Chủ động gạt bỏ hiềm khích
Tuy bị Đại Việt đánh bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất (1258) nhưng Mông Cổ vẫn lớn mạnh ở phía bắc, thành lập nhà Nguyên và tiêu diệt Nam Tống vào năm 1279, tiếp giáp với biên giới Đại Việt. Đầu năm 1277, Trần Thánh Tông thân chinh đánh các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình). Trần Quang Khải đi theo, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến.
Thượng hoàng Trần Thái Tông gọi Trần Quốc Tuấn tới, tỏ ý định lấy ông làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời: “Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn”.
Sau đó, Trần Quốc Tuấn chủ động gạt bỏ hiềm khích với Trần Quang Khải vì việc nước. Một hôm, Trần Hưng Đạo từ Vạn Kiếp tới, Trần Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Trần Quang Khải vốn sợ tắm gội, Trần Hưng Đạo thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Trần Quang Khải: “Mình mẩy cáu bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Trần Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Trần Quang Khải cũng vui vẻ nói: “Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai ông ngày càng tốt.
Phù điêu tái hiện Trần Quốc Tuấn tắm cho Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích cá nhân vì đại cục. |
Năm 1282, nhà Nguyên sai Toa Đô mang quân vượt biển đánh Chiêm Thành ở phía nam Đại Việt. Chiến tranh giữa Đại Việt với nhà Nguyên đến gần. Tháng Mười (âm lịch) năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai, Trần Hưng Đạo được thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân.
Trong Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn đề cập đến việc “hòa mục”. Ông viết: “hòa mục là giềng mối chính của sự trị an. Trong nước hòa mục thì việc binh tốt đẹp. Lính đồn thú ngoài biên cảnh hòa mục thì không có việc kinh sợ. Nếu bất đắc dĩ mới đặt giới cấm thì sự hòa mục càng được quý trọng. Vua tôi hòa mục sau mới chuyên dùng.
Tướng văn tướng võ hòa mục sau mới thành công. Tướng sĩ hòa mục sau mới nhắc nhở công lao của nhau mà tưởng thưởng, khi gặp nguy nan mới cứu viện nhau. Vậy sự hòa mục là đường lối tốt đẹp bất di bất dịch của phép trị quốc hành binh”.
Tướng quân là thân mình, sĩ tốt là tay chân
Trước sự bành trường của nhà Nguyên, nhà Trần đã đề phòng, chuẩn bị kháng cự. Trần Quốc Tuấn mở trường dạy võ, dạy con em hoàng tộc và những người tài giỏi trong nước. Ông thường đi khắp các lộ, kiểm soát các giảng võ đường địa phương, thu dụng nhiều người tài giỏi trong nước như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Đỗ Hành...
“Bậc tướng súy ắt phải có kẻ tay chân làm tim bụng, có kẻ tay chân làm tai mắt, có kẻ tay chân làm móng răng. Nếu không có người làm tim bụng thì cũng giống như người đi đêm không đuốc, không có người làm tai mắt cũng giống như ở chỗ tối tăm không biết cách vận động, không có người làm móng răng cũng giống như người đói ăn vật độc không thể nào khỏi chết.
Tượng Trần Hưng Đạo tại TP Hồ Chí Minh. |
Cho nên người tướng giỏi phải có những kẻ nghe rộng, nhiều mưu trí làm tim bụng, phải có những kẻ trầm lặng, dò xét kỹ càng, cẩn thận, kín đáo làm tai mắt, phải có những kẻ gan dạ, mạnh dạn làm móng răng”. Ông chọn các quân hiệu tài giỏi, cho chia nhau chỉ huy các đơn vị quân đội. Tháng Tám (âm lịch) năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ Bình Than và các nơi hiểm yếu khác.
Một sách lược quan trọng của Trần Quốc Tuấn đó chính là việc coi trọng quân sĩ như anh em, con cái. Ông viết: “Lòng của tướng và lòng của quân sĩ là lòng của ta. Lính, xe, trâu, ngựa khỏe khoắn no đủ đó là sức mạnh. Việc răn dạy cốt là dự phòng, việc chiến đấu cốt là tiết độ. Tướng quân là thân mình, sĩ tốt là tay chân, hàng ngũ là các ngón”. “Khi cực nhọc hoặc khi nhàn hạ, tướng phải cùng sống với quân lính: như thế tuy dùng binh lâu ngày mà quân đội vẫn mạnh mẽ, hăng hái”. Trong quân có bệnh tật, tướng phải thân hành chữa trị.
Trong quân có việc chết chóc, tướng phải khóc thương. Quân đóng giữ ở nơi xa thì cho phép vợ đến thăm viếng. Khi làm lễ khao quân thì phải chia đều cho quân lính và lại sĩ. Khi muốn dấy binh hoặc sắp đặt việc gì thì phải nhóm họp tất cả tướng ta để bàn luận; mưu kế phải sắp đặt xong rồi sau mới đánh. Cho nên tướng súy đối với quân lính phải có ban huệ “đổ rượu”, ban ân “hút máu”. Trần Quốc Tuấn dẫn lại điển tích để nói lên tình tướng súy với quân lính.
Ngày xưa Huỳnh Thạch Công kể rằng: có một lương tướng khi ai biếu bầu rượu lao thì ném xuống sông rồi khiến tướng sĩ đón dòng nước mà uống. Một bầu rượu không thể làm cho nước sông có mùi vị rượu thế mà ba quân cảm kích bởi ân huệ bèn đồng lòng quyết chiến. Lại kể chuyện Ngô Khởi cầm binh, có một lính tốt bị mụn nhọn, Khởi thân hành điều trị và mút mụn nhọn, khiến cho ba quân cảm kích mà hết lòng đánh giặc.
Cho nên sĩ tốt được cái vui vật trâu nấu rượu, chiến đấu hăng say, thương yêu giúp đỡ chủ tướng như con em theo cha, anh, như tay chân che chở cho đầu mắt, không ai có thể chống cự lại được. Nếu bóc lột làm cho sĩ tốt phải đau khổ, bắt chúng làm việc nhọc nhằn, buông ra lời nói oán thù khó nghe, như thế là tướng súy xem sĩ tốt như cỏ rác, thì sĩ tốt sẽ xem tướng súy như cừu thù, đến tình trạng ấy chỉ mong cho hàng ngũ được đầy đủ cũng là việc rất khó, làm sao có thể trông mong quân sĩ sẽ liều chết xông đến đánh địch?