Tự nguyện gánh cực khổ
Ngôi nhà cấp 4 của ông Nguyễn Lên có 4 phòng, tổng diện tích khoảng 100m2 thì ông Lên đã dành hẳn hai phòng cho các cụ già bán vé số tá túc, nghỉ ngơi. Không chỉ miễn phí chỗ ở, mà giường chiếu, chăn nệm, điện nước sinh hoạt… tất thảy đều được ông Lên chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo.
Những cụ già tá túc nhà ông Lên, người nào cũng ngoài 70 tuổi, có người ngấp nghé 90, có người tật nguyền nhưng vẫn phải bươn chải nuôi thân. Ông Lên là chủ nhà, cũng là chủ đại lý vé số nhưng vẫn phải kiêm nhiệm chăm sóc và đưa đón các cụ già đến bệnh viện khám bệnh.
Mới đây, cụ Nguyễn Tuấn (86 tuổi, quê ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) đang ngủ lại nhà ông thì không may trở bệnh. Giữa đêm hôm, ông Lên vội vã đưa cụ Tuấn đến bệnh viện, sau đó mới liên lạc với người nhà cụ. Hay như cụ Võ Văn Bách (88 tuổi, quê ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) mới đây bị ngã sái chân, may mắn được ông Lên chăm sóc.
Khi được hỏi lý do khiến ông chẳng nề hà khó nhọc, tự nguyện cho các cụ già tá túc, rồi chăm sóc lúc đau bệnh, ông Lên chỉ xuống đôi chân không còn nguyên vẹn của mình rồi trả lời:
“Tôi là thương binh 1/4, tôi cũng thiếu đi một chân nên hiểu được sự khó nhọc, vất vả của những người tật nguyền, không còn nhiều sức khỏe. Tôi cũng đã từng như họ, phải vượt qua những ngày tháng vất vả kiếm sống, phải làm đủ mọi công việc đồng áng, chăn nuôi như những người lành lặn rồi mới có được ngày hôm nay”.
Nói rồi, ông Lên chỉ cho chúng tôi chiếc xe lăn, cặp nạng của cụ Bằng, chiếc xe lăn của con cụ Nở, chiếc xe đạp không xích, không líp xe của người đàn ông cụt hai chân tên Trọng, rồi cười hiền: “Đa phần họ không ai lành lặn, không ai còn trẻ, vậy mà vẫn phải lặn lội mưu sinh giữa mưa gió, thì hỏi sao mình không thương, không cưu mang”.
Dù giúp đỡ nhiều mảnh đời già yếu, nhưng ông Lên khiêm tốn bảo, không phải lúc nào cũng có thời gian chăm sóc cho họ lúc đau bệnh. Nhiều lúc, người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số. Tình người cứ thế san sẻ.
Ông Lên cho biết: “Tuy cuộc sống cơ cực, mọi sinh hoạt bó gọn trong hai căn phòng chật hẹp nhưng các cụ ở đây vẫn luôn yêu thương nhau. Họ cùng chia sẻ khó khăn, nỗi nhớ nhà để quên đi cuộc mưu sinh vất vả, nhiều tủi nhục nơi đất khách”.
Ngôi nhà chung của nhiều mảnh đời
Được mệnh danh là những người đi “bán hy vọng” cho mọi người, nhưng phần lớn những người đi bán vé số dạo đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, sự sẻ chia của người thương binh tốt bụng Nguyễn Lên như thắp lên niềm hy vọng cho hàng chục mảnh đời khó khăn, kém may mắn.
Cụ Bách tâm sự, nếu không được ông Lên cho ở lại miễn phí, hàng ngày sẽ phải đạp xe về nhà cả chục cây số. Cụ Nguyễn Bằng (86 tuổi, quê ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) bị cụt mất một chân, đi lại bằng xe lăn để bán vé số. “Một, hai tháng tôi mới về nhà một lần. Tài sản chỉ có chục bộ quần áo, tôi cũng mang luôn ra nhà cháu Lên để cất. Nói chung, không còn là tá túc, mà là tôi gần như ở hẳn nhà này”, cụ Bằng tâm sự.
Bán mỗi tờ vé số các cụ kiếm được cho mình 1.000 đồng, ngày nào bán hết vé, mỗi người cũng kiếm được từ 70.000 đến 100.000 đồng. “Vào những ngày mưa, bán vé số không được đành chịu ế, có người chịu đội mưa bán thì cũng kiếm được 30.000 đến 40.000 đồng”, cụ Bằng cho biết.
Ông Lên cho biết, ở đây hoàn cảnh người nào cũng khổ nên ai cũng có sự cảm thông, nương tựa lẫn nhau. Các bác, các cụ khuyết tật mà cảm thấy việc đi lại khó khăn được những người lành lặn đảm nhận đẩy những chiếc xe lăn chở đi.
Cuộc sống mưu sinh của các cụ già bán vé số nơi đây bắt đầu từ mờ sáng, họ len lỏi trên các tuyến đường đến khuya mới về. Nhiều cụ sức khỏe yếu nên trưa về tranh thủ nghỉ ngơi. Ngả lưng khoảng một tiếng đồng hồ, các cụ lại đi bán tiếp cho kịp giờ giao số còn lại.
Nhờ “ngôi nhà chung” của ông Lên, các cụ già neo đơn, hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn, tật nguyền không người chăm sóc được gặp nhau, cùng sống chung và san sẻ buồn vui trong cuộc sống. Những câu chuyện cứ thế như thoi đưa mỗi lúc họ ngồi bên nhau sau những giờ lao động cực nhọc, cùng mơ ước ngày mai bán được nhiều vé số để cuộc sống đỡ cực nhọc hơn…