Đi chùa, không quên phòng dịch!
Bức ảnh chụp từ trên cao với số lượng hàng vạn người chen chúc đứng chật kín trước nhà khách Thủy Đình của khu du lịch chùa Tam Chúc để chờ mua vé đi xe điện, lên bến thuyền… được lan truyền một cách chóng mặt trên cộng đồng mạng vào dịp cuối tuần qua.
Ngay lập tức cư dân mạng thảng thốt bình luận: “Đúng là chùa chen chúc chứ không phải chùa Tam Chúc”, “Đến lúc dịch bùng lại ở đấy mà than”, “Dịch bệnh không biết còn hay hết, tập trung thế này đỡ sao được”… Từ những bức ảnh được chụp cũng dễ dàng nhận thấy ngoài chen lấn, xô đẩy du khách cũng không đeo khẩu trang, không thể thực hiện biện pháp giãn cách phòng dịch.
Trong khi cả xã hội đang nỗ lực hết sức để chống dịch thì họ lại tổ chức để hàng ngàn người tập trung. Lòng nhân đạo lúc này chính là ý thức về sự an toàn sinh mệnh cho con người. Không chỉ có Tam Chúc, vào dịp cuối tuần qua, nhiều di tích mở cửa trở lại trùng ngày tuần đầu tiên của tháng 2 âm lịch, nên số lượng người dân du Xuân, lễ bái cũng tăng cao.
Tại các di tích khác như: Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… tấp nập người đi lễ. Các quầy bán đồ lễ cảnh bán mua rộn ràng. Tại di tích danh thắng chùa Hương (Hà Nội), trong 2 ngày đầu mở cửa trở lại đón gần 5 vạn lượt khách. Mặc dù Ban Quản lý danh thắng Hương Sơn bố trí 650 cán bộ túc trực từ cổng vào đến động Hương Tích để giám sát và tuyên truyền cho người dân đi lễ thực hiện các yêu cầu về 5K của Bộ Y tế nhưng cứ vắng bóng cán bộ là người dân lại tháo khẩu trang, hoặc chen lấn không đảm bảo giãn cách.
Đi chùa lễ bái đầu năm là truyền thống bao đời của người Việt. Đây cũng là biểu hiện đời sống tâm linh phong phú và sâu sắc, ngày Xuân đi chùa, đền vãn cảnh, cầu quốc thái dân an, cầu phúc, cầu tài lộc… đã trở thành nét phong tục truyền thống. Song, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các chuyên gia văn hóa cho rằng người dân cần tỉnh táo trong việc lựa chọn du Xuân, lễ Phật.
Hiện nay, Việt Nam không cấm người dân đi lễ chùa. Nhiều tỉnh cho phép mở cửa di tích nhưng không làm khai mạc lễ hội và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định chống dịch của Bộ Y tế. Chính vì vậy, các ban quản lý di tích cũng phải bám sát các quy định này để đảm bảo công tác phòng dịch và giữ gìn mùa Xuân an toàn, vui tươi cho du khách.
Ngày 15/3, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có Văn bản số 810/BVHTTDL-VHCS về tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực VH-TT&DL.
Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, TP phối hợp chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống dịch. Xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý các trường hợp vi phạm.
Cùng ngày, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Văn bản số 50/HĐTS-VP1 về tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở tự viện. Giáo hội yêu cầu các trụ trì, ban quản trị tự viện phối hợp với địa phương có phương án đảm bảo giãn cách, tránh ùn tắc, chen lấn đông người; đảm bảo khai báo y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn.
Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam - PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trường hợp người dân đổ xô đi chùa, nhiều người không đeo khẩu trang và giãn cách là rất nguy hiểm. Chính vì thế, khi đi lễ trong tình hình dịch còn nhiều nguy cơ, người dân cần nâng cao hơn ý thức, không lơ là, chủ quan, càng nơi đông người càng phải đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch…
Và để quên… một “ngôi chùa”
Mỗi mùa lễ, Tết, lại có bao nhiêu chuyện bức xúc liên quan đến vấn đề tâm linh. Sự xuất hiện những chùa chiền, tượng Phật lớn kỷ lục khu vực, thế giới. Nhiều người đặt câu hỏi, việc cả xã hội đi lễ bái mấy tháng trong năm có làm cho người dân kính Phật, sợ thần, hiền lành hơn, biết yêu thương đồng loại hơn, giúp cho đạo đức xã hội nâng lên không?
