1. 4h sáng, cả nhà đang còn ngon giấc, chị Huỳnh Thị Hường (43 tuổi, ngụ tổ 5, phường Hòa Khánh Nam) đã trở dậy, lui cui chuẩn bị đồ nghề đi làm. Xong đâu đó, chị lần mở cửa qua hàng xóm, gọi mấy chị em “đồng nghiệp” lên đường. Băng qua núi Phước Tường, họ đến bãi rác Khánh Sơn lúc trời vừa hửng sáng, bắt đầu cho một ngày “bám” rác nhọc nhằn. Chị Hường tâm sự, những ngày hè nắng ráo đỡ khổ, “chứ mùa mưa, hoặc lúc còn làm “ca đêm” như trước đây, chuyện đi lại cực nhọc hơn nhiều”.
“Đồ bảo hộ” của các chị chỉ chiếc nón, khẩu trang, ủng và đôi găng tay lỗ chỗ vá. Ở đây, trừ những người làm việc có chế độ nhà nước (Công nhân Xí nghiệp quản lý bãi và Xử lý chất thải, là đơn vị quản lý bãi rác Khánh Sơn -PV) dùng dụng cụ tự chế như móc, cào... để đào, móc rác giữa đống rác lớn, còn rất nhiều người như chị Hường phải dùng tay bới rác. Làm hết cỡ, mỗi ngày chị Hường kiếm khoảng 200 ngàn đồng.
Làm cùng chị Hường có bà Nguyễn Thị Thanh (52 tuổi, ngụ tổ Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam) với gần 30 năm đi nhặt rác. Con gái bà là chị Lê Thu Trang (30 tuổi) cũng cùng mẹ nhặt rác từ năm 14 tuổi đến nay. “Hàng ngày, hai mẹ con có mặt ở bãi rác từ khoảng 4h sáng và về nhà khi mặt trời khuất núi. Trọn một ngày lao động, mỗi người thu nhập từ 150 – 200 ngàn đồng. Còn sức, tôi ráng làm để mai mốt già yếu không đi lại nữa vẫn có cái mà ăn”, bà Thanh tâm sự.
Đang nói chuyện, nhưng thoáng thấy chiếc xe rác bóp còi, mẹ con bà Thanh bỏ ngang, vội cùng hàng chục phụ nữ đàn ông vội chạy đến vây quanh, tay thoăn thoắt đào bới, tìm kiếm các loại phế thải. Trong lúc làm việc, tiếng hét sung sướng của ông Trịnh Văn Thành (69 tuổi, ngụ Thanh Khê) khiến ai nấy đều ngoái đầu lại. Ông Thành với vẻ mặt rạng rỡ, huơ huơ vài tờ tiền mệnh giá 50 ngàn: “Bà con ơi tui lượm được tiền nè”.
“Thi thoảng chúng tôi cũng lượm được chút ít tiền, giấy tờ tùy thân, sổ đỏ… và liên hệ với người bị mất hoặc địa phương để trả lại. Đồ phế thải thì cái gì dùng được đem về dùng, cái gì bán được sẽ bán. Hơn 35 năm nhặt rác, đồ dùng sinh hoạt trong nhà tôi đa số đều được lượm từ nơi này...”, ông Thành cho hay.
2.Trưa. Đống rác mỗi lúc một chất cao như núi, mùi hôi hám càng nồng nặc đặc quánh. Đôi tay của những người nhặt rác, phân loại túi ni lon, kim loại và giấy trở nên mỏi nhừ. Hơi thở cũng bắt đầu gấp hơn, đôi chân ngâm lâu trong rác chừng như nhũn ra… họ mới ra hiệu nhau, cùng kéo những bao tải thành phẩm xuống chân “núi rác”. Tại đây, nhiều túp lều được căng bằng bao tải rách mọc lên, làm chỗ che nắng, nghỉ ngơi.
