Đi bán hàng kiểu Movitel
Nằm ở phía Tây Mozambique, ven con sông Zambezi huyền thoại, Tete là “thủ phủ” chăn nuôi gia súc và trồng bông vải, vừng, thuốc lá, đồng thời là trung tâm vận tải của các khu vực mỏ than, vàng và uranium. Thu hút một lượng đông đảo công nhân (làm việc tại thủy điện và các mỏ) cùng với một lượng công chức có mức lương khá cao (khoảng 700 USD/tháng) nên các công ty viễn thông coi Tete là thị trường trọng điểm.
Ở Tete, “cuộc chiến giành thị phần” mới thực sự khốc liệt. Một báo cáo thị trường cho thấy nhà mạng Mcel do Nhà nước Mozambique đầu tư đã mở dịch vụ ở đây từ năm 2003 và nhà mạng Vodaphone cũng có “thâm niên” tương tự. Hầu hết công chức ở Tete đều đang sử dụng dịch vụ của 1 trong 2 nhà mạng lâu đời này. Bởi thế, khi nghe Trần Trung Hiếu, Giám đốc chi nhánh Tete “báo cáo”: “Movitel đang đứng số 1 ở Tete về thuê bao (chiếm 44% thị phần)”, tôi không khỏi nhìn anh chàng trông củ mỉ cù mì này bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Hiếu khá kiệm lời nên có vẻ anh muốn chúng tôi “nhìn” hơn là “nghe” cách Movitel làm thị trường ở Tete. Sớm ấy, Hiếu “rủ” chúng tôi đi chợ phiên, kéo theo là anh chàng giám đốc người bản địa Goncalves Faustino Afonso. “Bán hàng ở thủ phủ thì ổn định bình thường, mỗi công chức của Tete đều mua 1 sim của Movitel để dự phòng dùng khi vào những khu vực không có sóng. Họ đã dùng 2 mạng kia lâu nên không thể bỏ ngay. “Tài năng” của người bán hàng thể hiện ở các chợ phiên, bán hàng D2D và bán hàng vào vụ mùa”, Hiếu chia sẻ.
Vượt qua những con đường xa ngút ngát, chúng tôi tới khu làng có tên Marara lúc mặt trời vừa lên đỉnh ngọn cây bao báp, chợ phiên đang đến hồi đông đúc. Những chiếc xe tải chạy lòng vòng, trên xe có gắn radio phát nhạc vui tai thỉnh thoảng xen vào các đoạn quảng cáo dịch vụ mới của Movitel. Hiếu bảo người dân ở các vùng sâu, xa như Marara không biết chữ nên quảng cáo bằng tờ rơi là không hiệu quả. Radio là “kênh” duy nhất để người dân tiếp cận với thông tin. Mỗi huyện có một đài truyền thanh và trên tất cả các xe ô tô, kể cả xe tải đều phải gắn radio (không có radio, xe không được đăng kiểm). Sử dụng radio để truyền thông các gói dịch vụ mới là phương thức hữu hiệu mà chi nhánh Tete áp dụng.
Quanh quầy hàng màu cam của đội bán hàng lưu động chi nhánh Tete, hàng chục người dân bản địa vây vòng trong vòng ngoài xem điện thoại và nghe nhân viên người bản địa hướng dẫn cách sử dụng sim thẻ cào. Afonso cho biết một phiên chợ bán được khoảng 70 chiếc điện thoại và vài trăm sim, thẻ cào. Còn muốn bán được nhiều hơn, phải đợi tới lúc các nhà máy xuống thu mua nông phẩm. “Họ mang xe tải xuống cân, mua nông phẩm tại ruộng, trả tiền tại ruộng. Lúc này, chi nhánh cũng cho xe ô tô tới đỗ bên cạnh chỗ nhà máy trả tiền cho người dân để bán sim, thẻ, điện thoại. Họ nhận tiền bên này và mang sang bên xe mình để mua, không khí nhộn nhịp lắm”, Hiếu kể.
Còn Afonso thì cho biết thêm, Tete là tỉnh nóng nhất Mozambique, 3 tháng mùa hè nhiệt độ trung bình là 45 độ. Nóng thế nhưng đó lại là “mùa bán hàng cao điểm” của chi nhánh Movitel tại Tete. Cứ tới vụ mùa, toàn bộ cán bộ, nhân viên của chi nhánh đều “ra đường” từ tờ mờ sáng và về khi đêm đã khuya. Hết vụ mùa, hàng trăm nhân viên, cộng tác viên của chi nhánh lại tỏa đi khắp nơi bán hàng D2D, bán quanh trạm phát sóng. Vẫn là phương thức “chăm chỉ, nhặt từng thuê bao”, không ngại khó, ngại khổ, thâm nhập, tiếp cận người tiêu dùng ở các địa bàn khó, chi nhánh Tete đem về 260 ngàn thuê bao ổn định, doanh số 1 triệu đô la/ tháng, đứng trong Top đầu của Movitel tại Mozambique.
