Nông sản “nóng” diễn đàn giá
Lần đầu tiên một hội thảo khoa học thường niên của các chuyên gia về chỉ số giá lại có sự “phá lệ” khi phần lớn nội dung bàn về “đầu ra” cho nông sản Việt Nam. Có vẻ hơi lạc đề, nhất là khi vấn đề này vừa được các Đại biểu Quốc hội làm nóng nghị trường tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Câu chuyện “người người đi bán dưa, nhà nhà đi bán hành tím” được các chuyên gia thạo các con số, công thức tính CPI đưa ra với những câu hỏi mang định tính nhiều hơn, kiểu như “có đóng góp gì vào xu hướng lạm phát không?”- TS Trần Kim Chung- (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW) đặt vấn đề.
Câu chuyện Bộ Công Thương đi bán dưa cũng được các chuyên gia đưa ra để kỳ vọng vào sự bắt đầu “vào cuộc” của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Khoa học (TSKH) Nguyễn Thị Hiền, tuy chậm và bị động nhưng “cũng gọi là bắt đầu”.
“Tất nhiên, Nhà nước không thể đứng ra “mua” nông sản giúp nông dân như đôi khi ta thấy yêu cầu này trên một số diễn đàn, nhưng Nhà nước có thể giúp tìm “đầu ra” cho nông sản do họ làm ra. Chính phủ nhiều nước đã làm tốt điều này…”- bà Hiền quả quyết.
“Chúng ta yếu là khâu thực hiện. Khi tất cả vào cuộc, bài toán nông sản cũng giải quyết được. Việc tiêu thụ vải thiều vừa rồi là một ví dụ. Cái yếu của chúng ta là thiếu thông tin, thiếu thị trường chứ không phải nông sản…”- Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú khẳng định.
Cần có cuộc cách mạng về phân phối
Rất nhiều giải pháp cho bài toán nông sản được đưa ra, từ quy hoạch, chất lượng, liên kết… song loanh quanh vẫn trở về câu chuyện “từ chủ trương đến thực hiện như từ đây lên Sao Hỏa”.
Trong khi các nước có kho hàng miễn phí cho nông dân thì ở Việt Nam, nông sản thu hoạch xong vẫn phải rải ra đồng chờ tư thương vào và “không bị ép giá mới là lạ”..
“Phải coi nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế quốc dân, coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trước hết là CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn. Nhà nước phải đầu tư một tỷ lệ thích đáng vào nông nghiệp như cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, kho bến bãi, chợ, siêu thị, các sàn giao dịch nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối, các kho dự trữ chiến lược về rau quả chủ lực ở nội địa cũng như ở biên giới các nước có giao dịch thương mại ở vùng biên giới…”- ông Phú đề nghị.
Theo ông Phú, người nông dân đang bị ép cả đầu vào và đầu ra, thị trường Hà Nội đang bị đắt hơn đầu ra của nông dân 1,5 lần. Do vậy, việc cần làm nhất hiện nay là cần có một cuộc cách mạng trong phân phối, từ khâu bán lẻ, bán buôn và tiêu thụ sản phẩm ngay ở thị trường nội địa...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải có giải pháp nào để nông sản đi từ sản xuất đến tiêu thụ qua ít khâu trung gian. Làm như vậy mới nâng giá mua cho người sản xuất và giảm giá bán cho người tiêu dùng một cách hợp lý, có như vậy mới ổn định sản xuất lâu dài cho người nông dân.
“Hơn ở đâu hết, đầu ra cho nông sản ở Việt Nam là đặc biệt cấp bách. Đã đến lúc cả bộ máy phải chung tay tạo nên sự bứt phá cho nông nghiệp Việt Nam…”- TSKH Nguyễn Thị Hiền đề nghị.
Bộ Công Thương thừa nhận yếu kém trong khâu tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận việc giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp chưa tốt, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, phương thức tổ chức kinh doanh các mặt hàng nông sản còn mang tính chộp giật, nhỏ lẻ, khó quản lý, thiếu sự gắn kết với khâu sản xuất, thiếu sự hợp tác lâu dài với thị trường tiêu thụ cuối cùng, việc đầu tư vào bảo quản, chế biến rất hạn chế, các DN xuất khẩu nông sản trong nước chưa có sự liên kết, phối hợp để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu mà ngược lại thường có sự cạnh tranh không lành mạnh bằng việc bán phá giá dẫn tới hại cho bản thân, DN khác và Nhà nước, đặc biệt khi thị trường nhập khẩu áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá.
Thời gian tới, Bộ cần tổ chức lại hoạt động kinh doanh nông sản, lấy các DN có thị trường tiêu thụ làm nòng cốt để triển khai các chương trình, dự án, các chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững…