Mặc cho ve sầu khản tiếng gọi hè, nơi đồng ruộng, vỉa hè, bãi rác… ở Đồng Nai, chúng tôi vẫn gặp những đứa trẻ nghèo cần mẫn mưu sinh. Mùa hè kết thúc, những đồng tiền mà các em kiếm được, phần lớn để mua sắm quần áo, cặp sách cùng chúng bạn đến trường.
Ngày hè của trẻ em tại bãi rác Tân Cang, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). |
Nơi đồng cỏ, vườn cây…
Năm học cũ vừa kết thúc, hai chị em Lê Ngọc Thắm (lên lớp 8) và Lê Minh Quân (lên lớp 6) rời khu nội trú Trường Trung học cơ sở Mã Đà (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về lại căn nhà thân quen ở ấp 5, xã Mã Đà để cùng bố mẹ đi làm cỏ mỳ (sắn), bóc vỏ bạch đàn (tràm) thuê cho các hộ dân trong xã.
Bên rẫy mỳ của gia đình vừa nhú những mầm non, em Lê Ngọc Thắm tiếp chuyện với chúng tôi. Thắm cho biết, 10 tuổi em đã biết cầm cuốc dãy cỏ, bỏ hom mỳ, tỉa bắp, bóc vỏ bạch đàn. Còn Lê Minh Quân thì khoe, được nghỉ hè về nhà theo cha mẹ, chị đi rẫy hoặc “lén” vào rừng bẫy gà rừng vui không kém gì lúc đi học.
Thấy các con say sưa chuyện trò với khách, chị Phượng (mẹ Thắm và Quân) tạm gác việc, lại gần bắt chuyện. Chị Phượng bộc bạch, không riêng gì các con của chị, trẻ con nghèo ở đây khoảng 8 hoặc 9 tuổi là biết phụ việc đồng áng cho gia đình. Tùy theo sự siêng năng của chúng mà người lớn giao việc như: làm cỏ, tỉa hạt hoặc cơm nước tại rẫy. Cũng nhờ những ngày hè được các con hỗ trợ mà chị và anh Phúc (cha Thắm và Quân) nhanh chóng kết thúc việc rẫy của gia đình để có thời gian đi làm thuê mướn cho các hộ khác.
Khác với hoàn cảnh của Thắm, Quân, Em Bích Nhung (10 tuổi), con anh Trần Thanh Lâm (tạm cư tại ấp 5, xã Mã Đà), ba năm qua theo cha đi làm thuê mướn mà quên cả chuyện học. Vì vậy , mùa hè của Nhung sẽ khéo dài cho đến khi trưởng thành. Anh Lâm thổ lộ, Nhung đang học lở dở lớp một ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thì mẹ ruột đột ngột bỏ nhà đi làm ăn xa (đến nay anh không rõ tin tức). Từ dạo đó, hai cha con anh nay chỗ này, mai chỗ khác và nay cũng không còn nhà để cố định một chỗ cho bé Nhung đi học.
“Tui bóc được ba khúc thì nó cũng bóc được một khúc nên cũng chóng xong một te (2 khối) trong ngày”- chỉ vào đống gỗ tràm đang bóc dở, anh Lâm bày tỏ. Riêng bé Nhung thì buồn buồn nói: “Con cũng thích đi học để được nghỉ hè, rồi đi học lại như các anh chị. Vậy mà, ba con cứ hứa hoài và nói cho nghỉ hè dài dài”.
Tại bãi gỗ gần bến xe Phương Lâm (xã Phú Thanh, huyện Tân Phú), em Tý đang loay hoay cùng cha ruột và chú dùng cưa máy lạng (cắt) gỗ. Tý cho hay, công việc của em là dọn những tấm ván khi cha lạng khúc gỗ cho tròn. Đó cũng là công việc của em kể từ khi được nghỉ hè, hoặc những ngày thứ bảy, chủ nhật khi còn đi học. Anh Toản (cha Tý) tâm sự, nhờ có em mà anh khỏi tốn tiền thuê người phụ việc. Nhờ vậy, cha con anh “ẵm” trọn được trên 300 ngàn đồng/ngày. Có vậy, khi vào năm học mới em Tý mới có sách vở, áo quần và các chi phí khác nhập học.
Trao đổi với chúng tôi chị Thủy bán hàng nước gần nơi làm việc của cha con Tý cho biết thêm, thấy Tý làm việc mà chị thương, vì cây thì to, cưa máy thì kêu ken ét, quơ qua, quơ lại rất nguy hiểm. Thỉnh thoảng hai cha con Tý mới chạy qua mua chai nước ngọt hoặc ổ bánh mỳ ăn lót dạ giữa trưa. Còn Tý thì thơ ngây nói: “Có gì đâu chú, chuyện nhỏ mà. Con làm riết rồi nên cũng quen và nhờ nghỉ hè nên mới rảnh mà đi phụ cha. Nhờ vậy, ngày tựu trường con mới có áo quần, sách vở mới đi học chứ”.
