Nói về hai người phụ nữ đặc biệt, ông Cảnh tâm sự, hai cụ sống rất hòa thuận, chăm sóc nhau từng li, từng tí, từ miếng ăn đến lúc đau ốm. Đi đâu các cụ cũng phải đi cùng nhau mới chịu. Ăn cơm, uống nước, ăn trầu, mẹ chồng, nàng dâu cũng phải chia đều cho nhau.
Mẹ chồng, nàng dâu đều trường thọ
Sinh năm 1904, đến nay cụ bà Thái Thị Phan (tên thường gọi là cụ Long, ngụ xóm 1, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã bước qua tuổi 112, chỉ còn chưa đầy tháng nữa cụ Phan sẽ “cán đích” 113 tuổi. Tuổi cao, nhưng trông cụ vẫn rất khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, đôi mắt sáng, miệng luôn móm mén nhai trầu.
Kể về quá khứ của mình, cụ Phan cho hay, năm 26 tuổi cụ lập gia đình với cụ ông Bùi Ngọc Nghi. Hai cụ sinh được 5 người con, nhưng 2 trong số đó đã mất từ nhỏ do bệnh tật. Thời điểm đó, vì cuộc sống đói kém, hai cụ chỉ dựng tạm ngôi nhà đất bên dòng sông Lam làm nơi chui ra chui vào.
Bữa cơm gia đình dù chỉ là đĩa rau, con cá đánh được trên sông, nhưng họ luôn thấy hạnh phúc, đầm ấm. Tuy nhiên, biến cố đau buồn đã bất ngờ ập xuống gia đình này. Đó là năm 1949, sau khi cụ Phan mới sinh con út chưa được bao lâu thì người chồng qua đời.
Chồng mất, con cái lại đang tuổi ăn, tuổi lớn, cụ Phan phải gắng gượng nuôi gia đình. Hàng ngày, cụ lặn lội đi làm thuê cho những người giàu có trong làng kiếm lon gạo, củ khoai về nuôi các con. Công việc vất vả, nhưng người mẹ ấy luôn chịu khó cặm cụi làm việc. Cụ cũng luôn căn dặn con cái phải sống trong sạch dù đói nghèo.
Khi các con lớn lên, cuộc sống trong gia đình ấy cũng đỡ vất vả hơn. Trong khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, ngay cạnh nhà cụ Phan có hộ gia đình nhận cô gái Lê Thị Liên về giúp việc. Cô gái Liên vốn quê xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, nhưng vì gia đình nghèo đói đã đi ở đợ từ lúc mới 12 tuổi. Thấy cô gái hiền lành, chăm chỉ nên bà Phan rất ưng bụng. Sau đó, bà gợi ý mời cô gái Liên về nhà mình làm việc.
Điều đặc biệt là sau thời gian ở đợ, cô gái Liên đã được chủ nhà kén làm con dâu cho người con trai cả là ông Bùi Ngọc Long. Bà Liên vui vẻ nhớ lại: “Lúc nghe mẹ gợi ý gả con trai cho, tôi cũng bất ngờ, vì mình là phận đi ở đợ. Nhưng thấy mẹ tốt tính, anh em trong gia đình đều hòa thuận nên tôi chấp nhân lời đề nghị trên”. Vậy là từ thân phận người giúp việc, bà Liên chính thức trở thành con dâu cả của gia đình cụ Phan trong sự chúc mừng của mọi người.
Tính đến nay, bà Liên đã về làm dâu gia đình cụ Phan ngót nghét 74 năm, nhưng chưa bao giờ mọi người nghe thấy họ to tiếng một lần. Ngược lại, tình cảm mẹ chồng, nàng dâu rất gắn bó, tình cảm.
Thương bà Liên nghèo khổ, từ khi bà về làm dâu nhà mình, cụ Phan một mực thương yêu và chăm lo. “Tui cũng có hoàn cảnh cơ cựu, nó cũng vất vả từ nhỏ nên hai bên luôn hiểu nhau. Hơn nữa, con dâu từng có thời gian sinh sống tại nhà tôi nên tình nết ra sao đều đã hiểu rõ. Mang tiếng là mẹ chồng, nàng dâu nhưng chúng tôi quý, thân nhau như chị em”, cụ Phan móm mém nói chuyện.
Đáp lại tình cảm của mẹ chồng, người con dâu cũng tâm lý không kém. Từ khi chính thức bước chân vào nhà chồng, bà Liên luôn giữ ý tứ, lắng nghe lời dạy bảo của mẹ chồng. Bởi, bà biết rằng, chỉ có cách đó gia đình mới êm ấm, tình cảm mẹ con không bị sứt mẻ. “Mệ tui tâm lý, chu đáo lắm. Tui cũng luôn cố gắng dành mọi sự chăm sóc tốt nhất cho mệ”, bà Liên chia sẻ.
Cùng chung sống với hai mẹ con cụ Phan suốt nhiều năm nay là gia đình ông Bùi Ngọc Cảnh (46 tuổi) - cháu nội thứ 5 của bà Liên, cũng là chắt của cụ Phan. Nói về hai người phụ nữ đặc biệt, ông Cảnh tâm sự, hai cụ sống rất hòa thuận, chăm sóc nhau từng li, từng tí, từ miếng ăn đến lúc đau ốm.
Đi đâu các cụ cũng phải đi cùng nhau mới chịu. Ăn cơm, uống nước, ăn trầu, mẹ chồng, nàng dâu cũng phải chia đều cho nhau. Chứng kiến cảnh tượng đó, cháu, chắt trong nhà đều cảm thấy hạnh phúc.
