Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh về việc nhóm cổ đông sở hữu khoảng 38 triệu cổ phần của Ngân hàng Nam Á “tố” Ngân hàng Nam Á và đơn vị quản lý sổ cổ đông của ngân hàng là Công ty chứng khoán Bảo Minh (BMSC) không cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ về việc số cổ phần mà họ đã từng sở hữu bị mất cổ phần một cách lạ lùng. Đại diện cho nhóm cổ đông này là Văn phòng luật sư Lương Khải Ân đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nam Á và Công ty BMSC trích lục thông tin từ sổ cổ đông để có thông tin liên quan đến việc sở hữu cổ phần nhưng yêu cầu đã không được trả lời một cách thỏa đáng.
Theo văn bản mà Ngân hàng Nam Á gửi Văn phòng luật sư Lương Khải Ân, ngân hàng khẳng định “Công ty BMSC đã cung cấp thông tin cho thấy, 6 cổ đông có yêu cầu tra cứu thông tin từ sổ cổ đông đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác từ ngày 26/12/2016 đến ngày 2/3/2018”.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lương Khải Âu, việc Ngân hàng Nam Á trả lời như vậy là không đúng yêu cầu của nhóm cổ đông bị mất cổ phần và không minh bạch. Vì, việc chuyển nhượng cổ phần của loại hình công ty cổ phần đại chúng như Ngân hàng Nam Á phải rất minh bạch và chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.
Thông tin về giao dịch chuyên nhượng cổ phần của cổ đông Ngân hàng Nam Á năm 2012 được lưu trữ |
Theo đó, việc chuyển nhượng phải được thông tin đầy đủ về người nhận chuyển nhượng, giá chuyển nhượng, phí chuyển nhượng và đặc biệt là các khoản thuế thu nhập cá nhân đến từ khoản tiền mà bên chuyển nhượng nhận được. Song, đến thời điểm này, nhóm 6 cổ đông chưa hề có thông tin gì về số tiền chuyển nhượng để mà kê khai nộp thuế. Nếu có việc chuyển nhượng như Ngân hàng Nam Á trả lời, không lẽ đây là vụ chuyển nhượng “chui” và trốn thuế khi mà chính cá nhân sở hữu cổ phần còn không biết cổ phần chuyển nhượng cho ai, khi nào?
Theo Luật sư Lương Khải Ân, trước đó đã có việc hai cổ đông khởi kiện Ngân hàng Nam Á để yêu cầu Tòa án buộc ngân hàng này cung cấp thông tin liên quan đến việc sở hữu cổ phần. Nếu Ngân hàng Nam Á tiếp tục không minh bạch theo yêu cầu của các cổ đông thì nhóm cổ đông này sẽ yêu cầu tòa án buộc Ngân hàng Nam Á phải cung cấp đủ thông tin liên quan đến việc sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông này, đặc biệt là thông tin đầy đủ về việc sổ cổ phần được cho là đã chuyển nhượng cho người khác.
“Thủ tục chuyển nhượng cổ phần phải theo nguyên tắc chung của giao dịch dân sự, đó là phải đúng ý chí của các bên theo quy định của Bộ luật dân sự và quy chế chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Nam Á. Theo các quy định được viện dẫn này, khi tiến hành các giao dịch chuyển nhượng thì các bên tham gia giao dịch phải có mặt tại văn phòng HĐQT Ngân hàng để làm thủ tục chuyển nhượng. Sau khi đại diện ngân hàng đối chiếu các giấy tờ tùy thân của người sở hữu cổ phần chuyển nhượng với thông tin sở hữu cổ phần là đúng thì giao dịch mới được thực hiện”, Luật sư Lương Khai Ân cho biết.
Theo quy trình này, việc chuyển nhượng cổ phần đã diễn ra không minh bạch, khiến cho cổ đông của ngân hàng bị mất quyền sở hữu cổ phần từ lúc nào mà chính họ cũng không hay biết. Hơn nữa, đây là nhóm cổ đông sở hữu cổ phần của Ngân hàng Nam Á nhiều năm nên việc trả lời của Ngân hàng Nam Á khiến cho nhóm cổ đông này bức xúc và hoang mang tột độ. Đây là tài sản rất lớn, liên quan đến nhiều người nên điều cần nhất hiện nay là Ngân hàng Nam Á và BMSC phải rất rõ ràng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến số cổ phần này.
Trong trường hợp số cổ phần đúng là đã được chuyển nhượng cho người khác từ ngày 26/12/2016 đến ngày 2/3/2018 như Ngân hàng Nam Á thông tin thì có thể nhóm cổ đông này còn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các giao dịch giả tạo này do chủ sở hữu cổ phần không ký chuyển nhượng. Thậm chí, đại diện của nhóm cổ đông còn cho biết, nếu các giấy tờ chuyển nhượng là giả chữ ký của chủ sở hữu cổ phần thì việc này còn có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu tài sản, có thể làm phát sinh trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến việc xử lý đơn thư của nhóm cổ đông Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh để làm rõ và xử lý nếu có sai phạm. Hiện nay, vụ việc đã được giao cho Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP Hồ Chí Minh (Cục II) thụ lý, giải quyết. Cục II là đơn vị độc lập, có Phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng để thực hiện chức năng xem xét, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc minh bạch các thông tin để giải quyết một cách đúng pháp luật khiếu nại của cổ đông là trách nhiệm các công ty nhưng tại sao Ngân hàng Nam Á lại từ chối các yêu cầu đối thoại của đại diện nhóm cổ đông có khiếu nại? Cách làm này của Ngân hàng Nam Á càng khiến cho nghi ngờ về giao dịch chuyển nhượng cổ phần càng lớn thêm và các cơ quan quản lý cần xem xét vấn đề này sớm.