Tuổi thơ bất hạnh
Về huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) một ngày đầu tháng 9, những cơn mưa đầu mùa xối xả đổ ập xuống các triền núi, khe đồi làm cho mọi người chỉ muốn ngồi bình lặng bên bếp lửa nhà sàn.
Từ quốc lộ 48 đoạn rẽ ở ngã ba Cập Chạng, xã Châu Bình, đi khoảng 3km là vào đến bản Kẻ Can (mọi người vẫn quen gọi là Bản Can). Con đường nhỏ vào bản đã được rải nhựa nằm lọt dưới thung lũng. Nhìn từ xa, những nếp nhà sàn lấp ló dưới tán cây, tiếng nô đùa của lũ trẻ vọng vang khắp một vùng. Bản làng được đồi núi, rừng cây ôm trọn, khung cảnh thơ mộng và yên bình.
Được sự chỉ dẫn của dân bản, chúng tôi tìm đến nhà hai anh em Duẩn và Dinh. Căn nhà nằm chơ vơ trên triền dốc, cơn mưa rào đêm qua khiến đường lên vốn đã dốc cao lại càng thêm trơn trượt. Nhà sàn lâu năm xiêu vẹo, mái lợp bằng tranh cọ đã ngả màu, chỗ thủng, chỗ rách oằn mình hứng chịu cơn mưa rào đầu mùa; khó nhọc như cách tuổi thơ của hai em chống chọi sóng gió cuộc đời.
Ở cái tuổi đáng lẽ cần được chăm sóc, yêu thương thì lại là lúc các em chịu nhiều thương đau nhất. Khi cái đói, cái khát làm lu mờ lí trí, mẹ của hai em bị “nàng tiên nâu” cuốn vào vòng lao lý với bản án 14 năm tù. Mẹ chưa về, bố lại nghiện ma túy nặng, chỉ biết hút chích chứ không cần biết đến hai đứa con nhỏ dại. Khi đó Duẩn là anh cả cũng mới lên 6 tuổi. “Mẹ về chắc em không nhận ra mẹ, mà chưa chắc mẹ đã nhận ra chúng em” - cậu em Dinh sụt sùi trong tiếng nấc.
Ít thời gian trước, căn bệnh thế kỷ HIV mang người bố rời xa hai em. Nhà vắng bóng mẹ, chẳng còn hơi cha, hai anh em Duẩn phải rau cháo tự nuôi nhau qua ngày. Căn nhà trống hoác, không vách ngăn, không giường, không bàn ghế, chỉ có chiếc tủ gỗ cũ ở góc nhà, nơi đặt di ảnh người bố. Giữa nhà, tấm chiếu cói sờn làm chỗ ngủ của hai anh em cũng cảm thấy cô đơn. “Ngày cha mất, bà con trong bản đến viếng không dám ở trên nhà sàn vì sợ sập” - Duẩn buồn rầu.
Ngôi nhà sàn cũ, xiêu vẹo của hai anh em. |
Giấc mơ giản dị
Hơn 10 năm mẹ chịu án đã trôi qua, hai anh em chưa một bữa no bụng đến trường. Dù đói, dù rách nhưng hai anh em bảo nhau chịu khó học hành. Nếu được học hành, năm nay Duẩn cũng đi thi đại học như bao bạn bè cùng trang lứa. “Nhưng miếng ăn không đủ, tiền đâu đi học hả anh, hết lớp 9 là em nghỉ rồi, dành tiền cho thằng Dinh đi học” - Duẩn bồi hồi.
Đến ngày bố phát bệnh, một mình Duẩn đi làm chăm bố, nuôi em, Dinh học vừa hết lớp 6 cũng đành cắn răng rời xa mái trường. Trên vách nhà giờ vẫn có mấy tờ giấy khen cũ nhạt màu vì ẩm mốc, lúc trước cả hai đều là học sinh tiên tiến, Duẩn còn được đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Được đến trường học cùng các bạn giờ đây có lẽ là điều quá xa xỉ với hai em.
Từ ngày bố mất, Duẩn một mình gánh vác việc nhà. Vừa làm anh, vừa phải làm bố, làm mẹ để chăm nom dạy bảo em. Ai thuê gì làm nấy, hôm đi làm cỏ mía, hôm đi bốc vác củi, ngày lại đi phát đồi keo. Thu nhập hàng ngày ít ỏi, có hôm không kiếm nổi một đồng nào, thế nên chẳng đủ đong gạo. Sự khắc khổ, vất vả in hằn trên khuôn mặt đen nhẻm, đôi bàn tay chai sần. Thoáng gặp, không ai dám nghĩ khuôn mặt ấy lại của chàng trai chưa đủ 18 tuổi. Dinh là em, người nhỏ con lại hay ốm vặt nên chỉ ở nhà phụ anh dọn dẹp, nấu nướng.
Hoàn cảnh gia đình muôn phần bất hạnh, nhưng tính tình hai anh em đều siêng năng nên dân bản ai cũng thương mến. Có việc gì họ cũng kêu đi làm cùng kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Hỏi hai anh em một điều ước, câu trả lời của Dinh khiến ai cũng phải chạnh lòng, xót xa: “Em chỉ muốn được ăn một bữa cơm có cả bố và mẹ”. Dứt lời, em đưa tay gạt nhanh nước mắt như không muốn ai nhìn thấy giây phút yếu lòng. Điều tưởng chừng đơn giản ấy giờ đây với các em đã không bao giờ trở thành hiện thực được nữa.
Sau cuộc nói chuyện, Duẩn lại chuẩn bị hành trang để ra Hà Nội. Thời gian gần đây, cậu đi làm thuê ngoài đó, cố kiếm tiền nuôi em. Bố mất, mẹ vẫn đang trả giá, anh trai đi vắng vì miếng cơm manh áo, nhà chỉ còn Dinh. Em cũng chỉ biết thi thoảng ghé thăm bà ngoại và người chú đang ốm để mong nỗi buồn, sự cô đơn không “ghé thăm” em quá nhiều.