Ngày 14/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 716/QĐ – TTg (Chương trình 716). Chương trình thí điểm tại 7 tỉnh, cho 700 hộ nghèo, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai đại trà. Mỗi hộ thuộc diện đối tượng được ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng, được vay vốn ưu đãi với mức 10 triệu đồng, ngoài ra huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng, đóng góp của các hộ gia đình với mức tối thiểu 10 đồng.
Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ
Với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp”, Chương trình nhằm mục tiêu là Nhà nước hỗ trợ để người dân xây dựng được một diện tích nhà tối thiểu (khoảng 10 m2), có cao độ sàn hơn mực nước cao nhất để người dân trú và cất giữ tài sản ngay tại nhà ở của mình khi có lũ về.
Hành Thiện là một trong hai xã của toàn tỉnh Quảng Ngãi được chọn thí điểm hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Tiếp chúng tôi trên phòng làm việc ở tầng hai khu nhà ủy ban, nơi trong cơn lũ lịch sử vừa là trung tâm điều phối cứu trợ cứu nạn, nơi tránh lũ của người dân và nơi cất giữ tài sản, heo, bò, lợn, gà của nhiều nhà quanh đây, ông Mai Duy Tuấn – Chủ tịch UBND xã Hành Thiện – cho biết: “Xã toàn nhà cấp bốn, mọi khi có lũ các hộ dân phải tránh lên trường học, ủy ban hay cầu Cộng Hòa bắc qua sông Vệ, nên khi 47 hộ có nhà tránh lũ, các hộ xung quanh có thêm chỗ trú tránh”.
Thực tế, qua trận lũ lịch sử trung tuần tháng 11 vừa rồi cho thấy, hiệu quả của các căn chòi tránh lũ rất rõ ràng. Lũ năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 1999 đến 50cm, nhưng không căn chòi nào bị ngập.
Căn gác riêng thành chỗ tránh chung
Căn nhà của gia đình anh Lê Quang Huy – chị Nguyễn Thị Hiệp (thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, tỉnh Quảng Ngãi) dựng bên bờ con suối hiền hòa chảy ra sông Vệ. Ấy mà trong đợt lũ trung tuần tháng 11 vừa rồi, con suối ấy chở dòng nước ào ào vùn vụt, đưa nước dâng lên ngập nhà, ngập cửa.
Chỉ cho chúng tôi ngấn nước còn vệt vàng trên bức tường nguyên màu ve mới, chị Nguyễn Thị Hiệp kể, ngày thường, cái chòi gác mới xây kiên cố từ tiền hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được gia đình dùng làm nơi cất thóc gạo và vật dụng, “cũng chưa thấy lợi ích rõ ràng, chỉ là có thêm diện tích sử dụng thôi”.
“Nhưng ngày nước lên nhanh như hôm nọ mới thấy tác dụng của nó” – chị kể - “Khi nước suối sau nhà dâng, lũ chảy xiết sập chuồng bò, cả nhà 6 – 7 người chạy lên trên gác này trú tránh, sốt ruột nhìn nước lên nhanh từng giây. Bà con xung quanh cũng gửi được tài sản trên sàn này. Nếu không có cái sàn này, nước lên nhanh thế, chẳng biết người có chạy kịp không, huống hồ tài sản”.
Kết hợp xóa nhà tạm và xây chòi tránh lũ
Chưa năm nào người dân Hành Thiện phải hứng chịu trận lũ lớn thế, đỉnh lũ cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới gần nửa mét, lũ lại lên rất nhanh. Dù thiệt hại về vật chất không nhỏ nhưng một điều quan trọng mà cả xã Hành Thiện đạt được, đó là bảo toàn tính mạng con người.
Từ góc độ của người đứng đầu chính quyền tại cơ sở, ông Mai Duy Tuấn – Chủ tịch UBND xã Hành Thiện – mong muốn chương trình 716 nhanh chóng được đưa vào thực hiện đại trà. “Chúng tôi mong năm tới, khi triển khai rộng rãi, Chính phủ cho phép cả hộ cận nghèo cũng được hưởng chính sách này” – ông Tuấn nói – “Hơn nữa, thiết kế chòi hiện nay mới phù hợp với các hộ lẻ, vì thế từ thực tế tại địa phương, tôi cho rằng nếu kết hợp hài hòa giữa chính sách xóa nhà tạm theo Chương trình 167 và xây chòi tránh lũ theo Chương trình 716 để người dân vừa được ở nhà đảm bảo, tránh lũ, tránh bão an toàn, với thiết kế phù hợp với điều kiện cơn lũ, nâng cao, cấu trúc lớn hơn, diện tích rộng hơn…, thì ngoài việc bảo toàn về người, chòi tránh lũ còn có thể bảo toàn cả tài sản của người dân”./.