Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, trong gần chục năm qua tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 1.230 dự án/330.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư có tiềm lực, có tên tuổi và uy tín (Vingroup, Masan, Sencorp, TH, Vissai, FLC, Mường Thanh,…).
Việc thu hút các dự án đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố, thị xã, thị trấn theo hướng văn minh và hiện đại hơn, tạo động lực rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị; giải quyết được nhu cầu lớn về nhà ở cho người dân trong tỉnh, tạo việc làm cho nhiều lao động, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách từ khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương.
Thu hồi, hủy bỏ 156 dự án
Tuy nhiên, tỉnh cũng “mạnh tay” xử lý nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Từ 2012 đến 2018, UBND tỉnh thành lập 08 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 500 lượt dự án (của 421 dự án, chiếm 35,5% số lượng dự án toàn tỉnh). Riêng trong năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập 02 đoàn kiểm tra đối với 106 dự án, gồm: 89 dự án ngoài khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN), 17 dự án trong KKT và KCN).
Địa bàn kiểm tra tiến hành hầu hết tất cả huyện, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Trong đó: Thành phố Vinh: chiếm 45% số lượng dự án; Các Thị xã: Cửa Lò, Thái Hòa và Hoàng Mai: Chiếm 18% số lượng dự án; các huyện đồng bằng: chiếm 19% số lượng dự án; Các huyện miền núi: Chiếm 13%; Khu kinh tế Đông Nam: 5% số lượng dự án.
Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ quy mô nhỏ: Chiếm 42% số lượng dự án; Lĩnh vực bất động sản và nhà ở: Chiếm 23% số lượng dự án; Lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến, khai thác khoáng sản: Chiếm 23% số lượng dự án.
Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động đối với 102 dự án, chiếm 24,23% số lượng dự án kiểm tra. Riêng năm 2019, UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi, hủy bỏ các văn bản pháp lý của 04 dự án.
Lũy kế số dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ đến thời điểm hiện nay là 156 dự án với tổng diện tích đất là gần 36.000 ha (156 dự án đã bao gồm các dự án theo đề nghị của các đoàn kiểm tra và theo đề nghị của các sở ngành).
Thị xã Cửa Lò có nhiều dự án quy mô chậm tiến độ |
Bài học kinh nghiệm
Từ năm 2012 đến nay, việc rà soát, kiểm tra và xử lý các dự án chậm tiến độ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, quá trình kiểm tra, Đoàn liên ngành đã làm việc với từng dự án cụ thể, nắm bắt được nguyên nhân chậm tiến độ (nguyên nhân khách quan, chủ quan); từ đó tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý phù hợp.
Trong đó, đối với các dự án đang gặp vướng mắc khó khăn do nguyên nhân khách quan thì có phương án giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Đối với các dự án chậm tiến độ nhưng có thể cho phép gia hạn theo quy định thì báo cáo UBND tỉnh xem xét gia hạn có điều kiện. Đối với các dự án đã gia hạn nhiều lần, cố ý chây ì kéo dài để giữ đất thì kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động theo quy định.
Việc kiểm tra, xử lý các dự án đã có tác động tích cực đến tiến độ thực hiện của các nhà đầu tư. Sau kiểm tra, có nhiều dự án đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đã được gia hạn; các chủ đầu tư thực hiện các điều kiện để được gia hạn tiến độ (ký quỹ, nộp khoản tiền bổ sung tương ứng với thời gian được phép gia hạn).
Đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất được UBND tỉnh cho phép gia hạn có điều kiện, chủ đầu tư phải thực hiện nộp khoản tiền bổ sung tương ứng với thời gian được gia hạn.
Việc kiểm tra, xử lý dự án chậm tiến độ nhằm giải quyết tình trạng các dự án treo, kém hiệu quả, gây lãng phí các nguồn lực của Nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Việc thu hồi các dự án do chủ đầu tư kém năng lực sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khác có tiềm lực hơn.
Tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, bên cạnh các dự án có chuyển biến tích cực, thì một số dự án tiến độ thực hiện còn rất chậm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là nguyên nhân chủ quan từ chủ đầu tư (khó khăn về huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh không có hiệu quả, chưa chủ động quyết liệt trong việc thực hiện dự án, vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng). Nhiều dự án đã được giao kiểm tra nhiều lần nhưng chưa giải quyết được dứt điểm do có tính chất phức tạp, nhiều vướng mắc liên quan.
Công tác rà soát, phối hợp kiểm tra của các địa phương chưa thực sự quyết liệt, có hiệu quả. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ trên địa bàn để xây dựng kế hoạch kiểm tra trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu thông tin về dự án tại các sở, ngành và đặc biệt là các địa phương còn hạn chế, gây khó khăn trong việc thu thập thông tin; còn để xảy ra tình trạng phải bổ sung nhiều dự án trong quá trình kiểm tra của Đoàn.
Ngoài ra, công tác theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án sau kiểm tra chưa được các địa phương quan tâm thực hiện sát sao, kịp thời.
Quá trình kiểm tra, tham mưu xử lý của các Đoàn kiểm tra do các sở, ngành chủ trì còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng do các vướng mắc trong quy định của pháp luật; một số trường hợp không có đủ căn cứ pháp lý để xử lý (các trường hợp đã được thực hiện giai đoạn trước, mới chỉ được phê duyệt quy hoạch).
Đặc biệt đối với các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản (chiếm 23% số lượng dự án kiểm tra). Ngoài các vướng mắc chung như các dự án khác, thì việc tham mưu xử lý loại hình dự án này gặp nhiều khó khăn do các dự án phát triển nhà ở thường đã nộp tiền sử dụng đất một lần hoặc nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ giao đất với giá trị tương đối lớn, một số trường hợp nhà đầu tư (NĐT) đã thực hiện đầu tư trên đất nhưng chậm; Một số dự án đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho NĐT thứ cấp nên tiến độ phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của các NĐT thứ cấp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra giám sát việc huy động vốn của các dự án này cũng còn nhiều bất cập, do đó đã ảnh hưởng nhiều đến việc tham mưu chấm dứt hoạt động, thu hồi các dự án này.
Từ kinh nghiệm xử lý các dự án chậm tiến độ, ngoài việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, Nghệ An xác định cần quy định chặt chẽ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư: Ngoài việc bắt buộc phải ký quỹ theo quy định, thẩm tra năng lực tài chính trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cần ưu tiên những nhà đầu tư chiến lược, những nhà đầu tư có tiềm năng, tâm huyết, loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực thực tế, tránh tình trạng cấp phép đầu tư tràn lan, dàn trải...
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư đặc biệt là những vướng mắc do nguyên nhân từ phía các ngành, các cấp và các chính sách văn bản pháp luật ảnh hưởng đến nhà đầu tư.