Bỏ xứ mưu sinh
Đảo Điếu ngư là tên của một ngọn đồi nổi giữa dòng Sê San do người dân tự đặt, cái tên làng Điếu ngư cũng xuất phát từ đó. Làng vẫn còn giữ được nhiều nét nguyên sinh, hoang sơ, dù xung quanh ngập nước nhưng trên cạn cây cối vẫn xanh tươi, có những cây to bằng nhiều người ôm.
24 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu sống hòa hợp với nhau, cùng dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Họ đến từ các vùng miền khác nhau: Cà Mau, An Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương… Chiếm số đông ở làng Điếu ngư vẫn là dân các tỉnh miền Tây, dân miền sông nước. Có đến 14 hộ trong làng đến từ An Giang, Long An, Cà Mau… Và mỗi người một quê, nhưng cùng chung phận mưu sinh xứ người.
Cách trạm kiểm soát sông Sê San 4 chừng 15 phút đường sông, di chuyển bằng thuyền hoặc ca nô, làng Điếu Ngư dần dần hiện ra. Phóng tầm mắt ra xa, trên mặt nước thấp thoáng chừng 20 chiếc thuyền, mé sát bờ là những nóc nhà chênh vênh. Gọi là nhà chứ thực chất là lều nổi, lều tạm.
Mỗi lều rộng khoảng 10-20m2, mái lớp và xung quanh vây tạm bợ bằng bạt, tôn hoặc cỏ tranh, đáy lều được ghép bằng thân cây lồ ô. Lều được cố định bằng dây thừng buộc vào cây cối xung quanh. Vì là lều nổi trên mặt nước nên hễ nước sông dâng, lều lại nổi theo và khi dòng nước rút cũng là lúc những chiếc lều chông chênh hạ thấp cùng con nước.
Chúng tôi tìm đến làng vào buổi xế trưa khi những ngư dân vừa kết thúc phiên chợ trao đổi cá ngay trên thuyền. Những con người nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt cá, hoạt động đánh bắt diễn ra thường vào chiều muộn đến sáng sớm hôm sau.
Làng chài được hình thành vào khoảng năm 2009, ban đầu chỉ có vài hộ sinh sống, họ dựng lều ở 2 bên bờ sông Sê San thuộc xã Ia O (huyện Ia Grai) và xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, Kon Tum) sống bằng nghề đánh bắt tôm cá.
Lâu dần tiếng lành đồn xa, dòng Sê San mênh mông với nhiều loại cá như cá lăng, cá anh vũ, cá mè dinh, cá rô phi… nuôi sống những người con xa xứ lập nghiệp tại nơi đây. Kể từ đó, số lượng dân làng Điếu ngư ngày càng tăng lên nhanh chóng.
“Tất cả những người đến đây mỗi người một hoàn cảnh nhưng nhìn chung thì đều nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ. Không xoay xở được cuộc sống ở quê hương nên mới phải khăn gói kéo nhau vô đây với mong muốn cuộc sống khá hơn, chứ thực sự nào có ai muốn xa xứ bao giờ…” vừa đưa mắt nhìn về phía xa xa, ông Nguyễn Văn Triều, trưởng làng Điếu ngư (quê An Giang) vừa trải lòng, trong ánh mắt không giấu nổi nét đượm buồn.
Chập chờn giấc ngủ giữa dòng sông
Đa phần hoạt động đánh bắt cá của cả làng chài thường diễn ra vào cuối buổi chiều (khoảng 16 – 17h) cho đến tận sáng hôm sau. Khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng lọt xuống đảo, leo lắt tắt dần giữa đại ngàn bao la, lúc ấy cũng là lúc dân làng chài rủ nhau bơi thuyền đi thả lưới, rồi cứ khoảng 2 - 3 tiếng lại đi thăm lưới một lần.
Những mẻ lưới đầu tiên được kéo lên khi ánh mặt trời vừa chiếu rọi. Như thường lệ, đúng vào thời điểm này, những người thu mua cá ở xã Ia O (huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai), xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, Kon Tum) đã có mặt đông đủ.
“Phiên chợ” cá diễn ra ngay trên thuyền, người bán bận rộn xách những xô cá vừa gỡ ra từ mẻ lưới của mình, người mua tất bật thu gom, chuyển cá về khoang thuyền để kịp giờ giao cá cho những người buôn lẻ. Mọi hoạt động trao đổi, mua bán thường kết thúc trước 9h sáng, cá theo thuyền về chợ và người dân làng chài lại sửa soạn đồ nghề đánh cá cho ngày tiếp theo.
Ông Trần Tằm (52 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Tôi bén duyên với làng ngay từ những ngày đầu hình thành làng. Tính ra tôi cũng là một trong những người đầu tiên tìm đến làng Điếu ngư này. Ở quê nhà tôi đông con, ruộng đất không có, chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền, vừa hay nghe dòng Sê San nhiều cá có thể nuôi sống cả gia đình, đắn đo mãi vợ chồng tôi quyết định tạm xa các con, xa quê hương để đến kiếm sống, mưu sinh nơi xứ người.
Tình cảm gia đình dành cho nhau chỉ qua những cuộc điện thoại đường xa. Cả năm dành dụm tiền để đến dịp tết, hai vợ chồng thay nhau về quê đón tết với con. Sông Sê San rộng, làng lại ở thượng nguồn nên có nhiều cá, trước đây tôi thường bắt được cá to, có con 30-40 kg, bán được nhiều tiền lắm.
Giờ do lượng người chuyển đến đánh cá đông hơn nên cá cũng ít dần, hiếm hoi lắm mới bắt gặp cá to, thậm chí có những hôm kéo lưới lên chỉ đủ tiền mua mớ rau ngoài chợ, biết bao giờ cho cuộc sống ổn định mà đón các con vào đoàn tụ đây ”.