Nhân viên kỹ thuật của Movitel kéo dây, dựng trạm phát sóng – những cây bao báp màu cam của thời kỳ kết nối trên đất nước Mozambique. |
Chuyện tìm dấu người qua cột BTS và bản lĩnh “cây bao báp màu cam”
Đường sá ở Tete vừa xa vừa khó, có khi đi từ 5h sáng mà 12h trưa mới tới được trung tâm một huyện. Cả tỉnh chỉ có 1 trục quốc lộ, còn lại là những con đường đất, có những nơi không thấy đường đi. Bên cạnh đó lại có dòng sông Zambezi nhung nhúc cá sấu nên mỗi lần anh em đi huyện, Hiếu phải dặn mọi người đi theo tuyến, mang theo máy định vị. “Anh em đi 2-3 ngày mà mất liên lạc thì mình phải cử người lần theo tuyến cáp và trạm phát sóng để tìm”, tôi nhìn Hiếu khi anh kể chuyện tìm dấu người theo trạm BTS và chuyện người bản địa nóng quá, xuống sông tắm bị cá sấu ăn thịt, cố đọc trong mắt anh một điều gì đó nhưng đáp lại tôi chỉ là ánh nhìn kiên định và bình thản. Hiếu bảo đi thị trường như thế này, tất cả mọi người ở Movitel đều chấp nhận và làm quen với việc ăn ngủ ở các trạm phát sóng, tự bảo vệ mình trước dịch bệnh, nhất là sốt rét.
Nghe Hiếu nói tôi mới nhớ trong khu nhà ở của người Việt ở chi nhánh Tete đâu đâu cũng dán một tờ giấy khổ A4 trên đó có dòng chữ “không có sốt rét ác tính, không có tử vong”. Có chặng đường nào trải bước trên hoa hồng mà những mũi gai không làm bàn chân người đi trên đó thấm những nỗi đau, câu chuyện cá sấu và tìm dấu người qua cột phát sóng sau đó cứ còn ám ảnh tôi mãi. Nó khiến tôi hiểu để tạo dựng nên hệ thống viễn thông phủ khắp Mozambique, những người Viettel ở Movitel đã nỗ lực và kiên trì đến thế nào.
Cũng giống như ở Niassa, sở dĩ chi nhánh Tete có thể cạnh tranh được với các nhà mạng truyền thống là do có vùng phủ sóng rộng lớn. Với 164 trạm sóng, mạng Movitel tại tỉnh Tete chiếm uy tín tuyệt đối trong khả năng kết nối và ổn định kết nối. Một lần nữa, chính sách “đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạng lưới mạnh mẽ, bao phủ cả nước và mở rộng cung cấp dịch vụ đến từng làng để các dịch vụ có thể đến với mọi người ở các quốc gia đó bất kể họ đang ở đâu và điều kiện thu nhập ra sao” của Viettel lại đúng. Chính quyền tỉnh Tete đã chủ động tiếp xúc và đề nghị chi nhánh Movitel tiếp tục triển khai các trạm sóng cho những huyện vùng xa của họ. “Không ai khác ngoài các bạn, chúng tôi tin các bạn và chúng tôi cần các bạn” - lãnh đạo tỉnh Tete đã tâm sự chân thành như vậy với lãnh đạo của Movitel.
Chúng tôi nghỉ chân dưới một cánh rừng bao báp lớn, nhặt trái bao báp rơi quanh gốc, Afonso bảo rằng nhờ những trạm phát sóng của Movitel mà người dân vùng này đã và đang được kết nối. Những trạm sóng chính là những “cây bao báp màu cam”, sừng sững dưới cái nắng như thiêu, hay những đêm dài lạnh buốt để kết nối Mozambique với nhau, và với thế giới.
Goncalves Faustino Afonso đang học để tiếp quản chi nhánh Tete với cương vị một giám đốc người bản địa trong một chương trình chuyển giao chưa từng có tiền lệ vì một mục tiêu lớn mà từ ngày đầu đặt chân tới thị trường, những người của Viettel đã hoạch định: “xây dựng một mạng viễn thông cho người Mozambique, biến viễn thông thành một loại hàng hóa thiết yếu cho tất cả mọi người và kết nối được xem như là một nhu cầu cơ bản cho tất cả mọi người”...
Xem tiếp kỳ cuối: Cuộc chuyển giao của những người chạy trước mặt trời