“Cô Thanh ơi, cho tui ly sửa đậu nành!”. “Em ơi, cho chị tô bún 5 ngàn!”..., những tiếng gọi hàng, khê đặc trong cổ họng cất lên. Đám ruồi bị đánh động theo từng cái khua tay, cái vung nón quạt... của cô bán hàng trong “căng tin” được dựng tạm dưới tấm ni lông thấp lè tè chưa đầy 3m2 ngay giữa bãi rác. Những người nhặt rác bắt đầu bữa trưa với suất cơm giá sáu ngàn đồng.
Nhặt nhạnh mọi thứ có thể bán ra tiền. |
Mặc dù chỉ còn khoảng hai tháng nữa sinh con nhưng chị Huỳnh Thị Mai (28 tuổi, ngụ Khánh Sơn) vẫn ôm bụng vượt mặt đi nhặt rác. Chị cười: “Chồng tôi cũng nhặt rác tại đây luôn mà. Có vợ có chồng, khi nào đau bụng thì đi sinh, chứ ở nhà lấy gì mà sống”.
“Quen rồi!”, bà Thu Hồng nói về chuyện cả ngày ăn ở đều tại bãi rác. Bà từng trải qua cảm giác ghê ghê và tâm lý “thôi ráng làm vài bữa rồi nghỉ, có sao đâu”. Nhưng rồi “vài bữa” kéo dài vài chục năm. Như bà Hồng, “nghiệp” rác gắn vào thân kể từ khi “khai thiên lập địa” bãi rác ở khu vực Thanh Khê 6, quận Thanh Khê tới bây giờ.
Bà Hồng nói công việc của những người như bà là ngày ngày cúi mặt, ráng mở to con mắt dưới cái nắng, cái rét, mồ hôi nhỏ đắng con ngươi, để nhận ra đồ nào có thể tái chế nằm xen lẫn trong thức ăn thừa, hôi thiu. Có khi móc lên gặp chân, tay hay một phần thân thể, da thịt nào đó con người đã bị hoại tử sau phẫu thuật của các trung tâm y tế dồn về, khi thành phố còn chưa xây dựng lò đốt chất thải y tế. Còn chuyện giẫm đạp mảnh thủy tinh, kim tiêm... thì xảy ra như cơm bữa.
3. Chiều muộn, những tia nắng cuối ngày yếu ớt hắt vào bãi rác Khánh Sơn. Từng dòng người hối hả đi vào trước đó, nay lầm lũi đi ra, xen lẫn tiếng cười đùa giúp xua bớt mệt nhọc. Quệt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má, bà Hồng giải thích thêm câu nói ban trưa: “Nghề ni, chẳng trang bị cái gì ngoài đôi bàn tay và con mắt. Bám nghề rồi, chẳng thấy chi ngoài phế liệu để nhặt nhạnh, hi vọng có đồng ra đồng vô cho cả nhà ăn uống, mấy đứa nhỏ học hành. Biết cực khổ, bệnh tật, nhưng đâu thể khác được. Mấy người hàng xóm tò mò hỏi làm nghề gì, cũng nghĩ người ta khinh khi, tôi nói buôn ve chai… cho sang”, bà Hồng tâm tình.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý bãi và Xử lý chất thải cho biết, mỗi ngày có đến hàng trăm người nghèo ở Đà Nẵng và cả Huế, Quảng Nam mưu sinh ở bãi rác Khánh Sơn. Những năm qua, đơn vị đã xử lý quyết liệt nên đỡ mùi nhiều. Giờ nghỉ trưa, dân nhặt rác vẫn vô tư xì xụp bún, mỳ Quảng, cà phê tại chỗ. Xung quanh rác ngập tận đầu.
“Mình không thể cấm họ, nhưng dù sao bãi rác vẫn là nơi nguy hiểm cao cho nhiều mầm bệnh. Tôi chỉ mong TP có chính sách, tạo việc làm cho người nhặt rác, để chẳng có ai mưu sinh nơi này nữa”, ông Huy bày tỏ.