Những ngày này, làng chài nghèo chỉ còn phụ nữ, trẻ em và người già. |
Ngày đại tang
Cách đây 8 năm, cơn bão có tên là Chanchu đã ập đến “cướp” đi sinh mệnh của 83 người đàn ông cường tráng trong làng chài nghèo này. Nỗi đau vẫn khôn nguôi cho đến tận hôm nay. Cả nước đã từng quặn lòng hướng về ngôi làng tang tóc, đau thương này để san sẻ tình người cùng người thân của những ngư dân xấu số đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển cả muôn trùng. Sau trận bão năm ấy, làng chài nghèo hầu như “xoá sổ” đàn ông, đại đa số là thanh niên mới lớn, mới lập gia đình. Làng quê vốn đã nghèo nay lại càng đìu hiu hơn.
Hỏi về những ngày đã qua sau cơn bão Chanchu, không cần phải chờ lâu, một lão ngư đang lúi húi tất bật với công việc xếp chiếc thúng chai, vẫn ngậm ngùi: “Làng còn ai nữa đâu… Giờ chỉ còn những thân già còm cõi như ri thôi. Không làm lấy cái chi mà ăn. Dẫu có sóng gió khó khăn chi cũng bám biển mà sống. Biển ngàn đời nay như máu thịt với chúng tôi…”
Tám năm qua đi, cảnh sắc thôn quê đã lắm đổi thay, không còn xơ xác tiêu điều. Con đường quê đã thay da đổi thịt, khang trang hơn. Hệ thống trường, trạm đã phủ khắp. Nhìn từ ngoài vào, những căn nhà ngói nhỏ nằm nép bên những hàng dừa đã nhuốm sang màu đen, cánh cửa đã mục nát theo năm tháng. Có thay đổi, nhưng vẫn còn đó, ám ảnh hình dáng những người đàn bà ngồi thẫn thờ trước nhà. Những đôi mắt xa xăm, thi thoảng ngước lên nhìn lên bàn thờ, rưng rưng như kìm dòng lệ chảy. Tám năm qua, những người phụ nữ này đã cố gắng vượt qua nỗi đau mà gượng dậy.
8 năm qua, cô Thinh vẫn ngày ngày lặng lẽ thắp hương trên bàn thờ hai đứa con trai mất tích trong đợt bão Chanchu 2006. |
Vẫn còn đó những nỗi đau
Hỏi chuyện cũ, ngồi níu lại mấy sợi cước bị tuột ra từ vành chiếc thúng chai, đôi mắt ông Nguyễn Thân Xê (59 tuổi) cứ mãi nhìn ra biển khơi xa xăm vô định. Ông nhớ rất rõ cái ngày 19/4 âm lịch cách đây tròn 8 năm. Đó là cái ngày khi biết rõ hung tin 2 đứa cháu ruột của ông đã mãi mãi nằm lại với biển khơi. Ông gọi đó là cái chuyến đi biển định mệnh của cuộc đời.
Hai đứa cháu của ông là Nguyễn Thành Sự (học sinh lớp 6) và Nguyễn Thành Tâm (học sinh lớp 9) ra đi khi tuổi đời còn quá non trẻ. “Ngày đó, cứ mùa nghỉ hè là chúng lại tập tành theo người lớn trong làng đi biển mưu sinh. Nhưng không ngờ rằng, chuyến đi biển đầu tiên của thằng Sự cũng là chuyến cuối cùng của cuộc đời. Ngày ra đi ba má hắn còn đưa tiễn vậy mà không hẹn ngày về. Giờ không biết chúng nó xác trôi dạt về nơi nào nữa”, ông Xê xúc động kể lại trong dòng nước mắt nghẹn ngào.
Vẫn đôi mắt ấy, ông Xê kể chuyện cho chúng tôi bằng giọng nói đặc chất Quảng Nam: “Con trai và con rể tui đang ngoài biển đó, đi đánh cá chưa có về mô. Tụi nó mới đi lại ngày hôm qua. Chuyến ni đi lâu ngày cố gắng kiếm thêm chút tiền về sửa sang lại cái nhà, trang trải cuộc sống. Nhưng cũng lo lắm, chuyến ni đi biển dài ngày làm những người ở nhà nôn nóng, bồn chồn ruột gan”. Nghe ông Xê nói, chúng tôi không kìm được nước mắt. Đã 8 năm qua, 2 đứa cháu xấu số của ông bị cuốn mất trong cơn bão, xác không tìm thấy, thì cũng chừng ấy năm ông và người thân ở nhà lập những bàn thờ và những nấm mồ vô danh, không hài cốt.
