 đứa trẻ trong bộ dạng lem luốc, cáu bẩn, đầu tóc bù xù í ới nói cười. Vừa thấy người lạ đến, đứa con trai đầu của vợ chồng chị Hiền liền chạy tới, xòe tay ra rồi nói: “Chú ơi chú, chú cho con xin tiền”.
Đứa bé vừa dứt lời, anh Tú chạy tới lôi con vào đánh đít vài cái rồi quay lại nhoẻn cười phân bua: “Từ nhỏ cháu đã theo mẹ ăn xin nên quen rồi, thấy ai lạ nó cũng xin vậy chú đừng để ý”.
Kể về quá khứ của mình, anh Tú cho biết, anh sinh ra ở tỉnh Long An nhưng không nhớ rõ địa chỉ xã, huyện. Từ nhỏ anh đã chẳng thấy bố đâu. Năm lên 7 tuổi, anh được mẹ dẫn lên TP HCM rồi đem cho một người đàn ông hành nghề đạp xích lô. Không lâu sau, người đạp xích lô lại đem anh cho một người phụ nữ.
“Sau một thời gian cho đi cho lại, tôi được đưa vào cô nhi viện. Tại đây, có người nhận tôi làm con nuôi rồi đưa về TP Đà Nẵng. Tiếp đó, tôi lại được đưa lên Đắk Lắk cũng với thân phận con nuôi. Sống nhiều nơi với nhiều người nhưng không được ai yêu thương đúng mực, tôi cảm thấy thiếu thốn tình cảm rồi bỏ đi bụi đời”, anh Tú chia sẻ.
Người đàn ông này kể tiếp, khi ra lăn lộn giữa dòng đời, anh xin làm phụ xe khách tuyến Đắk Lắk – TP HCM. Khoảng năm 2007, anh xảy ra xích mích và đánh nhau tại Bến xe miền Đông (TP HCM) nên bị lực lượng chức năng bắt và đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Dương vì không có giấy tờ tùy thân. Tại đây, anh quen biết rồi nảy sinh tình cảm với chị Hiền.
Căn nhà nơi gia đình chị Hiền thuê trọ |
Vợ chồng cùng cảnh không cha mẹ
Cũng như anh Tú, chị Hiền sống lang thang từ nhỏ, chỉ biết nhà mình ở tỉnh Quảng Ngãi nhưng không rõ địa chỉ. “Lúc nhỏ, tôi theo mẹ vào Sài Gòn. Sau đó, hai mẹ con thất lạc nhau cho đến nay. Tôi lang thang nhiều nơi, làm nhiều việc để kiếm sống và cũng được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội”, chị Hiền kể.
Năm 2010, chị Hiền - anh Tú về chung sống như vợ chồng. Cả hai đều không có giấy tờ tùy thân nên không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chính vì lý do này, cộng thêm tâm lý chán nản, buông xuôi nên vợ chồng anh chị chẳng xin Giấy chứng sinh và không có động thái gì để làm Giấy khai sinh cho 3 đứa con đang sống trong gia đình.
Đến nay, hai đứa con lớn của anh chị đã đủ tuổi đi học. Thế nhưng, vì hoàn cảnh quá khó khăn, các cháu không được đến trường mà chỉ biết quanh quẩn trong căn nhà trọ bằng gỗ ọp ẹp, sống khổ cực.
Trong khi đó, anh Tú, chị Hiền chỉ biết than thân trách phận, họ cho rằng mình kém may mắn, gặp nhiều bất hạnh từ nhỏ, khi đến với nhau cùng cảnh cơ cực nên chưa ngóc đầu dậy nổi khiến các con khổ lây. Dư luận thì cho rằng, nếu vợ chồng anh Tú cùng đồng cam cộng khổ, cố gắng làm lụng thì cùng với sự giúp đỡ của chính quyền theo quy định, ít nhất họ cũng lo được cho một cháu đến lớp học hành tử tế.
Trao đổi về việc anh Tú, chị Hiền không có giấy tờ tùy thân, không Giấy kết hôn và các con cũng không có Giấy khai sinh, phía công an phường An Bình cho biết, đơn vị đã giải thích, hướng dẫn và vận động anh Tú nên xuống Bình Dương một chuyến, xin xác nhận của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh này về việc vợ chồng anh chị từng sinh sống tại đó.
Đồng thời, đến bệnh viện xin giấy chứng sinh và làm đơn xin xác nhận của chủ trọ, chính quyền cơ sở nơi mình tạm trú để công an phường tạo điều kiện, làm Giấy khai sinh, đảm bảo quyền lợi cho các cháu sau này. Tuy nhiên, vợ chồng anh Tú không thực hiện và có thái độ… mặc kệ.
Giải thích vấn đề này, anh Tú cho biết, anh không chắc tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương còn lưu tên tuổi của vợ chồng mình. Bên cạnh đó, hoàn cảnh anh khó khăn nên không muốn đi vì sợ tốn kém. Về việc xin giấy chứng sinh, anh Tú phân trần rằng, khi sinh hai đứa con trước, vợ chồng anh không đủ tiền chi trả viện phí nên phải trốn về, nay chẳng biết phải làm sao để xin giấy tờ cho các con.
Câu chuyện vì những lý do như thế, cứ rơi vào vong loanh quanh luẩn quẩn. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, có lẽ những đứa trẻ cũng sẽ đi theo “vết xe đổ” của cha mẹ, không học hành, không giấy tờ tùy thân…