Dân thường "điều hành"… chính quyền!
Vào khoảng đầu năm 2010, trên khu vực sông Kinh Thầy đoạn qua huyện Kinh Môn có hiện tượng nhiều tầu sử dụng máy hút công suất lớn hút cát, sỏi dưới lòng sông. Để ngăn chặn tình trạng trên, ngày 08/6/2010, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn đã kí Quyết định số 935/QĐ-UB về việc thành lập Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, bơm hút cát sỏi lòng sông gồm 1 Đội trưởng, 3 đội phó và 9 thành viên.
Đội liên ngành này bao gồm các thành viên như quân sự, tư pháp, huyện đội, công an, thanh tra, quản lý đê điều... Về phương tiện họat động thì có trưng dụng xuồng cao tốc của Ban chỉ huy Quân sự huyện và của Công ty Đông Hải 27/7 (trụ sở đóng trên địa bàn huyện). Công ty Đông Hải có trách nhiệm cung cấp (miễn phí) phương tiện, cử nhân viên điều khiển tầu, phục vụ Đội liên ngành.
Khúc sông xảy ra vụ việc |
Khoảng 6 sáng 09/7/2010, ông Nguyễn Trọng Thưởng (Đội phó đội liên ngành) nhận được tin báo quần chúng có nhiều tầu hút cát đang hoạt động trên sông thuộc địa phận xã Thăng Long (huyện Kinh Môn).
Đến 7h, Đội liên ngành đã tập trung đầy đủ lực lượng tại khu vực bến đò Lộ Xá (xã Thăng Long) dùng xuồng cao tốc tiến về khu vực nêu trên. Tại đây, Đội phát hiện tàu hút cát số hiệu HD-0639 của ông Nguyễn Đức Điệp đang hút cát trái phép, tầu của ông Bùi Văn Ca đang chở cát chạy đi.
Đội liên ngành bèn chia làm hai mũi, mũi tiếp cận tàu HD-6039 do 2 ông Phạm Văn Cơ (Hạt giao thông huyện) và Tống Văn Chiến (Ban chỉ huy Quân sự huyện). Ông Cơ yêu cầu chủ tàu điều khiển phương tiện về bến phà Mây để xử lý.
Khi tới phà Mây, vì không có chỗ neo đậu tàu, anh Cơ yêu cầu ông Diệp cho tàu quay lại hướng đò Vạn (một điểm tập kết các tàu vi phạm khác của Đội liên ngành để chờ xử lý).
Chạy được một đoạn thì tàu HD-6039 chết máy (tại vị trí thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách, Hải Dương). Lúc này, anh Cơ nói với chủ tàu là phải bỏ tiền để thuê kéo tàu về điểm tập kết. Mức tiền thuê kéo tàu là 5 triệu đồng.
Khi chủ tàu vừa đưa số tiền này cho lực lượng liên ngành (huyện Kinh Môn), lực lượng công an huyện Nam Sách có sự tham gia của công an xã Cộng Hòa đã ập đến, nổ súng trấn áp và lập biên bản về tội danh “lạm dụng quyền hạn, chức vụ chiếm đoạt tài sản”.
Tại hiện trường lúc đó có Phạm Hải Ninh vừa điều khiển đò từ trong bờ chạy ra tàu với mục đích đưa anh Cơ, Chiến vào bờ. Ninh cũng cầm giúp Cơ số tiền 5 triệu đồng do ông Diệp vừa giao. Sau đó CQĐT Công an huyện Nam Sách đã khởi tố, truy tố Phạm Văn Cơ, Phạm Hải Ninh với tội danh “lạm quyền trong thi hành công vụ”.
Tòa sơ thẩm (TAND huyện Nam Sách) ngày 16/4/2014 đã tuyên Phạm Văn Cơ mức án 18 tháng tù giam; Phạm Hải Ninh 15 tháng tù giam kèm hình phạt bổ sung mỗi bị cáo nộp 3 triệu đồng.
Sau phiên xét xử sơ thẩm, Phạm Văn Cơ đã làm đơn kháng cáo. Tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Hải Dương) ngày 13/8/2014 chấp nhận một phần kháng án của Phạm Văn Cơ, tuyên bị cáo Cơ mức án 4 tháng 23 ngày tù khấu trừ luôn vào thời gian bị cáo bị tạm giữ, tạm giam. Phạm Văn Cơ được thả tại tòa.
Nếu câu chuyện dừng lại ở đây thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, người không có mặt ở thời điểm xảy ra vụ việc là anh Phạm Văn Tình (SN 1972, trú tại thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương) cũng vướng vòng lao lý vì… trả lời điện thoại của Phạm Văn Cơ vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Theo kết luận điều tra ngày 2/12/2010 của CQĐT Công an huyện Nam Sách, Phạm Văn Tình là người đã điều hành, chỉ đạo Cơ, Chiến, Ninh bằng điện thoại để chiếm đoạt số tiền 5 triệu đồng từ chủ tàu vi phạm.
