Gian nan hành trình “lột xác”
Dọc theo tỉnh lộ 203 về hướng Tây Bắc cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, làng Hòa Mục ở xã Nà Sác, huyện Hà Quảng hiện ra với những mái nhà bê tông mọc san sát. Làng Hòa Mục hiện có 66 hộ dân và 228 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày sinh sống
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây đã có từ lâu đời. Đây là ngôi làng nổi tiếng, được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” miền sơn cước, nhiều hộ gia đình nhanh chóng đổi đời, khá giả. Nhìn bề ngoài, không ai có thể hiểu được rằng để thay đổi như hôm nay, làng Hòa Mục đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm để giữ nghề và phát triển.
Theo các cụ cao niên ở làng Hòa Mục cho biết, từ thuở xưa khi tổ tiên mang nghề về làng cho đến những năm 1990, nghề trồng dâu nuôi tằm đã trải qua bao thăng trầm, gian nan. Ban đầu không có ai quan tâm, mặn mà với nghề này bởi vì xung quanh chưa có hộ nào làm, không dám mạo hiểm phá bỏ ngô, lúa để làm một nghề mới lạ ẩn chứa nhiều rủi ro. Cho đến khi thấy người tiên phong nuôi tằm có thu nhập khá hơn so với trồng cây ngô, lúa, số hộ dân trồng dâu, nuôi tằm mới tăng dần.
Tuy nhiên, cái nghề này lúc thăng, lúc trầm, lúc phất to, khi trắng tay công cốc nên bà con cũng theo tâm lý mà năm này trồng dâu, vài năm sau lại phá bỏ. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có một số hộ dân trong làng kiên định duy trì nghề truyền thống của cha ông.
Thời gian đầu khi bước vào làm nghề “ăn cơm đứng”, mỗi cây dâu từ lúc trồng đến lúc cho thu hái lá phải mất ít nhất một năm chăm sóc. Trồng dâu đã vất vả, chăn tằm còn cực nhọc gấp nhiều lần. Thời kỳ tăm ăn rỗi là lúc bà con bận rộn nhất. Mỗi nong mấy trăm con tằm ăn lá dâu rào rào khiến lá dâu mọc không kịp, người chăn tằm cũng không đứng yên được một chỗ. Đến khi con tằm chín, người chăn tằm lại chuyển tằm lên né để tằm làm tổ và nhả tơ.
Theo anh Đàm Văn Thông, Trưởng xóm Hòa Mục cho biết: “Từ những năm 1990 về trước đó, giá cả thị trường luôn bấp bênh, công việc lại vất vả nên nhiều người không trụ được với nghề, làm cả năm chỉ được 10-20 triệu đồng. Do vậy, các hộ dân chọn cách đi làm thuê ở xa, hoặc làm dệt may, trồng trọt ngô, lúa… chứ làm tơ, chăn tằm chỉ đủ ăn mà lại vất vả, nhiều rủi ro. Một số vẫn bám nghề truyền thống nhưng chỉ làm cho có, không muốn đầu tư nhiều về công sức, tiền bạc. Nghề trồng dâu nuôi tằm lúc “phất to”, lúc chìm nghỉm, ế ẩm. Nguyên nhân không hẳn do người dân không mặn mà, đầu tư nghiêm túc mà còn do nhu cầu thị trường cũng như giá cả nữa…”.
Bà Hoàng Thị Yêm (66 tuổi) đang cho tằm ăn lá dâu. |
Lột xác nhờ nghề “ăn cơm đứng”
Một trong những hộ phất lên nhờ nghề nuôi tằm truyền thống là gia đình bà Hoàng Thị Yêm (66 tuổi) ở làng Hòa Mục — hộ điển hình về nuôi tằm với quy mô lớn và có truyền thống với nghề từ lâu năm. Gia đình bà Yêm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nhiều nong tằm, trồng nhiều dâu trong ruộng nhằm tận dụng tối đa diện tích đất, nâng cao thu nhập từ việc nuôi tằm.
Theo bà Yêm, sau khi mở rộng quy mô trồng dâu, số lượng nong tằm thì tính ra trung bình 1ha cây dâu sẽ thu về khoảng 90 triệu đồng khi đem về chăn tằm lấy kén. Khi cây dâu già, rụng lá thì có thể đốn gốc để chồi dâu non mọc tiếp.
