Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Mất mạng, đổ máu vì… “bát đũa xô”
Gõ từ khóa “vợ chồng gây án mạng vì cãi nhau” trên công cụ tìm kiếm Google, một kết quả bất ngờ cho thấy là có không ít vụ đã xảy ra. Như vụ “đoạt mạng vợ mới cưới trong lúc cãi nhau” xảy ra tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nữ nạn nhân tử vong vì bị cứa cổ, mất máu cấp. Khuất Duy Tuấn, 37 tuổi - chồng nạn nhân, đồng thời cũng là thủ phạm đã bị bắt ngay sau đó. Theo cơ quan công an thì hai vợ chồng mới cưới nhau được 3 tháng, khoảng 8h ngày 13/11/2014, trong nhà vang lên tiếng cãi cọ gay gắt giữa hai vợ chồng. Khuất Duy Tuấn thừa nhận trong lúc cãi nhau đã gây ra cái chết của vợ.
Trước đó ngày 21/2/2014, một vụ vợ chồng cãi nhau gây án mạng cũng đã xảy ra ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Nạn nhân là chị Hồ Thị Xoa và hung thủ cũng chính là chồng nạn nhân tên Nguyễn Ngọc Sơn. Sau cuộc nhậu với anh em bạn bè, hai vợ chồng cãi nhau. Trong phút chốc không làm chủ được mình, người chồng đã ra tay đâm chết vợ rồi chạy vào rừng sâu treo cổ tự tử, bỏ lại 4 con nhỏ bơ vơ.
Cách đây không lâu, trong một lần đi thăm người nhà ốm ở Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội, một người bạn của PV đã gặp một người phụ nữ nằm trên cáng, tay ôm mặt đầy máu. Linh cảm đây là một vụ bạo lực gia đình, anh này tiến lại hỏi thăm thì được biết người phụ nữ bị chồng lấy bát ăn cơm đập vào mặt gây thương tích.
Nguyên do của hành động bạo lực này cũng đến từ một vụ cãi nhau về một… nồi cơm. Bữa hôm đó, không biết do thế nào mà chị vợ để tro bếp bay vào nồi cơm đen kịt. Đến bữa, bưng bát cơm đen xì tro bếp lên, chồng chị hỏi: “Sao cơm đen thế?”. Chẳng hiểu đang sẵn bực tức nỗi gì, chị dằn mạnh chiếc bát xuống mâm: “Không ăn được thì biến, hỏi nhiều”. Và thế là bạo lực xảy ra…
Tổ trưởng dân phố đi trốn vì… sợ vợ chồng cãi nhau
Là Tổ trưởng dân phố ở khu đô thị TH-NC, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Th. cứ mỗi lần nhắc đến chủ đề “vợ chồng trẻ” là lại thốt lên buồn rầu: “Sao chúng nó dễ bỏ nhau thế, cưới đấy, bỏ đấy, cứ như trò đùa”. Theo lời bà Th., là Tổ trưởng dân phố, nhiều lần bà đã phải nói dối về quê để trốn tiếp những đôi vợ chồng đến xin xác nhận hòa giải không thành tại nơi cư trú nhằm hoàn tất thủ tục ly dị tại tòa. Bà Th. trốn không phải vì ngại việc mà vì không muốn những đôi vợ chồng trẻ trong tổ dân phố bỏ nhau. Lắm khi bà trốn cũng là để "có thời gian suy nghĩ thêm tìm lời lẽ khuyên giải, thuyết phục bọn trẻ” – bà Th. cho biết.
Bà Th. kể, chủ yếu các đôi vợ chồng “động tí là đòi bỏ nhau” trong độ tuổi 8X. Vừa cưới nhau mấy tháng, hay vừa sinh con chưa đầy năm, chỉ vì chồng không vừa ý vợ chuyện chăm con hay ăn mặc, hoặc vợ không vừa ý chồng chuyện suốt ngày xem bóng đá, nhắn tin trò chuyện bạn bè, thế là cãi nhau rồi nhanh chóng viết đơn ra tòa. Khi người lớn khuyên giải, chẳng bên nào chịu lắng nghe, nhận lỗi, đều “gân cổ” khẳng định: “anh ấy/cô ấy sai, không thể chung sống được nữa”.
Có một câu chuyện khiến bà Th. nhớ mãi, đó là trong một lần có việc đi ngang qua căn hộ đang mở cửa, bà nghe thấy hai vợ chồng cãi nhau chỉ vì người vợ thấy chồng để nồi canh nóng lên nắp máy giặt thì nhắc: “Anh đừng để thế, hỏng máy”, người chồng không những không nghe theo mà còn vặc lại: “Mày về nhà tao có mỗi cái…, mà giờ bày đặt giữ của hả”.
Vì vô tình nghe nên bà Th. không có ý kiến gì, nhưng trong bụng đã nghĩ cãi nhau kiểu này thì lại bỏ nhau sớm. Y như rằng một thời gian ngắn sau, thấy vợ chồng này tìm đến tổ trưởng xin xác nhận hòa giải không thành để ly dị.
Có nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, chuyên gia Phạm Hiền khuyên: “Vợ chồng không thể lúc nào cũng ngọt ngào. Bát đũa còn có lúc xô. Xô sao để không sứt mẻ mới là nghệ thuật”. Nghệ thuật ở đây là gì? Nghe to tát nhưng lại rất đơn giản.
Người xưa vẫn có câu: “Nói ngọt lọt đến xương”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cho đến bây giờ, câu đúc kết này vẫn còn nguyên giá trị với tất cả mọi người chứ không riêng gì phụ nữ hay đàn ông, và bất kể ở đâu, ngoài đường hay ở nhà. Mỗi người đều thích nghe những lời nói ngọt ngào, chuẩn mực thì cớ gì người khác không muốn thế.
Mỗi cuộc vợ chồng cãi nhau đều có căn nguyên và lý do, như lời nhận định của bà Th “phải chăng thế hệ trẻ bây giờ ở nhà được cha mẹ chiều, toàn con một, con đôi nên không phải nhường nhịn nhiều. Mọi thứ khác như học vấn, công việc, nhà cửa, xe cộ cũng không phải quá vất vả mới có nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, chúng có tâm lý xem thường mọi giá trị, sẵn sàng phá ngang gia đình, con cái”.
Nhưng nói gì thì nói, vợ chồng cãi nhau, văng tục với nhau, đòi bỏ nhau, sâu xa mà nói đó chính là sự xem thường nhau. Mà một khi đã “xem thường nhau” là tình yêu đã mất đi dăm ba phần.