Ông Võ Văn Thế (SN 1971, ngụ ấp 1B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) gọi đến đường dây nóng Báo PLVN phản ánh, khoảng 1h sáng ngày 19/5/2019, con trai ông là Võ Tấn Tài (SN 1994) chở một người bạn tên Dương (quê Cà Mau) lưu thông trên Quốc lộ 1A hướng từ Gò Đen về Bến Lức. Khi chạy đến đoạn đường thuộc ấp Voi Lá, xã Long Hiệp (huyện Bến Lức) thì bị 2 người giống công an (chưa rõ tên) tuần tra trên tuyến QL1A chạy theo truy đuổi.
Do Võ Tấn Tài và người bạn đều không đội mũ bảo hiểm nên đã Tài hoảng sợ bỏ chạy vào 1 con hẻm thuộc ấp Voi Lá. Ông Thế cho biết thêm, khi con ông bỏ chạy được một đoạn thì bị té ngã, va vào cột điện bên đường. Theo camera của người dân sống gần hiện trường ghi lại thì sau khi con ông té ngã, có 2 người chạy qua nhưng không dừng lại để đưa người bị nạn đi cấp cứu mà bỏ đi luôn. Theo ông Thế, 2 người đó chính là 2 người giống công an đã truy đuổi con ông.
Cũng theo ông Thế, sự việc xảy ra vào lúc hơn 1 giờ sáng, tuy nhiên hơn 2 giờ sáng người dân mới phát hiện ra vụ tai nạn. “Người dân người ta nói là phát hiện lúc 2 giờ nhưng không gọi điện về nhà cho chúng tôi được do điện thoại con tôi cài mật khẩu. Khoảng 3 giờ công an đến, họ để vân tay con tôi vào điện thoại thì mới mở được. Họ gọi về cho vợ tôi lúc đó khoảng 3 giờ rưỡi, nói là con tôi bị tai nạn nặng lắm. Chúng tôi chạy lên thì con đã mất rồi”, ông Thế kể lại.
Theo ông Thế, sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, ông hỏi người bạn tên Dương đi cùng con ông hôm đó thì người này kể rằng, buổi tối hôm đó con trai ông và Dương đến nhà 1 người bạn để dự tiệc chia tay. Buổi tiệc có tất cả 11 người, uống hết 1 thùng rưỡi bia. Khi tan tiệc thì cả 2 ra về, về dọc đường thì xảy ra sự việc đau lòng như trên.
Ông Võ Văn Thế buồn bã kể lại sự việc |
Ông Thế buồn bã cho biết, gia đình ông có tất cả 2 người con, trong đó Tài là con cả, sau Tài là em gái. Tài đã có vợ và con gái 6 tuổi. Tài mất đi để lại con cho ông bà nội chăm sóc. Nguyện vọng của gia đình ông là mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết, làm sáng tỏ vụ việc.
Sau khi xảy sự việc, đến nay đã mấy tháng nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận gì: “Tôi có xuống hỏi trưởng ban công an điều tra (huyện Bến Lức) thì họ nói đang điều tra. Đến nay 5 tháng rồi nhưng chưa thấy cơ quan công an có kết luận gì. Xe cũng đang bị giữ. Họ cho lấy xe về nhưng gia đình chúng tôi không lấy”, ông Thế nói.
Ngoài ra, theo nội dung ghi âm lại một buổi làm việc giữa ông Thế và 1 đồng chí công an huyện Bến Lức thì đồng chí công an khẳng định sự việc đang được điều tra, tuy nhiên không biết khi nào sẽ có kết quả. Gia đình ông Thế đang khẩn thiết kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ sự việc và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân./.
Theo quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008:
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
4. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và UBND địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
5. UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.
Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, UBND cấp xã phải kịp thời báo cáo UBND cấp trên.
6. Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.