Gần 2000 ngày đội đơn kêu cứu
Theo Đơn kêu cứu khẩn cấp của anh Phạm Văn Tình thì vào đêm 9/7/2010, cơ quan công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức bắt khẩn cấp anh Tình tại nhà riêng. Hai ngày sau tức ngày 11/7/2010, thông báo “Bắt người trong tình trạng khẩn cấp” được CQĐT công an huyện Nam Sách gửi tới cho chị Cao Thị Thanh (vợ anh Tình).
Tại Thông báo số 113 này của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Nam Sách thì đã xác định anh Tình có hành vi: “Ngày 09/7/2010 chỉ đạo đồng bọn cưỡng đoạt số tiền 5.000.000 đồng (5 triệu đồng) của chủ tàu HD-6039 tại sông Kinh Thầy, địa phận xã Cộng Hòa – Nam Sách – Hải Dương phạm vào Điều 135 khoản 1 Bộ luật hình sự. Ngày 21/7/2010, CQĐT công an tỉnh Hải Dương ra thông báo số 133 “Tạm giam bị can” đối với anh Tình cũng với tội danh nêu trên.
Trong Đơn kêu cứu, anh Tình nêu rõ mình hoàn toàn bị oan trong vụ việc này và việc anh bị bắt chỉ vì nghe điện thoại? Lý giải về kiến nghị của mình, anh Tình cho biết: thời điểm bị bắt khẩn cấp anh Tình vừa được ra viện để về nhà điều trị ngoại trú bệnh… tâm thần!
Gần 2000 ngày ròng rã anh Tình đội đơn đi tìm công lý |
Anh Tình xác nhận đúng là có người đã gọi cho anh để hỏi giá tiền lai dắt, cứu hộ tàu chết máy về sửa chữa, bảo dưỡng tại khu vực cảng của Công ty Đông Hải 27/7 nơi anh Tình làm việc trước đây.
Cụ thể: “Khoảng 10h sáng ngày 09/7/2010, tôi đang nằm điều trị tại nhà thì có cuộc điện thoại yêu cầu công ty cho tàu ra Phà Mây kéo tàu vi phạm về bãi. Tôi trả lời lại rằng đã nghỉ việc đang ốm nằm tại nhà. Tiếp đó, người gọi hỏi tiếp là nếu kéo tàu từ Phà Mây về bãi Phúc Thành chi phí khoảng bao nhiêu tiền và tôi có trả lời là khoảng 5 triệu, cụ thể anh điện về Công ty, tôi không biết”.
Chưa hiểu vì lý do gì phía Công an huyện Nam Sách khẳng định cú điện thoại đó là anh Phạm Văn Tình “chỉ đạo đồng bọn cưỡng đọat số tiền 5 triệu của chủ tàu HD-6039” bởi cơ quan điều tra không chứng minh được nội dung cuộc gọi đó!?
Tiếp cận hồ sơ vụ việc, phóng viên báo PLVN đã có nhiều tài liệu quan trọng khẳng định chính xác anh Phạm Văn Tình đúng là bệnh nhân tâm thần đang điều trị ngoại trú khi xảy ra vụ việc.
Tại sổ khám cấp cho bệnh nhân Phạm Văn Tình của Bệnh viện bảo vệ sức khoẻ tâm thần (Quảng Ninh) ghi rõ, bệnh nhân Tình bị bệnh động kinh, có rối loạn tâm thần. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 28/KLGĐ ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Viện pháp y tâm thần trung ương ghi rõ: Bị can 43 tuổi từ năm 2001 bị tai biến mạch máu não vỡ mạch do dị dạng, từ đó biểu hiện thường đau đầu, mất ngủ, tình tình thất thường, cảm xúc không ổn định …
Tại thời điểm phạm tội ngày 09/7/2010 và hiện tại bị can Phạm Văn Tình có biểu hiện rối loạn cảm xúc không ổn định thực tổn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loạn tâm thần và hành vị bệnh có mã số F06.6.
Bị can đủ khả năng nhận thức, hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Trước đó, Hội đồng giám định y khoa trung ương cũng đã kết luận ông Phạm Văn Tình bị rối loạn cảm xúc không ổ định thực tổn F06.6, mất khả năng lao động 55%.
Một người tâm thần đang điều trị, mất khả năng lao động, không có mặt tại hiện trường nhưng lại có thể chỉ đạo được các công chức nhà nước, cán bộ Huyện đội của Đội kiểm tra liên ngành đi cưỡng đoạt số tiền 5 triệu đồng của tàu hút cát?
Từ đó đến nay gần 2000 ngày ròng rã anh Tình đội đơn kêu cứu bởi 5 tháng bị tạm giam, có dấu hiệu bức cung nhục hình, 3 lần bị thay đổi tội danh truy tố. Các cơ quan thực thi tố tụng của tỉnh Hải Dương liệu đã làm hết chức trách theo tinh thần thượng tôn pháp luật hay chưa?
Báo PLVN sẽ tiếp thông tin vụ việc này.