Chương trình vinh danh có hai hoạt động chính là tổ chức cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” và tổ chức bình chọn “Gương sáng Tư pháp”. Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” sẽ viết về các cá nhân tiêu biểu, điển hình, có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn các tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng cho tác giả; các nhân vật được phản ánh sẽ được đưa vào danh sách bình chọn để vinh danh là “Gương sáng Tư pháp”.
Với mong muốn sẽ có nhiều Gương sáng Tư pháp được vinh danh, Báo Pháp luật Việt Nam mong sớm nhận được tác phẩm của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Và để độc giả nắm rõ hơn, Pháp luật Việt Nam xin được giới thiệu Thể lệ cuộc thi viết dưới đây.
Điều 1. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích của cuộc thi: Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” nhằm tôn vinh các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp. Thông qua cuộc thi viết để động viên, khích lệ đối với các cá nhân được tôn vinh, đồng thời khuyến khích việc xây dựng và phát triển phong trào thi đua vì công tác tư pháp; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về công tác tư pháp trong xã hội.
2. Yêu cầu của cuộc thi: 1. Các tác phẩm dự thi cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” tập trung thể hiện về cuộc sống, công việc của những người làm công tác tư pháp. Trong đó, các tác phẩm dự thi cần phản ánh được những nỗ lực vượt qua khó khăn của những người làm công tác tư pháp; sự năng động và sáng tạo trong việc thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn của công tác tư pháp. Các tác phẩm dự thi làm nổi bật hình ảnh cuộc sống, chân dung con người, ý chí và nỗ lực những người làm công tác tư pháp và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. 2. Trong mỗi tác phẩm dự thi, tác giả phải nêu những đặc điểm riêng của mỗi nhân vật, mỗi hoàn cảnh và những khó khăn mà những người làm công tác tư pháp đã trải qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao nhằm phản ánh một cách sâu sắc về cuộc sống, lao động và niềm đam mê, khao khát của những người làm công tác tư pháp; tạo nên sự chia sẻ, đồng thuận của xã hội với công việc của ngành Tư pháp. 3. Các tác phẩm dự thi phải phản ánh trung thực về đối tượng phản ánh.
Điều 2. Đối tượng dự thi
1. Các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, kể cả cán bộ, công chức của ngành Tư pháp.
2. Ban Tổ chức không hạn chế đối tượng dự thi.
Điều 3. Đối tượng phản ánh của cuộc thi viết
1. Đối tượng phản ánh của Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” là những người làm công tác tư pháp, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương; những người làm công tác hòa giải cơ sở cấp thôn và cấp xã, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tuyên truyền viên thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; luật sư, công chứng viên, giám định viên, trọng tài viên; cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, ngành.
2. Đối tượng phản ánh của Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” là những cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong công tác hoặc có những sáng tạo và đóng góp tích cực đối với công tác của ngành Tư pháp; là tấm gương cán bộ tư pháp nỗ lực vượt khó, phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp Tư pháp.
Điều 4. Tác phẩm dự thi
1. Nội dung tác phẩm phản ánh trung thực, chính xác về nhân thân, đời sống, kết quả công tác của đối tượng phản ánh. Các tác phẩm không được hư cấu hoặc đưa những thông tin không có thật về đối tượng, nhân vật được phản ánh (kể cả đối với thể loại tác phẩm dự thi là phóng sự, ký sự).
Đối với nội dung tác phẩm có tài liệu liên quan (như bằng khen, giấy khen, huân chương), tác giả gửi kèm bản thảo bài viết bản sao các tài liệu liên quan đến nội dung bài viết.
Thể loại: Phóng sự, ký sự, bài phản ánh.
3. Quy cách và hình thức trình bày: Trình bày trên khổ giấy A4, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14. Mỗi bài không dài quá 1.700 từ, kèm ảnh minh họa và tư liệu, tài liệu liên quan (nếu có);
4. Yêu cầu về tính pháp lý của tác phẩm dự thi: Bài viết dự thi chưa được đăng tải trên báo viết hoặc báo điện tử trước thời điểm gửi bài thi và không được gửi đăng trên báo viết, báo điện tử sau thời điểm gửi bài thi, trừ những tác phẩm không được Ban Tổ chức sử dụng trong thời gian tổ chức cuộc thi.
5. Số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả dự thi: Không hạn chế
6. Bài dự thi phải được ghi rõ tên tác giả (kể cả trường hợp sử dụng bút danh), địa chỉ và điện thoại liên lạc. Trường hợp ký bút danh, cần phải ghi rõ tên thật, địa chỉ và điện thoại liên lạc.
Điều 5. Quyền tác giả của tác phẩm dự thi
Các tác phẩm dự thi được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam, số ra hàng ngày và được đăng lại trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Các tác phẩm dự thi được trả nhuận bút theo quy định, mức tối thiểu là 500.000 đồng, tối đa là 1.500.000 đồng.
Điều 6. Cơ cấu giải thưởng
1. Các giải thưởng
- 1 giải Nhất: 10 triệu đồng.
- 2 giải Nhì: Mỗi giải 7 triệu đồng.
- 3 giải Ba: Mỗi giải 5 triệu đồng.
- 5 giải Khuyến khích: Mỗi giải 2 triệu đồng
2. Vinh danh nhân vật trong các tác phẩm đạt giải
Đối với các nhân vật được phản ánh trong các tác phẩm đạt giải, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ đưa vào danh sách bình chọn để Hội đồng bình chọn lựa chọn và đề nghị công nhận là “Gương sáng Tư pháp”.
Điều 7. Thời gian và thủ tục gửi và nhận bài thi
1. Thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 9/2/2015, kết thúc vào ngày 30/6/2015.
2. Địa điểm nhận bài thi: Báo Pháp luật Việt Nam; Địa chỉ: số 42 ngõ 29 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Trên bì thư gửi tham dự cuộc thi viết, tác giả ghi rõ “Bài tham gia Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp”.
3. Thư điện tử nhận (E-mail) bài dự thi: thoisuphapluatvn@gmail.com. Trên tiêu đề E- mail, ghi rõ “Bài tham gia Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp”. Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả gửi bài dự thi cả bằng đường bưu điện và thư điện tử. Bài dự thi không được sử dụng, Ban Tổ chức không gửi lại người tham dự.
4. Số điện thoại liên hệ hoặc đề nghị giải đáp thắc mắc liên quan đến việc gửi bài viết qua email và nhận trợ giúp trong quá trình tham dự cuộc thi: 0913.035.082 (Nhà báo Hồng Thúy).
Điều 8. Công bố giải thưởng và trao giải
1. Sau khi nhận được bài dự thi, Ban Tổ chức sẽ biên tập và đăng tải trên ấn phẩm báo ngày, báo điện tử của Báo Pháp luật Việt Nam.
2. Kết thúc thời gian nhận bài thi, Ban Tổ chức sẽ thành lập Ban Giám khảo để thực hiện việc chấm thi đối với các tác phẩm dự thi đã được đăng tải. Ban Giám khảo thực hiện việc chấm thi theo Quy chế chấm thi do Ban Tổ chức ban hành.
3. Sau khi có kết quả chấm thi, Ban Tổ chức sẽ công bố danh sách tác giả, tác phẩm đạt giải và trao tặng giải thưởng theo quy định tại Điều 5 Quy chế này. Đối với các tác giả đang cư trú, học tập tại Hà Nội, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng tại buổi Lễ vinh danh “Gương sáng Tư pháp” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày Báo xuất bản số báo đầu tiên.