Dâu là loại cây dễ trồng, thích hợp với đất đai, khí hậu ở miền núi, một lần trồng có thể thu hoạch 15-20 năm. Người nuôi tằm muốn có nguồn nguyên liệu ổn định thì phải đầu tư thời gian, công sức chăm sóc cẩn thận để không bị sâu hại lá và sinh trưởng tốt. Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để có những lứa tằm khỏe mạnh, mau chóng nhả tơ và đem lại thu nhập cao cho người dân.
Đa dạng hơn gia đình bà Yêm, chị Đàm Thị Tuyền được biết đến là người trồng dâu, nuôi tằm có quy mô nhất làng Hòa Mục, đồng thời cũng là địa điểm cung cấp giống tằm cho bà con trong tỉnh.
Chị Tuyền chia sẻ: “Nghề nuôi tằm này tiền thu về cũng nhanh mà mất trắng cũng nhanh, nhưng nếu loại bỏ các yếu tố rủi ro để đem so với các cây trồng khác mà hiện nay địa phương đang trồng thì trồng dâu nuôi tằm là hiệu quả hơn cả. Mỗi lứa tằm chỉ nuôi hơn một tháng là có thể bán kén ra ngoài thị trường, tổng cộng một năm nhà tôi nuôi được 7 lứa tằm. Mỗi cân kén bán ra khoảng 120 nghìn đồng, trung bình mỗi lứa tằm được hơn 100kg, tổng thu nhập của gia đình tôi được gần 100 triệu đồng/năm. Không những thế, gia đình tôi còn kiếm thêm thu nhập nhờ cung cấp, bán con giống cho các hộ nuôi tằm ở các huyện Hòa An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình…”.
Vườn dâu nhà chị Tuyền, hộ dân nuôi tằm lớn nhất làng Hòa Mục. |
Anh Đàm Văn Thông, Trưởng xóm Hòa Mục cho biết: “Nuôi tằm cần có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật bới nó vốn là giống khó chăm, lá dâu không sạch rất rễ làm tằm mắc bệnh, thậm chí bị chết. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi, mỗi vòng tằm phải mất 2 nhân công thường xuyên hái lá cho tằm ăn ngày đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng tốt. Tơ và kén tằm ở Hòa Mục xuất chủ yếu ở khu vực trong tỉnh và sang Trung Quốc”.
“Mô hình kinh tế trồng dâu nuôi tằm đã trở thành hướng đi bền vững cho nhiều gia đình như bà Yêm, chị Tuyền và các các hộ dân khác ở Hòa Mục. Nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm bà con đã sắm được đầy đủ nội thất tiện nghi, xây được nhà mới khang trang, đường làng lối xóm được bê tông hóa hoàn toàn, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn… Ngoài trồng dâu, nuôi tằm, bà con ở Hòa Mục còn trồng cây thuốc lá để nâng cao thu nhập”. – anh Thông chia sẻ.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu ở quê hương. Tất cả đều nhờ họ kiên trì và không ngừng thay đổi, tìm hướng đi mới cho nghề nuôi tằm của tổ tiên. Nhiều hộ trong làng hiện đang trăn trở về việc thành lập được một tổ hợp tác để liên kết giữa các hộ dân trong việc mở rộng diện tích trồng dâu, mở rộng quy mô nuôi tằm; từ đó vừa có thể giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, vừa tránh tình trạng bị tư thương thu mua kén tằm ép giá.
Mặc dù phát triển trồng dâu, nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng dâu, nuôi tằm ở Hà Quảng lại giảm dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2013 toàn huyện trồng được 26,6ha, giảm 3ha so với năm 2012, sản lượng đạt 7.626 kén tằm, nuôi tằm đạt trên 1 tỷ đồng, giá trị canh tác bình quân đạt 37,8 triệu đồng/ha. Năm 2014, diện tích cây dâu toàn huyện giảm xuống chỉ còn 17,7ha, chỉ còn 92 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm. Tổng giá trị thu nhập đạt 1 tỷ 096 triệu đồng, giá trị đất canh tác bình quân đạt 61,9 triệu đồng/ha. Năm 2015 huyện chỉ còn 88 hộ tham gia trồng 15,97ha dâu, sản lượng kén thu được 3.968kg. Giá kén giảm còn 138 nghìn đồng/kg, tổng thu nhập đạt trên 547 triệu đồng, giá trị đất canh tác bình quân đạt 34,5 triệu đồng/ha. Để cây dâu, con tằm thực sự phát triển bền vững đòi hỏi phải xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh hóa.