Chỉ số ít doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN Dự thảo Nghị định quy định về hoá đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức sáng qua, 12/9, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thuế GTGT, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, đơn vi chắp bút xây dựng dự thảo, cho biết, việc cơ quan này xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 51/201/NĐ-CP căn cứ tại điểm g khoản 2 mục I Chỉ thị 26/TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN, giao Bộ Tài chính “Xây dựng Nghị định về HĐ, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế, trình Chính phủ trong tháng 10/2017”.
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, nếu như hiện tại, theo Nghị định 51/NĐ-CP, DN có thể sử dụng HĐ giấy hoặc HĐĐT thì từ năm 2018, việc triển khai HĐĐT là bắt buộc, trừ một số trường hợp vẫn sử dụng HĐ giấy (như vé ra vào nơi vui chơi giải trí, xem phim, vé tàu xe…), Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn riêng. “Cơ quan thuế thực hiện đặt in HĐ để bán cho các DN mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh; hạn chế các đối tượng đặt in, tự in HĐ…”- bà Hà cho hay.
Đại diện Ban soạn thảo giải thích thêm: Để tránh lãng phí đối với trường hợp DN, tổ chức kinh doanh đã đặt in nhiều HĐ, DN, tổ chức kinh doanh vẫn có thể tiếp tục sử dụng HĐ giấy đến hết năm 2018, trường hợp muốn sử dụng HĐĐT phải làm thủ tục hủy HĐ giấy và khi đó chỉ được sử dụng HĐĐT chứ không sử dụng song song 2 loại HĐ như hiện nay (trừ trường hợp bất khả kháng).
Cũng theo đại diện Ban soạn thảo, hiện đã triển khai HĐĐT nhưng cả nước đang sử dụng 4 tỷ tờ HĐ giấy, mỗi tờ ít nhất 2 niên nên việc triển khai HĐĐT sẽ tiết kiệm chi phí cho DN và Nhà nước…
Băn khoăn thời điểm thực thi…
Đồng tình với việc xây dựng Nghị định sửa Nghị định 51/2010/NĐ-CP là cấp thiết, Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) , bà Nguyễn Thị Cúc tỏ ra băn khoăn về thời điểm Nghị định này có hiệu lực vì chỉ còn 3 tháng nữa.
Chủ tịch VTCA cũng đề nghị cân nhắc “mục tiêu đến năm 2020, cơ bản thực hiện HĐĐT với khoảng 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng HĐĐT, trong đó lưu ý tiêu thức “hoặc 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng HĐĐT “ là rất khó thực hiện, vì hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm cả chợ nông thôn, thậm chí chưa sử dụng HĐ trong các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ…
Cùng chung băn khoăn này, bà Đặng Thị Bình An – Công ty TNHH Tư vấn Thuế C&A đề nghị đến cuối năm 2019, đầu năm 2020 mới tiến tới bắt buộc sử dụng HĐĐT; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần có đánh giá toàn diện hơn về những khó khăn cũng như chi phí khi DN triển khai HĐĐT, hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối mạng… “Mục đích của chúng ta là đảm bảo hoạt động của DN, DN không phải là chuột bạch để chúng ta thử nghiệm chính sách…” - bà An phát biểu.
Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng tinh thần của Dự thảo Nghị định rất hay về việc chuyển đổi HĐĐT (thực ra là chậm), nhưng nên để ít nhất 2 năm thay vì chỉ 1 năm, vì giờ mới có hơn ngàn DN thực hiện. “Không đơn giản, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ, thậm chí còn rất nhiều DN chưa biết mạng mẹo là gì, dù sép ép cuộc cách mạng 4.0. 2 năm cũng cần phải có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ thì mới chuyển được…”- Luật sư Đức phát biểu.
Luật sư Đức cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của khởi nghiệp nói riêng và DN nói chung, không phải là lao động, công nghệ, sản phẩm, thị trường, mà chính là thuế má, hoá đơn.Vì vậy cần rất chú trọng đến kỹ thuật, hình thức, nội dung của Nghị định này.
Luật sư Đức đề xuất về hình thức, cần xem xét ban hành luật về hoá đơn bởi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Dẫn Luật Kế toán, Luật sư cho rằng Luật không giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định về hoá đơn, chưa kể sự thiếu đồng bộ và giá trị pháp lý gữa các quy định. Đặc biệt, Bộ luật Dân sự cũng quy định: Mọi hạn chế quyền của cá nhân, pháp nhân phải được quy định bằng luật. “DN đang được đặt in, giờ không được, nếu đúng ra phải được quy định bằng luật…” - Luật sư Đức đề nghị…
Theo Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính, việc thí điểm HĐĐT có mã của cơ quan thuế đã triển khai trên địa bàn Hà Nội, TP HCM. Hiện đã có 315 DN đăng ký với cơ quan thuế phát hành HĐ mã xác thực của cơ quan thuế (Trong đó Hà Nội có 201 DN, TP HCM có 114 DN, tính đến hết ngày 2/12/2016, tổng số HĐ đã phát hành và được xác thực là 2.449.548 HĐ, tổng tiền doanh thu đã xác thực là 18.934 tỷ đồng và tổng số thuế đã xác thực là 880,8 tỷ đồng…