Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nếu mưa với cường độ dưới 50mm kéo dài 2 giờ, về cơ bản trên địa bàn TP sẽ không xảy ra úng ngập. Nhưng nếu cường độ mưa lớn hơn, từ 50mm đến 100mm, dự kiến có 23 điểm ngập, trong đó quận Hoàng Mai úng ngập nặng nhất với 7 điểm ngập sâu tại trước Bến xe phía Nam (đường Giải Phóng), phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), phố Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Mai Động, Định Công.
Nếu lượng mưa lớn trên 150mm, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điểm có nguy cơ ngập trên địa bàn do Công ty phụ trách (12 quận và huyện Thanh Trì, thuộc phạm vi lưu vực sông Tô Lịch, chưa kể lưu vực sông Nhuệ và lưu vực Hà Đông).
Tình trạng úng ngập của Thủ đô khi mùa mưa đến là do năng lực hệ thống thoát nước không “đuổi kịp” sự phát triển của đô thị. Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, nếu phạm vi lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ thì lưu vực Sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông, việc tiêu thoát nước vẫn phụ thuộc vào hệ thống kênh mương cũ.
Trước mùa mưa 2015, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp nhận quản lý một loạt hồ như Phương Liệt 2, Hào Nam, Trung Văn, Bảy Mẫu, Đống Đa, Thạch Bàn 1-2… đưa vào vận hành điều hòa, giải quyết úng ngập cục bộ cho các tiểu lưu vực.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu, với 23 trọng điểm úng ngập, phải xây dựng phương án xử lý cục bộ, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh nhất, phân làn, phân luồng phương tiện giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Sở Xây dựng phải hoàn tất việc duy tu, cải tạo toàn bộ hệ thống cống thoát nước trên địa bàn; đồng thời hoàn tất kiểm tra, có phương án vận hành, điều tiết nước cho 85 hồ điều hòa theo chế độ mùa mưa./.