Ôm nợ vì vay tiền đi XKLĐ mong đổi đời
Vào giữa năm 2013, Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa (gọi tắt là Cty Leesco) thông qua các ngành chức năng địa phương về Thanh Chương (Nghệ An) giới thiệu tuyển dụng lao động. Nhận thấy đây cũng là một cách để người dân có thu nhập ổn định, nên chính quyền cũng đã thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh xã để người dân có nhu cầu liên hệ với công ty.
Cũng như những hộ nông dân khác, gia đình ông Trần Đình Duất (SN 1954, trú tại xã Đồng Văn, Thanh Chương) muốn cho con dâu là Trịnh Thị Minh (SN 1990) đi XKLĐ để đỡ đần gia đình. “Thấy công ty giới thiệu sang Đài Loan làm ăn với mức lương cao, thu nhập ổn định nên cũng vay mượn được 50 triệu đồng đặt cọc cho Cty Leesco làm thủ tục. Sau khi nộp tiền, cùng với các hộ dân trong xã và ngoài xã chờ đợi để được xuất ngoại nhưng đến nay hơn 4 năm trôi qua, tui vẫn phải trả nợ số tiền vay mượn, còn con dâu sinh bệnh tật, nhập viện điều trị nhiều lần…”, ông Duất nói.
Trường hợp chị Minh là một trong 12 lao động ở huyện Thanh Chương được Cty Leesco ký kết hợp đồng, nhận tiền đặt cọc và cam kết đưa qua Đài Loan làm việc. Trong đó, xã Đồng Văn với 7 người, xã Hạnh Lâm, Thanh Thủy mỗi xã 2 người và xã Thanh Ngọc 1 người. Đến tháng 9/2013, 12 lao động được cán bộ Cty Leesco đưa xuống TP Vinh đào tạo và làm các thủ tục. Các lao động này chủ yếu đăng ký đi làm việc tại thị trường Đài Loan với chi phí 130 triệu đồng. Đến tháng 10/2013, các lao động được đưa đi học tiếng, Cty Leesco yêu cầu mỗi người đóng thêm 10,5 triệu đồng tiền đặt cọc. Một số người còn được đơn vị tuyển dụng thông báo “đã có đơn hàng” và yêu cầu nộp thêm 40 triệu đồng để chuẩn bị bay.
“Tui và ba người khác được thông báo nộp thêm tiền rồi được hẹn ra Hà Nội để tuyển chọn. Nhưng khi ra đến nơi hẹn, điện thoại ông Hà Văn Tài - cán bộ tuyển dụng không liên lạc được. Thuê khách sạn ở thêm một ngày cố gắng mọi cách để liên lạc với công ty nhưng đều vô vọng, mọi người ra bắt xe về Nghệ An”, anh Trần Đình Lợi (SN 1983, trú tại xã Đồng Văn) chia sẻ.
Theo thống kê đến thời điểm đó, 12 lao động đã đóng tổng số tiền hơn 280 triệu đồng cho phía Cty Leesco, chưa kể đến chi phí đi lại, ăn ở, tiền học phí trong suốt hơn 2 tháng học tiếng tại TP Vinh…
Sẽ chuyển hồ sơ cho công an nếu không trả tiền cho dân
Người lao động nhiều lần liên hệ với đơn vị tuyển dụng nhưng phía công ty liên tục đùn đẩy trách nhiệm không hợp tác. Người dân cũng gửi đơn tố cáo lên Công an TP Vinh. Đến ngày 9/5/2014, ông Lê Văn Tình, Giám đốc Cty Leesco cam kết với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, hạn cuối đến ngày 20/6/2014 sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu cũng như giấy tờ liên quan cho các lao động. Tuy nhiên, đến
hạn chót như cam kết, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa suông. Mãi đến tháng 9/2014, 9 lao động ở xã Đồng Văn và Thanh Thủy mới được mời lên hoàn trả tiền, nhưng cũng chỉ nhận được một nửa số tiền mà họ đã đóng trước đó. Riêng 3 lao động ở xã Hạnh Lâm và Thanh Ngọc đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Những người lao động lại tiếp tục “bắc thang lên hỏi ông trời” liên hệ ông Lê Văn Tình để đòi lại số tiền còn thiếu, nhưng ông này thông báo đã nghỉ làm tại Cty Leesco (!?).
Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An cho biết, sự việc đã kéo dài nhiều năm nay, đơn vị cũng đã có nhiều văn bản đốc thúc Cty Leesco trả lại tiền cho dân, nhưng đến nay họ vẫn chưa thực hiện xong. Ông Thắng cho biết thêm, sắp tới Sở sẽ cử đại diện trực tiếp ra Thanh Hóa để làm việc với Cty Leesco yêu cầu công ty này trả lại số tiền đã nhận của người dân. “Nếu lần này phía Cty Leesco vẫn không trả lại tiền cho người dân như cam kết thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra xử lý theo thẩm quyền”, ông Thắng nói.
Được biết, Cy Leesco có trụ sở chính đóng tại Thanh Hóa, thời điểm nhận tiền cọc của các lao động ở huyện Thanh Chương thì đơn vị là công ty nhà nước, trực thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa. Sau quá trình thoái vốn, đến nay là công ty cổ phần hóa, phần lớn lãnh đạo công ty đã được thay thế.
Ngoài ra, ông Hà Văn Tài, người nhận tiền từ 12 lao động đã bị công an bắt trong một vụ án khác. Về số phận của 12 lao động đã nộp tiền cho Cty Leesco thì phần đa đã phải vào miền Nam làm thuê với đồng lương bấp bênh. Giờ đây, nghe đến cụm từ XKLĐ là những người dân tại địa phương lại giật mình và lo lắng cho số tiền vay mượn chưa trả được. Được biết, phía Cty Leesco còn nợ 12 lao động hơn 170 triệu đồng, người nhiều nhất hơn 50 triệu, người ít thì hơn 5 triệu đồng. Không biết rồi đây những người lao động nghèo này còn phải chờ đến bao lâu mới nhận được tiền đặt cọc của mình…?