Khi mà không ít những cảnh bạo lực, phi nhân tính ngay chốn cửa Phật, đền Thánh, trong lễ hội: Người ta có thể đánh trọng thương một cụ già sơ ý giẫm phải chân mình, dùng cả gậy gộc đánh nhau để tranh một chút lộc trong lễ hội. Chuyện cướp lộc, tranh lễ theo cách phản cảm, bạo lực, đua nhau dâng cúng những đồ lễ kỷ lục kệch cỡm, buôn thần bán thánh, bói toán, cúng thuê lừa đảo… nhiều không kể xiết.
Bày tỏ về tín ngưỡng, về đi lễ chùa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Mẹ tôi hầu như cả đời không đi chùa cúng lễ. Bà nói: “Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết”. Mẹ tôi cũng nói: Nếu Thần Phật chỉ phù hộ độ trì cho những ai đến chùa dâng lễ thì lòng tin của bà vào Thần Phật cũng sẽ chấm dứt.
Với bà, Thần Phật mà như thế thì khác gì mấy ông, mấy bà dưới trần này. Bà thấu hiểu câu nói của người xưa: Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Đúng là như vậy. Ai đó cứ phải chọn chùa mới thể hiện được lòng từ bi của mình thì người đó chưa thực sự từ bi.
Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người. Thế nhưng, quá ít người biết điều đó. Họ thì thầm kháo nhau về ngôi đền này thiêng lắm, ngôi chùa kia thiêng lắm, xin gì được nấy. Thế là nườm nượp kéo nhau đi. Rồi xì xụp khấn vái với đủ lễ vật to nhỏ.
Thử hỏi có mấy ai đến đền, đến chùa chỉ bằng một nén nhang tâm tưởng trong sâu thẳm lòng mình để nói với Thánh Thần rằng lòng họ vẫn còn những u tối, còn những tham lam, còn nhiều ghen ghét, xin Thánh Thần ban cho họ ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi để xua đi những điều tội lỗi kia trong lòng? Sao chỉ thấy hết người này đến người nọ cầu xin mọi thứ có lợi cho mình rồi sau khi ra khỏi cửa đền, cửa chùa thì thản nhiên đối xử với nhân quần bằng trái tim vô cảm và nhiều mưu mô, toan tính.
Thánh Thần đã gửi thông điệp từng ngày cho con người để cảnh báo về tai hoạ sẽ ập xuống thế gian bởi chính con người. Thông điệp đó hiện ra trong thiên tai, dịch hoạ, hiện ra trong những giết chóc của con người, hiện ra trong sự đối xử tàn tệ của con người với con người, hiện ra trong những cơn hoảng loạn, mù loà của con người, hiện ra trong sự trống rỗng tâm hồn của con người…
Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cũng vẫn thấy bất hạnh”.
Đành rằng, từ xưa đến nay, đi lễ chùa đầu năm là tập tục đẹp trong cộng đồng, tuy nhiên, không phải ai đến chùa cũng đều hiểu được ý nghĩa của hoạt động tâm linh này, hoặc là không biết cách thức thực hành nghi lễ ở chùa ra sao. Đại đức Thích Chánh Thuần - Trụ trì chùa Phúc Lâm, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: Thông thường, người dân đã đến đền, đến phủ họ mang theo tâm lý, đó là cầu. Cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu bình an… Vậy có cầu được hay không?
Trong Phật giáo, cầu nguyện không phải là bản chất của Phật giáo. Đức Phật cũng không khuyến khích đệ tử mình cầu nguyện. Bản chất của Phật giáo chính là nhân - quả. Nhân nào quả ấy. Đức Phật nói là không ai cho mình cái gì và không ai lấy đi của mình cái gì.
Cuộc sống của mình trong tương lai tốt đẹp hay không là do bản thân mình tự quyết định, chứ không có trời Phật nào quyết định thay mình cả. Cho nên Đức Phật hướng con người làm việc thiện. Nếu mình làm việc thiện, nhất định cuộc sống của mình sẽ thiện và ngược lại. Làm điều ác thì cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở...
Một quan niệm khác, thầy giáo Hạo Nhiên cho rằng, một người theo Phật thì là một người hạnh phúc. Một phật tử chân chính phải là một người bình an, hạnh phúc và rộng lòng với cuộc đời. Hãy học làm người trước khi học làm Phật. Học làm người là học yêu thương, chia sẻ, hòa ái nhưng cũng cứng cỏi, trung thực và thẳng thắn! Bi - Trí - Dũng là ba phẩm chất mà chúng ta cần hướng tới để thành tựu cho mình. Thành tựu điều ấy đã là tìm thấy “cõi cực lạc” rồi!...