Cuộc sống của những con người tha phương cứ thế âm thầm trôi đi theo thời gian, những số phận lênh đênh như con nước giữa dòng Sê San vẫn lặng lẽ với ngày tháng. Mỗi ngày trôi qua như một vòng tuần hoàn đã định sẵn, sau mỗi cuộc đánh cá, người dân lại trở về những căn nhà chông chênh nằm sát bờ để lo cơm nước, khi màn đêm buông xuống, những đứa trẻ con được lên trên bờ ngủ tại lều, còn người lớn vẫn thay phiên nhau chập chờn trong giấc ngủ dưới những chiếc thuyền đánh cá giữa dòng sông.
Cứ theo con nước đầy vơi, mà nay thì ở bờ này, mai bờ khác, và cũng vì dân ở làng đều ở tứ xứ về đây, không được đăng ký tạm trú nên việc đi học của những đứa trẻ cũng đã và đang trở thành một vấn đề nan giải. Phân nửa trẻ em ở làng học đánh cá thay cho việc học văn hóa, những chiếc thuyền chở những đứa trẻ theo con nước lênh đênh khiến “con chữ” ngày một xa dần.
Những đứa trẻ chông chênh trên sông nước đến trường |
Chính quyền tìm cách gỡ khó
Ở cái nơi thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần này, con người ta chỉ còn biết dựa vào nhau mà sống. Từ làng chài ra trung tâm xã Ia Tơi (huyện Ia HDrai, Kon Tum) khoảng hơn 10 km nhưng đường khó đi khiến cho làng Điếu ngư càng trở nên tách biệt hơn.
Đường xá không thuận lợi nên người dân thường chọn xã Ia O (huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai) là nơi trao đổi hàng hóa. Không gần, nhưng đường có phần dễ đi hơn, nếu đi đường bộ thì khoảng 30 km, còn nếu xuôi thuyền 15 phút sẽ ra bờ sông Sê San, sau đó đi bộ thêm chút là đến trung tâm xã.
Cũng chính vì đường xá không thuận lợi nên người dân làng chài rất ít rời khỏi làng, họ chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, còn thủy sản khi đánh bắt được sẽ có những người ở ngoài trung tâm xã Ia O hay xã Ia Tơi đến tận làng thu mua. Ở đây, chuyện một người đi chợ và mua giùm cho cả làng là thường xuyên, có khi phải cử thêm một người đi chợ cùng để xách đồ đạc phụ vì mua cực kì nhiều thứ.
Khi đêm về, dòng Sê San mới trở nên vắng lặng đến tận cùng. Nhìn xa xa chân trời chỉ thấy trời chỉ thấy một màu nước bạc, leo lắt đâu đó trên vài căn lều có những ánh đèn dầu hoặc ánh sáng le lói từ bóng điện bé xíu của bình ắc qui. Tiếng bìm bịp kêu vẳng trong không gian góp phần khiến cho nơi đây mang nét buồn đặc trưng, buồn đến nao lòng.
Sống ở làng Điếu ngư là cuộc sống thích nghi dần với mùa nước lên nước xuống. Mùa mưa lũ, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đột ngột, lều nổi không đủ sức chống chọi với mưa gió, người và đồ đạc thường xuyên bị ướt, thậm chí là bị trôi đi. Nhiều gia đình còn phải đưa con cái lên bờ gửi, hằng ngày người trong làng thay phiên lên bờ để mang đồ ăn, thức uống cho lũ trẻ, đến hết mùa lũ lại đón con về. Tuy nhiên, mùa mưa lũ cũng chính là thời điểm đánh bắt cá tôm được nhiều nhất của ngư dân. Cá, tôm, cua… theo nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dân làng chài thỏa sức mà đánh bắt.
Ở làng chài này, việc đến trường đã và đang là vấn đề rất nan giải cấp bách. Vì mưu sinh, vì tạm trú và cũng vì đi lại khó khăn nên những đứa trẻ được đến trường ở đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cách đây 4 năm, anh Huỳnh Tùng dắt díu vợ con từ Long An lên đây kiếm sống.
Thời gian đầu, anh chị vẫn thay phiên nhau chèo thuyền chở con đi học ở xã Ia O (huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai), tuy nhiên vì đường xa, đi lại khó khăn, hơn nữa chỉ thời gian đưa đi đón về thôi đã chiếm mất gần cả buổi, khiến cho việc đánh cá, mưu sinh không thể tiếp tục.
Vẫn biết tầm quan trọng của kiến thức đối với lớp trẻ, nhưng không còn cách nào hơn, vợ chồng anh chị đành phải cho hai cô con gái nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc nhà. Việc đến trường bỗng chốc trở nên quá xa xôi với những đứa trẻ nơi đây.
Mới đây, chính quyền các cấp hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã lên kế hoạch tích cực vận động và tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường. 9/14 trẻ đã được gia đình cho đi học. Niềm vui với người dân làng chài đã được nhân lên, khi chính quyền huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) đã tiếp nhận và cấp giấy tạm trú cho 24 hộ dân.
Ông Chế Hồng Quyền- Chủ tịch UBND xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai, Kon Tum) cho biết: “Tình trạng người dân di cư tự do giữa hai xã thuộc hai tỉnh Kontum và Gia Lai khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt và quản lý dân cư. Từ đó, nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề về mất an ninh trật tự trên địa bàn tăng cao, vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho huyện tiến hành cấp giấy tạm trú cho người dân làng chài và thời gian tới sẽ rà soát cấp hộ khẩu, cấp đất di dân lên bờ để người dân hưởng các chế độ chính sách”.