Nhiều ý kiến cho rằng “dự phòng nghiện” là giải pháp quan trọng nhất hiện nay.
20.000 người nghiện mới/năm
Theo Cục Phòng chống tệ nạn Xã hội, việc kiểm soát ma túy kết quả mang lại chưa như mong muốn, số người nghiện ma túy không những không giảm mà liên tục tăng đáng kể từ năm 1995 đến nay (ước tính khoảng trên 204.000 người). Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến 2014.
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết, chưa có nghiên cứu thống kê chính xác số người tử vong liên quan đến ma túy song ước tính của cơ quan liên quan, số người tử vong hàng năm khoảng 10.000 người (3000 người do sốc quá liều; 7000 người liên quan đến HIV, viêm gan và các bệnh khác). Như vậy, hàng năm nước ta có khoảng gần 20.000 người nghiện mới.
Trong khi đó, việc kiểm soát ma túy ở Việt Nam thời gian qua luôn được các cấp các ngành quan tâm. Chiến lược Quốc gia phòng chống ma túy định hướng đến năm 2030 là phải giảm 5% số người nghiện mỗi năm.
Do vậy, công tác “dự phòng nghiện” được cho là giữ vai trò quyết định trong việc hạn chế tác hại của ma túy đối với cộng đồng.
“Dự phòng nghiện” là gì?
TS. John Hamilton – Giám đốc mạng lưới các Chương trình hồi phục (Mỹ), người từng có thời gian 30 năm làm trong lĩnh vực hạn chế ma túy chia sẻ, công tác dự phòng có vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề xã hội, thể chất, sức khỏe tâm thần liên quan trực tiếp đến ma túy.
TS. John Hamilton: “Ở Mỹ hiện nay cứ mỗi 1USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện, sẽ tiết kiệm được từ 2 đến 20USD về mặt phúc lợi xã hội…” |
Theo chia sẻ của TS. John Hamilton, ở Mỹ hiện nay cứ mỗi 1USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện, sẽ tiết kiệm được từ 2 đến 20USD về mặt phúc lợi xã hội – tiền tiết kiệm đến từ việc giảm nhu cầu cho các dịch vụ y tế và xã hội. Bất chấp sự khác biệt về nhân khẩu học, về vị trí quốc gia… các nghiên cứu đều nhận thấy việc dự phòng lạm dụng chất, thì lợi ích thu được đều vượt hơn chi phí bỏ ra ít nhất 2 lần.
Yếu tố quan trọng trong lĩnh vực dự phòng, là tăng cường nhận thức đúng đắn cho mỗi cá nhân trong cộng đồng; trang bị kiến thức và kỹ năng giúp họ chủ động đối mặt với những khó khăn cám dỗ từ cuộc sống. Ví dụ, trong lĩnh vực ma túy cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của việc sử dụng ma túy, để có biện pháp can thiệp tận gốc. Ngoài việc có ma túy ở trong môi trường, thì điều gì khiến người ta tìm đến sử dụng – do buồn chán, do bốc đồng, hay do bị ép buộc sử dụng…
Trước đây, đã có sự hiểu lầm về bản chất của tình trạng nghiện ma túy – khi cho rằng những người nghiện là thiếu đạo đức và ý chí. Quan niệm sai lầm này, định hình phản ứng của xã hội đối với người nghiện, coi việc sử dụng ma túy là sự suy đồi về đạo đức chứ không phải là một vấn đề về y tế. Dẫn đến sự thiên lệch vào khía cạnh “đe dọa và trừng phạt” hơn là phòng chống và điều trị.
Thực tế, và các kết quả nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh, mô hình cai nghiện, mang tính chất cưỡng bức áp đặt, và trừng phạt đã không phát huy được hiệu quả giúp người nghiện từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng, như chúng ta kỳ vọng.
Giáo dục lối sống lành mạnh…
Đồng quan điểm trên, Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, xu hướng hiện nay đang được triển khai ở nhiều quốc gia là dự phòng nghiện. Thực chất là thay đổi giải pháp đối phó với ma túy, từ đơn thuần là “hù dọa” – giáo dục và thông tin về ma túy, mục đích để mọi người “sợ” và tránh xa. Sang cách tiếp cận mới, dựa vào những căn cứ khoa học để giáo dục các kỹ năng tránh xa ma túy; và cách từ bỏ ma túy. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng các mô hình dự phòng, điều trị nghiện cho kết quả tích cực.
Cụ thể, dựa trên những kết quả nghiên cứu để triển khai các mô hình cai nghiện nhằm hướng mọi người tới các mục tiêu. Thứ nhất, ăn uống phù hợp, đảm bảo vệ sinh để hạn chế các vấn đề tiêu cực có thể đến do ăn uống. Thứ hai, sống tích cực lành mạnh, để hòa nhập và đóng góp những giá trị tích cực cho môi trường sống. Thứ ba, quan tâm đến các vấn đề về sức khỏe, tâm thần, tình cảm, hạn chế lạm dụng các chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy…
Về vấn đề làm thế nào để VN có thể triển khai thực hiện được đồng bộ các giải pháp mang tính dự phòng như trên? Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, đây mới chỉ là kinh nghiệm chia sẻ từ một mô hình “dự phòng nghiện” để chúng ta có kênh tham khảo, xem xét.