Dân kêu vì dự án ảnh hưởng đời sống
Qua tìm hiểu được biết, đập phụ, kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình thuộc Dự án hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn xã Châu Bình được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 09/10/2012 với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng.
Năm 2014 hạng mục này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ 138,35 tỷ đồng, giai đoạn 2014-2016 phân bổ tiếp 600 tỷ đồng. Tháng 10/2014, hạng mục này được khởi công do hai đơn vị là Cty 36.20 và Cty 36.32 thuộc TCty 36 (Bộ Quốc phòng) thi công.
Có mặt tại dự án, chúng tôi chứng kiến nhiều xe có dấu hiệu quá tải mang biển kiểm soát màu trắng nhưng dán lô gô của Cty 36 chở đất vượt trần, không có che chắn bảo vệ, nối đuôi nhau chở đất từ công trường ra Quốc lộ 48 đi đến các bãi thải. Thời điểm có mặt là cao điểm của nắng nóng, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ xe tưới nước nào đi tưới đường như cam kết.
Khi vào điểm thi công của Cty 36.32 chiếc xe tải mang số hiệu CA 1089 đang đổ đất ngay trước sân nhà văn hóa cách công trường khoảng 200m. Khoảng 10 phút sau một chiếc xe tải khác chở đất đến chuẩn bị đổ đất nhưng có một thanh niên phóng xe máy đến nói gì đó nên chiếc xe ngừng đổ và chở đi nơi khác. Nhiều xe dân sự nhưng dán lô gô của Công ty 36 có dấu hiệu quá khổ, quá tải là xe BKS 35C – 049.72; xe 37C-0915; xe 37C-163.84; xe 37N-0986... nối đuôi nhau đi trên quốc lộ 48.
Một người dân sống cạnh công trường cho biết, công ty vẫn bán đất cho dân làm nhà hoặc đổ vào vườn nếu có nhu cầu với giá 150 ngàn đến 250 ngàn đồng/xe. Hàng ngày xe chở đất đá rơi vãi trên đường khiến bụi bẩn, ô nhiễm vô cùng. Người dân kêu thì họ cho xe chở nước tưới qua rồi lại tiếp tục chở đất.
Xe chở đất không che chắn chạy trên đường bụi mù mịt |
Khó kiểm soát xe quá tải và chở đất bán?
Ông Lương Văn Đại xác nhận, việc người dân phản ánh bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn do xe chở đất là có. Địa phương đã báo cáo sự việc và công ty đã sử dụng xe chở nước tưới đường. Đơn vị thi công cũng cam kết sử dụng xe tưới phun nước trên quốc lộ 48A để hạn chế bụi. Về việc công ty bán đất, ông Đại cho rằng đơn vị thi công chỉ chở đất đổ ở bãi thải tập trung và lấp ở những chỗ trũng để cải tạo đất đã được Sở NN&PTNT cho phép.
Theo ông Đại thì Sở NN&PTNT đã có văn bản cho phép xã cải tạo 18ha đất trũng không sản xuất được để chuyển đổi cây trồng do điều kiện sản xuất không có. Dự án triển khai cũng đã ảnh hưởng đến 360 hộ dân, với số tiền đền bù khoảng 100 tỷ đồng, hiện còn hai hộ dân chưa nhận tiền vì chưa đồng ý phương án đền bù.
Tại công trường của Công ty 36.20, ông Nguyễn Việt Hùng, chỉ huy trưởng công trình phủ nhận chuyện công ty bán đất. Cho rằng xe chở đất của công ty chỉ chở đổ vào những bãi thả đã được quy hoạch trước đó. Trước đó, xe của đơn vị thuê lại nhiều nhà dân để làm dự án nên cũng khó kiểm soát.
Thời điểm nhiều nhất có 17 xe biển trắng cùng tham gia thi công, đến nay có 4 xe đang ký hợp đồng với công ty. Ông Hùng cũng xác nhận đơn vị đã xử lý một chiếc xe đổ đất ngoài bãi thải và tiến hành chở đất đi chỗ khác. “Có thể trong khi hết giờ làm việc, một số chủ xe là người địa phương tự ý chở đất đi bán mà đơn vị không kiểm soát được”, ông Hùng nói.
Đại diện Thanh tra giao thông (Sở GTVT Nghệ An) cho biết, thời gian đầu việc xe công trình đổ đất sai quy định và có dấu hiệu quá khổ, quá tải là có. Thanh tra đã nhiều lần làm việc với công ty và UBND huyện để bàn giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Còn theo đại diện Ban Quản lý dự án thì có việc xe tải trọng lớn hơn quy định chở đất, đặc biệt thời gian đầu. Ban đã nhiều lần nhắc nhở và đề nghị lực lượng CSGT, thanh tra giao thông cùng phối hợp xử lý triệt để. Việc ông Lương Văn Đại cho rằng Sở cho phép chuyển đổi mục đích 18ha đất vùng trũng là không hề có.PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.