TS Lan Hương cho biết nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đối với 10 đại diện cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ cho NKT, hiệp hội, tổ chức, trung tâm của NKT, phỏng vấn 5 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho NKT và 55 NKT trong độ tuổi lao động trên địa bàn Hà Nội.
Kết quả tổng hợp đến tháng 1/2016 chỉ ra NKT hiện nay gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường lao động như thiếu cơ hội việc làm, chưa được đào tạo nghề đúng mức cũng như tư vấn chọn nghề. Song song với đó là NKT thiếu thông tin tìm kiếm, lựa chọn công việc. Kênh tìm việc chủ yếu của họ thông qua giới thiệu của người thân, bạn bè. Thế nhưng NKT lại thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Nghiên cứu còn chỉ ra hạn chế trong chính sách bảo hiểm đối với NKT. Điển hình như chỉ 8,7% NKT tham gia BHXH bắt buộc, 2,1% tham gia bảo hiểm tự nguyện. Sở dĩ tỉ lệ thấp như trên bởi chúng ta chưa có chính sách về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động đối với NKT. Trong khi quy định số năm đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu là chưa phù hợp. Bên cạnh đó phải kể tới lí do NKT không có việc làm ổn định dẫn đến tỉ lệ tham gia BHXH thấp.
Tương tự, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, có tới 31% NKT chưa tham gia BHYT, hệ thống trang thiết bị chưa thực sự phù hợp với NKT. Ngoài ra NKT tham gia cuộc điều tra còn chia sẻ họ gặp khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng, khó khăn khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng như tham gia giao thông. Ví dụ khi đi xe buýt, xe khách, tàu hỏa và các cảng hàng không chưa có đầy đủ trang thiết bị phục vụ NKT.
Từ những đánh giá trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị như tăng cường giáo dục cho NKT, mở rộng sự hỗ trợ đối với tất cả nhóm NKT cũng như đồng bộ hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt cơ quan quản lý cần tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho NKT cũng như hỗ trợ NKT tham gia các hoạt động văn hóa xã hội.
Sau khi nghe trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, rất nhiều ý kiến ghi nhận đây là một trong những công trình công phu đầu tiên về chủ đề an sinh xã hội đối với lao động là NKT. TS Nguyễn Ngọc Toản, Cục phó Bảo trợ xã hội (BTXH, Bộ Lao động) ghi nhận kết quả nghiên cứu đã đề xuất khung cơ sở lý luận về an sinh xã hội đối với lao động là NKT. Từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước làm căn cứ rà soát, đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp thời gian tới, lâu dài là sửa đổi Luật NKT.
Tuy nhiên nhiều đại biểu đều băn khoăn về những kết quả nhóm nghiên cứu công bố. TS Toản nhận xét: Trong bối cảnh Việt Nam chưa có tổng điều tra về Người khuyết tật (NKT) khiến việc tổng hợp số liệu đánh giá thực trạng NKT nói chung và lao động là NKT nói riêng rất khó khăn. Và để khắc phục hạn chế trên, báo cáo sử dụng nguồn số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 để phân tích về một số đặc trưng (về tuổi, giới tính, trình độ văn hóa, tình trạng hôn nhân) đã phản ảnh được thực trạng về đặc trưng cũng như khó khăn trong tiếp cận an sinh xã hội của NKT.
Song việc sử dụng nguồn số liệu cách đây 7 năm rất có thể dẫn đến đưa ra những bằng chứng không sát thực tế hiện nay. Nhất là sau 5 năm thực hiện Luật NKT đã có rất nhiều chính sách, đề án liên quan đến NKT được thực hiện.
Để đảm bảo tính thực tiễn, đại diện Cục BTXH đề nghị nhóm nghiên cứu bổ sung số liệu 2010-2016. Trong giai đoạn này, các cơ quan quản lý đã có một số khảo sát mẫu với quy mô vài ngàn NKT như khảo sát của Cục BTXH năm 2011, năm 2015. Trong đó đã có phân tích thực trạng và các đặc điểm chung về việc làm, an sinh xã hội của NKT.
Giải đáp những thắc mắc trên, nhóm nghiên cứu chỉ ra hạn chế khi thực hiện đề tài chính là số liệu nghèo nàn. Chưa kể số liệu về quy mô NKT rất khác nhau và không thống nhất. Ví dụ theo Bộ dữ liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS năm 2006) có khoảng 5 triệu NKT chiếm 15,3% dân số. Còn theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì có 6,1 triệu NKT chiếm 7,8% dân số. Còn theo Bộ Lao động năm 2015, cả nước có 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số trong đó mới có 1,3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Trao đổi với PLVN, TS Hương giải thích kết quả nghiên cứu chỉ nhằm tạo nên bức tranh chung làm nền. Về số liệu, “cực chẳng đã” nhóm phải sử dụng số liệu thống kê từ năm 2009 vì không có số liệu nào khác. Bà Hương cho rằng hạn chế về số liệu không phải lỗi của nhóm nghiên cứu mà thuộc về cơ quan chức năng. Cụ thể ở đây là tổng cục thống kê qua thời gian dài vẫn chưa cập nhật số liệu.
TS Hương giải thích tiếp, trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, số liệu hạn chế thì kết quả nghiên cứu chỉ nhằm đưa ra thông tin nền và một số kết quả ban đầu: “Kết quả đưa ra vài điểm phát hiện vì mẩu khảo sát rất bé. Dù mẩu nhỏ nhưng là tiếng nói của người hưởng lợi nên vẫn có ý nghĩa. Dù vậy chúng tôi sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện đề tài trong thời gian sớm”, bà nói.