Những cụ già cặm cụi giữ hồn phố
Trong con mắt của du khách vài lần đến với phố Hội, hình ảnh hai chị em cụ Đặng Thị Nhánh (81 tuổi) và cụ Đặng Thị Ớt (80 tuổi, trú khối phố 4, phường An Hội, TP.Hội An) dường như đã quá quen thuộc. Đã thường nhật hơn 60 năm qua, cứ đêm đêm người ta lại thấy hai cụ bên nia tò he đất trên những dãy phố đông đúc rực đỏ ánh đèn lồng như để góp thêm một chút nét phố xưa.
Hỏi về gia đình, con cái, hai cụ hồ hởi cười tươi tâm sự, hai cụ mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên đã sớm biết bươn chải bên bến sông Hoài. Ban ngày 2 cụ sống dưới chiếc ghe nhỏ, đêm đến lại lên bờ cùng những con tò he đất, chuồn chuồn bay. Cũng chừng ấy thời gian, hai cụ đã gắn trọn đời mình với những đêm trường thức trắng, chứng kiến những bước trở mình từng ngày, từng giờ của phố cổ. Không chỉ ba mẹ mà đời ông bà đều bám sông mưu sinh sống qua ngày nên sinh nghề, tử nghiệp là chuyện không thể nào tránh khỏi. Nghề chèo đò, nghề làm tò he là hai nghề của ông cha.
Hai cụ cho biết thêm, hai cụ cũng có nhà cửa, có con cái nhưng vì ưa tự do nên ra sông Hoài dựng “túp lều lý tưởng” cho hai chị em. Những đứa con của hai cụ nay đã thành gia thất yên bề, có công ăn việc làm ổn định.
Cụ Nhánh trầm ngâm nhớ lại: “Trước 1945, bến cảng sông Cổ Cò (sông Hoài) luôn tấp nập tàu ghe thuyền ra vào. Khi ấy, con sông này sâu và nước trong veo, không như bây chừ bị bồi lấp, nước ô nhiễm nặng… Còn cuộc sống người dân khi ấy cũng lắm cơ cực. Nhưng mấy chục năm trở lại đây, nhờ du lịch phát triển mà người dân đã khấm khá hơn. Cụ cũng bám níu được với cái nghề bán tò he đất gần 70 năm nuôi con”.
Tài sản của hai cụ là chiếc ghe nhỏ, mái chèo, nia tò he đất, một đôi quang gánh cũ, hai bộ đồ bà ba đã bạc màu thời gian và 2 chiếc nón lá cũ kĩ đã sờn. Đó như là những vật dụng bất ly thân của hai thân già này suốt hơn 60 năm qua. Ngày ngày, chúng đã đồng hành cùng hai cụ trên những chặng đường mưu sinh ở phố Hội. Nhiều khi hai cụ xem chúng như những người bạn tâm giao không thể nào dứt.
Những nụ cười thân thiện của con người Hội An. |
Thường thì cứ mỗi sáng hai cụ quẩy gánh lội bộ chừng mấy cây số lên tận làng gốm Thanh Hà lấy từng con tò he đất đem về, đến đêm lại bưng nia tò he đất ra phố. Tầm 11-12 giờ khuya, lại lọ mọ gom tất cả quẩy gánh đi về với bao nỗi niềm. Và cứ thế ngày qua ngày không mệt mỏi. Cũng chừng ấy thời gian, hai cụ đã gắn trọn đời mình với những đêm trường thức trắng, chứng kiến những bước trở mình từng ngày, từng giờ của phố cổ. Nghề này có vất vả, thu nhập ít nhưng với hai cụ như là một phần cuộc sống của mình.
Thi thoảng có khách muốn ngắm phố cổ, hai cụ lại xuống làm “thuyền trưởng” đưa khách dạo chơi. Nhìn những tay chèo chắc nịch của cụ Ớt mà chúng tôi không khỏi thán phục. Cụ năm nay đã bước sang tuổi 80 nhưng sức khỏe xem ra còn hết sức dẻo dai, không khác gì thời con gái. Một mình cụ ngồi trên mỏn ghe rất tỉnh táo, hai tay cầm chắc mái chèo thong thả chèo đưa con thuyền lướt sóng. Đối với các cụ, chèo đò không chỉ là cái nghề để mưu sinh mà còn để chia sẻ, gắn bó biết bao vui buồn. Trừ khi đau ốm, còn lại hầu như đêm nào các cụ cũng ngồi bán hàng đến nửa đêm mới về nhà. Bán nhiều hay bán ít không quan trọng, được nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng bằng được có mặt trong phố đêm, cùng vui buồn với mảnh đất và mọi người có mặt nơi này.
Tình người phố Hội
“Họ tốt bụng, thân thiện và rất dễ gần lắm”. Nhiều du khách có chung cảm nhận như vậy khi gặp và được chào đón bằng nụ cười tươi nồng hậu mời khách. Khi khách có vẻ lớ nga lớ ngớ, họ lại chủ động bắt chuyện. Nếu vị khách nào cần giúp đỡ gì thì họ tận tình, chu đáo. Hay đơn cử như khi có một vị khách Hà Nội ghé vào hàng tò he ngỏ ý mua tò he đất làm quà, trước khi bán, họ giải thích, dặn dò rất chi li, cặn kẽ về những con tò he đất này, nhất là cách thổi có thanh âm tò he. Vậy nên hầu như vị khách nào có nhã ý ghé vào hàng đều không ngần ngại bỏ tiền ra mua một vài con tò he đất hay thứ gì đó rất Hội An về làm quà.
Tác giả chụp ảnh cùng cụ Ớt - nhân vật trong bài viết |
Ngồi quan sát thấy khi khách Tây đi qua, hai cụ Ớt – Nhánh lại thi nhau bập bẹ vài tiếng Anh chào hàng vồn vã. Miệng vừa nói, tay vừa cầm những con tò he đất rung rung, rồi thổi “Te! Te!” nghe rất vui tai. Nhiều khách Tây dù đã đi qua nhưng khi nghe tiếng tò he vang lên cũng ngoảnh lại mua vài con về làm quà. Tay cầm những chú tò he, ánh mắt các cụ nhìn vào du khách, miệng thưa thớt vài câu tiếng Anh “bồi” rất sành sỏi.
Hỏi về bí quyết học tiếng Tây, hai cụ cười giòn tan, khiêm tốn nói: “Có chi mô mà bí với quyết! Nhiều lúc thấy khách nước ngoài ghé lại nói toàn tiếng Tây, không hiểu nên nhờ lũ trẻ, mấy bác xe ôm hay cô chú hướng dẫn viên chỉ vài câu nói chơi… Ở phố, ở chợ riết nghe họ nói chuyện rồi mình nói lại thành ra rành, quen miệng thôi. Nói rứa chứ cũng học mấy chục năm ni rồi nhưng chỉ nói được chừng ấy là cùng”. Chị Thu, một du khách đến từ Đà Nẵng nhận xét: “Hai cụ nói tiếng Anh tuy còn ngọng nghịu, khô cứng nhưng cũng sành sỏi, trôi chảy đấy!”.
Dưới ánh đèn lồng rực sáng không gian phố Hội, những thân già, trẻ nhỏ vẫn cần mẫn mưu sinh. Một du khách phương xa đã cho rằng, đó là bức tranh gam màu ký ức thời gian về đêm của phố Hội; và phố Hội sẽ phai nhòa bản sắc nếu thiếu vắng những hình ảnh này. Để rồi một ai đã một lần về với phố Hội, chùa Cầu đều vang mãi câu ca trong tâm khảm: “Ai qua phố Hội chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.” H.K