Được coi là người chịu nhiều đau thương nhất trong làng, sau sự ra đi của chồng và hai đứa con trai, bà Võ Thị Chính như kiệt quệ hoàn toàn. Mỗi khi nhắc tới chuyện chồng và con trai bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Vì cú sốc quá nặng mà giờ đây bà trở nên đãng trí. Bà con lối xóm thương bà lắm, có dẫn bà về nhà chăm sóc nhưng bà không chịu. Bà cứ nói ở vậy có khi chồng và thằng Rim, thằng Việt về thì lại không có ai ở nhà.
Ngỡ chúng tôi là đám bạn của thằng Rim nên bà cứ bảo hôm sau quay lại. Nhìn khuôn mặt khắc khổ cùng nỗi nhớ triền miền, chúng tôi cũng phần nào hiểu được tâm trạng của người đàn bà bị bão cuốn đi những người đàn ông thương yêu nhất của mình. Nỗi đau quá lớn, ngày qua ngày vẫn hiện về trong nỗi ám ảnh khôn xiết.
Hoàn cảnh đôi vợ chồng ông Lê Sinh (sinh năm 1959) và bà Trần Thị Thinh (sinh năm 1958) cũng vậy. Trong bộ quần áo màu lam còn ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt đen sạm, đôi mắt bà Thinh rân rấn những dòng nước mắt về câu chuyện buồn 8 năm trước.
Bà bắt đầu câu chuyện bằng giọng đượm buồn: “Hồi đó thằng út (Lê Dương, SN 1990 đang còn học lớp 10) thấy vợ chồng bà ốm yếu nên mới thi học kỳ II xong là xin theo anh trai (Lê Đạt, SN 1985) đi biển xa kiếm tiền về lo thuốc thang cho vợ chồng bà. Khi đó bà mới phát chứng bệnh u, còn chồng thì bị huyết áp. Chúng đi được 15 ngày thì nghe điện thoại báo về gặp bão vào tránh tàu ở Đài Loan. Tối hôm có bão, đài báo tin rất nhiều tàu ngư dân mình gặp nạn ở đông bắc đảo Hoàng Sa, gia đình càng bồn chồn nhưng không thể liên lạc được với hai con.
Sang ngày hôm sau nghe bão làm đắm tàu, có nhiều người bị cuốn xuống biển mất tích. Vợ chồng bà cùng mấy chị em có chồng, con đi biển ngày nào cũng chạy ra bờ biển ngóng đợi tin chồng, con rồi khóc như mưa. Mấy ngày liền mòn mỏi chờ đợi cuối cùng cũng bặt vô âm tín, vợ chồng bà như đứng trên đống lửa, chạy ra chạy vào ngoài bãi biển, ngất lên ngất xuống.
Trong lúc sóng to gió lớn vợ chồng bà vẫn cứ hy vọng là hai con mình may mắn thoát chết vào một nơi nào đó và đã có người cứu. Một ngày, hai ngày, ba ngày và nhiều ngày sau... cũng không có thông tin gì về hai con mình. Lúc này vợ chồng bà mới định thần lại trong nỗi tuyệt vọng, đau đớn chấp nhận sự thật phũ phàng là hai con mình đã mất tích”.
Nghe những lời tâm sự của vợ chồng bà Thinh mà chúng tôi cũng không kìm được những giọt nước mắt. Khi một người thân của mình ra đi, điều cuối cùng mình có thể làm là ngắm nhìn lại khuôn mặt người thân một lần và thắp cho họ một nén nhang. Nhưng ông Xê, bà Chính, bà Thinh và nhiều người cha, người mẹ, người vợ nơi đây thật bất hạnh khi không thể nhìn thấy khuôn mặt của chồng, con, cháu mình một lần cuối. Chứng kiến nước mắt họ tràn xuống gò má đã sạm đen vì sương gió, nắng mưa làm chúng tôi càng thêm đau xót.
Từ ngày những người đàn ông trụ cột gia đình của họ mất đi, mọi nỗi lo toan vất vả đều chất trên đôi vai gầy gò của người ở lại. Khó có ai có thể cầm lòng được trước nỗi đắng cay của cuộc đời mà họ phải nếm trải. Giá như không có bão, họ không ra đi để rồi người vợ cũng không đến mức phải trở thành những nàng Tô Thị giữa miền cát trắng.
(Còn tiếp)