Mùa hè của bé Bích Nhung sẽ còn kéo dài vì cha con em luôn nay đây, mai đó. |
… bãi rác, lề đường
Thêm một mùa hè nữa, các em nhỏ ở bãi rác Tân Cang (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) vẫn chí thú cùng cha mẹ nhặt rác mưu sinh. Em Dũng (15 tuổi) con chị Thuận cho hay, bao năm qua các em đã quen vui hè với rác. Rác cho Dũng và nhiều bạn nhỏ khác tiền sinh hoạt hàng ngày, tập vở, áo quần, xe đạp mới để đến trường. “Tuy vậy, nếu được cha mẹ cho đi chơi hoặc về quê thăm ông bà thì em vẫn thích hơn là những ngày hè vừa nhặt rác và vui đùa cùng chúng bạn”- Dũng nói.
Đồng hành với Dũng nơi bãi rác Tân Cang những ngày hè qua, còn có các em nhỏ khác như: Tú, Đoàn, Mừng, Tường Vi…Trò chuyện với chúng tôi các em cho biết, những ngày hè được cùng nhau thỏa sức vui đùa, bới rác kiếm tiền để phụ giúp gia đình cũng thú vị. Như vậy, vừa có tiền và đỡ buồn chán hơn khi các em so sánh mình với các bạn khác ở cùng khu nhà trọ. Vì các bạn này, hiện chỉ biết quẩn quanh trong góc nhà khi bố mẹ đi ca. “Ra đây, chúng cháu hết ném lon thì trốn tìm. Trưa nắng thì chui vào lều ngủ hoặc rủ nhau đi đâu đó chơi. Trời về chiều mới quay lại nhặt rác tiếp”- Mừng (13 tuổi) bày tỏ.
Trên đường trở về, đến ngã tư Tam Hiệp (khu vực phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chúng tôi bắt gặp hai chị em Thơi và Hạnh đang cùng mẹ bán vé số bên góc đường. Bé Thơi (16 tuổi) cho hay, quê em ở ngoài Bắc. Đến hè thì được bố mẹ cho vào Nam chơi, được mẹ dẫn đi bán vé xố để kiếm tiền tàu xe về lại quê và chi phí cho năm học mới.
Với Thơi, mùa hè là những ngày gia đình em đoàn tụ, làm ra tiền nhiều hơn (vì 4 người cùng làm việc). Nhờ vậy, mà Thơi và Hạnh vẫn tiếp tục được đến trường vì mọi chi phí sinh hoạt của các em và ông bà nội ở quê đều phụ thuộc vào số tiền bố mẹ các em gửi về trong những ngày bôn ba mưu sinh tại Biên Hòa.
Trong khi đó, tại khu sản xuất ván lạng ở khu phố 5, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) em Hải Đảo (16 tuổi) vẫn cần mẫn cùng mẹ phơi ván. Hải Đảo bộc bạch, nhờ vậy mà em mới có điều kiện đi học và chia sẻ bớt khó khăn với mẹ. Cùng làm ván lạng với Hải Đảo có em Thịnh (14 tuổi) con anh Năm Hú (khu sản xuất ván lạng gần đó).
Thịnh cho hay, vì nghèo nên cha mẹ dắt em đi hết nơi này đến nơi khác làm ăn. Do cha mẹ Thịnh mới xin vào làm việc tại khu sản xuất ván lạng này, nên Thịnh chưa có bạn mới. Chính vì vậy, khi hè đến Thịnh chỉ còn biết theo mẹ đi phơi ván hoặc dắt xe ra đường nhựa mua thức ăn, thuốc lá khi được mấy chú làm cùng mẹ sai vặt.
Ngày hè của các trẻ em nghèo mà chúng tôi đã gặp nơi những cánh đồng vắng vẻ, hay đô thị đông đúc là vậy. Mùa hè của các em vẫn là những buổi sáng theo cha mẹ ra đồng đến tối mịt mới về, hay phơi nắng ngoài đường để bán vé số, đánh giầy, nhặt ve chai, hoặc lam lũ bên những bãi rác ô nhiễm…
Với các em, ngày hè được chia sẻ gánh nặng cơm áo, gạo tiền với cha mẹ, gia đình sum họp là hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa, khi ve sầu dứt tiếng, các em được quay lại mái trường quen thuộc với áo quần, tập sách mới và đóp góp đủ đầy các khoản tiền như bao các bạn con nhà khá giả khác với nhà trường bằng sức lao động của mình trong những ngày hè.
Đoàn Phú