Bí quyết sống lâu hơn thế kỷ
Điều đặc biệt là dù đã gần bước sang số tuổi 113, nhưng sức khỏe cụ Phan khiến nhiều người ghen tỵ. Ông Cảnh cho hay, hàng ngày cụ Phan vẫn đi cắt cỏ quanh làng. Thậm chí, cụ vẫn còn có thể đẩy chiếc xe rùa cải tiến chở rau cỏ. Đặc biệt cụ Phan vẫn có thể xâu kim khâu áo. Sợ sức khỏe cụ ảnh hưởng, cháu chắt đã nhiều lần khuyên can, nhưng cụ nhất quyết không chịu.
Chị Nguyễn Thị Bảy (45 tuổi, chắt dâu) bật cười khi nhớ lại kỷ niệm của cụ nội, có lần, con cháu trong nhà đem giấu các dụng cụ như liền, quang gánh, cụ cũng tìm cho ra. Nhiều hôm tìm không được, cụ lại đi bộ sang nhà hàng xóm mượn tạm, rồi một mình ra đồng làm việc.
Có lần cụ Phan còn cầm liềm ra đồng cắt cỏ về cho bò đến tận trưa vẫn chưa về. Con cháu hốt hoảng đi tìm thì thấy cụ đang lọ mọ đẩy xe cút kít chất đầy cỏ về nhà. Dù mồ hôi nhễ nhãi, nhưng chỉ cần nghỉ ngơi vài tiếng, cụ lại khỏe mạnh trở lại. Thời gian gần đây, cháu chắt phải liên tục canh chừng, cụ bà mới ít ra đồng hơn.
Người nhà cũng cho biết thêm, dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ rất hiếm khi đau ốm, thi thoảng lắm mới bị cảm cúm sơ sơ. Những lúc đó, gia đình đi lấy liều thuốc cảm cho uống, rồi để cụ nghỉ ngơi là lại mạnh khỏe như thường. Nhiều tuổi, nhưng các công việc đi vệ sinh, giặt giũ cụ Phan đều tự mình làm mà không cần đến sự hỗ trợ của cháu, chắt.
Khi được hỏi bí quyết sống lâu hơn thế kỷ, cụ Phan cười móm mém cho hay: “Nỏ có bí quyết chi đặc biệt cả. Cố làm việc đồng áng từ nhỏ nên chân tay lúc nào cũng hoạt động, như vậy vừa khỏe người, vừa thoải mái. Còn đến bữa ăn, chỉ cần bát cơm trắng và lọ muối vừng là ngon miệng rồi. Ăn như rứa (vậy) dễ tiêu hóa mà lại cho giấc ngủ sâu”.
Cháu, chắt trong nhà cho biết, cụ Phan gần như hoàn toàn ăn muối vừng và uống nước chè xanh. “Hễ ăn xong bữa cơm, cụ lại đến uống bát chè xanh, rất hiếm khi tôi thấy cụ uống nước lạnh và các loại nước giải khát khác”, chị Bảy cho biết.
Sợ cụ ăn uống kham khổ, nhiều lần con cháu mua cá, thịt về nhằm cải thiện bữa ăn, nhưng cụ đều không động đũa. Có lần vì nể sự nhiệt tình của con cháu cụ chỉ gắp vài lần rồi lại bỏ đó.
Suốt nhiều năm qua, cụ Phan chỉ trung thành với lọ muối vừng. Nhớ lại kỷ niệm liên quan đến món ăn khoái khẩu của cụ, chị Bảy kể: “Một hôm vừa đi làm đồng về, tôi hoảng hồn vì thấy khói bay nghi ngút trong bếp. Vội chạy vào, tôi ngạc nhiên khi thấy cụ Phan đang rang lạc trên bếp củi. Hóa ra vì lọ muối vừng hết giữa chừng, con cháu lại vắng nhà nên cụ lọ cọ xuống bếp làm món khoái khẩu, trong khi thịt, cá vẫn đầy nồi”.
Người cháu dâu cũng vui vẻ chia sẻ tính đến nay đã ba lần cháu, chắt chuẩn bị quan tài cho cụ Phan. Lần đầu tiên vào năm 1965 khi gia đình đi quẻ, thầy phán trong năm gia đình sẽ có tang người già. Suy đi, tính lại con cháu quyết định đóng cho cụ chiếc quan tài dự phòng, đồng thời mua sắm khăn tang và những đồ vật cần thiết cho tang lễ. Thế nhưng, đợi đến hết năm gia đình vẫn yêu ổn, lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Lần thứ hai là vào năm 1980 và lần mới nhất là năm 1990. Cả hai lần này, con cháu đặt quan tài trước vì lo sợ lỡ cụ có mệnh hệ gì thì chuẩn bị không kịp. Cụ Phan biết điều đó nhưng không hề oán trách mà hoàn toàn vui vẻ. Chính tinh thần lạc quan khiến cụ bà khỏe mạnh, minh mẫn.
Hiện nay, cụ Phan có khoảng 17 người chít. Đây được xem là ngôi nhà đặc biệt nhất làng khi có đến 4 thế hệ cùng chung sống suốt nhiều năm qua. Hằng năm, cứ đến dịp tết, hay giỗ chạp, ngôi nhà cụ Phan lại tấp nập hơn những nhà xung quanh khi con, cháu, chắt, chút, chít về đây quây quần.